TextBody
Huy chương 2

Hội thảo xác định công nghệ cảnh báo sớm vận hành an toàn hồ chứa và bộ công cụ tính toán vỡ đập

28/04/2014

Ngày 25/4/2014, tại Viện Thủy công, Tổng Cục Thủy lợi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Cục Tài nguyên nước Nhật Bản và các Công ty Tư vấn có liên quan của Nhật Bản tổ chức Hội thảo "Công nghệ cảnh báo sớm vận hành an toàn hồ chứa và bộ công cụ tính toán vỡ đập". Tham dự Hội nghị có đại diện Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường; các Cục, Vụ và Trung tâm thuộc Tổng Cục Thủy lợi; Viện Quy hoạch Thủy lợi; Trường Đại học Thủy lợi; đại diện Sở NN&PTNT và Chi cục Thủy lợi và phòng chống lụt bão Thừa Thiên Huế; đại diện các Công ty Khai thác Công trình Thủy lợi... Về phía Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam có PGS. TS. Nguyễn Vũ Việt - Quyền Giám đốc Viện và một số đơn vị trực thuộc Viện.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Lê Thị Kim Cúc - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác Quốc tế - Tổng Cục Thủy lợi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết: Nhằm phát huy hiệu quả của các hoạt động hợp tác giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn với Bộ Đất đai, cơ sở hạ tầng, giao thông và du lịch Nhật Bản (MLIT) cũng như hợp tác giữa Cục Tài nguyên nước Nhật Bản với Tổng Cục Thủy lợi, đồng thời thực hiện chỉ đạo của Thứ trưởng -Tổng Cục trưởng Hoàng Văn Thắng về việc triển khai kế hoạch các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quản lý an toàn đập. Tổng Cục Thủy lợi đã phối hợp với Cục Quản lý Tài nguyên nước và các chuyên gia đến từ các Công ty Tư vấn có liên quan của Nhật Bản tổ chức Hội thảo “Công nghệ cảnh báo sớm vận hành an toàn hồ chứa và bộ công cụ tính toán vỡ đập” nhằm chia sẻ kinh nghiệm trong công tác đảm bảo an toàn hồ chứa giảm nhẹ rủi ro do lũ. Theo Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác Quốc tế, đây chính là cơ hội để các cán bộ thực hiện công tác nghiên cứu về quản lý, vận hành hồ đập xem xét, nghiên cứu nhằm đưa ra ý kiến giúp cơ quan quản lý về việc lựa chọn các công nghệ cảnh báo sớm và bộ công cụ tính toán vỡ đập phù hợp cho tình hình quản lý vận hành hồ chứa tại Việt Nam.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe các báo cáo viên đến từ Tổng cục Thủy lợi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Trường Đại học thủy lợi, Cơ quan Nước Nhật Bản, Tập đoàn: NIKKEN SEKKEI, JAPAN RADIO, FUJITSU trình bày các vấn đề liên quan như tình hình quản lý an toàn hồ chứa Việt Nam; Bộ công cụ tính toán bài toán vỡ đập;  Kỹ thuật Vận hành liên hồ chứa; Đề xuất hệ thống quản lý sông có nhiều hồ chứa tại Việt Nam; các kỹ thuật chủ yếu để quản lý hiệu quả hệ thống sông và nhóm hồ chứa.

Các đại biểu đã đánh giá cao các báo cáo trình bày của các báo cáo viên tại Hội thảo, đặc biệt đánh giá cao việc chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia đến từ Nhật Bản trong việc đưa ra các vấn đề, giải pháp tích hợp, các công cụ về quản lý an toàn hồ chứa như hệ thống giám sát chính xác lượng mưa, mực nước, dự báo mực nước của hồ chứa và sông; thiết bị đo mưa (rađa phân cực kép X-Band); thiết bị cảm biến quan sát; đồng hồ đo mực nước; hệ thống hỗ trợ quản lý tổng hợp hồ chứa... và các kinh nghiệm của các chuyên gia Nhật Bản trong vấn đề quản lý an toàn sông và hồ chứa tại miền Trung Việt Nam. Các đại biểu có mặt tại Hội thảo cũng đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp xác thực giúp cơ quan quản lý Nhà nước trong việc quản lý vận hành hồ chứa tại Việt Nam.

Kết luận Hội thảo, PGS.TS. Lê Thị Kim Cúc đề nghị trên cơ sở thực tế tại các tỉnh và địa phương của Việt Nam, các nhà khoa học, các chuyên gia đến từ Nhật Bản cần xem xét  vấn đề về quản lý vận hành, nâng cao năng lực địa phương, quản lý đầu vào và lắp đặt thử nghiệm cho 01 hệ thống cụ thể. Đồng thời, đề nghị Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan về công tác an toàn hồ đập, cùng với các chuyên gia Nhật Bản phân tích, sử dụng số liệu, tiếp thu công nghệ để hỗ trợ công tác ra quyết định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Cuối cùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác Quốc tế mong muốn các chuyên gia, các nhà khoa học của Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các vấn đề liên quan để đưa ra đánh giá, khả năng áp dụng thiết bị từ đó có các thử nghiệm tiếp theo.

Ý kiến góp ý: