Hội thảo xây dựng định hướng nghiên cứu cơ bản ưu tiên trong lĩnh vực Khoa học Trái đất, Khoa học Biển giai đoạn 2016 – 2020
23/10/2015Triển khai Nghị quyết số 46/NQ-CP ngày 29/3/2013 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW về phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, Bộ KH&CN được giao chủ trì thực hiện Đề án “Xây dựng Chương trình phát triển khoa học cơ bản trong lĩnh vực Hóa học, Khoa học Sự sống, Khoa học Trái đất và Khoa học Biển đến năm 2020” để trình Thủ tướng Chính phủ vào cuối năm 2015.
Sáng 20 - 21/10/2015, Bộ KH&CN đã tổ chức Hội thảo xây dựng định hướng nghiên cứu cơ bản ưu tiên trong lĩnh vực Khoa học Trái đất, Khoa học Biển giai đoạn 2016 - 2020. Chủ trì Hội thảo có Lãnh đạo Vụ Khoa học Xã hội và Tự nhiên; PGS.TSKH. Trần Trọng Hòa và PGS.TSKH. Nguyễn Văn Cư - Tổ trưởng tổ chuyên gia. Đại biển tham dự Hội thảo có đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Biển và Hải đảo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Quốc phòng, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội, các trường đại học, viện nghiên cứu và các nhà khoa học thuộc lĩnh vực Khoa học Trái đất và Khoa học Biển. Tại Hội thảo, Vụ Khoa học Xã hội và Tự nhiên đã chủ trì các tham luận về định hướng nghiên cứu lĩnh vực Khoa học Trái đất, Khoa học Biển giai đoạn 2016 - 2020, các dự kiến nội dung và kế hoạch triển khai Đề án để hướng đến mục tiêu chung của Chương trình là: - Nâng cao tiềm lực lĩnh vực Khoa học cơ bản; - Đào tạo nhân lực lĩnh vực Khoa học cơ bản trình độ cao; - Nâng cao vị thế của lĩnh vực Khoa học cơ bản Việt Nam trong khu vực và trên thế giới; - Tập trung một số nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng để giải quyết các vấn đề của sản xuất và đời sống, góp phần phát triển kinh tế xã hội. Phát biểu tại buổi Hội thảo, Vụ trưởng Vụ Khoa học Xã hội và Tự nhiên, Phó trưởng ban soạn thảo đề án, Ông Lê Quang Thành cho biết, từ năm 1991 Bộ KH&CN đã quan tâm đầu tư cho các khoa học cơ bản và đã xây dựng Chương trình Nghiên cứu cơ bản trong Khoa học Tự nhiên với sự tư vấn của Hội đồng Khoa học Tự nhiên. Chương trình được triển khai thực hiện cho đến năm 2008 và các định hướng nghiên cứu ưu tiên được xác định cho từng giai đoạn 5 năm. Từ 2009, Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia tài trợ cho nghiên cứu cơ bản trong Khoa học Tự nhiên. Tuy nhiên, những định hướng nghiên cứu ưu tiên từ năm 2008 đến nay đã lạc hậu, không còn phù hợp với tình hình phát triển mới. Vì vậy, một trong những nội dung chính của Chương trình phát triển khoa học cơ bản là xây dựng những định hướng nghiên cứu ưu tiên giai đoạn 2016-2020. Các đại biểu đã thảo luận, đánh giá về hoạt động nghiên cứu cơ bản lĩnh vực Khoa học Trái đất của đất nước, tìm ra những lợi thế, đặc điểm riêng để xác định cụ thể định hướng ưu tiên trong lĩnh vực Khoa học Trái đất và Khoa học Biển. Trong khuôn khổ Hội thảo, các tham luận đến từ các nhà khoa học đầu ngành từ các trường đại học, viện nghiên cứu,… đã được đưa ra thảo luận, góp ý cho định hướng nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực Khoa học Trái đất và Khoa học Biển như: (1) lĩnh vực Địa chất - Vật lý địa cầu; (2) khí hậu khí tượng - thủy văn; (3) các nghiên cứu chủ yếu trong địa lý tự nhiên, địa lý kinh tế - xã hội; (4) Chủ quyền biển đảo; (2) Khí tượng, thủy văn và hải dương học; (5) Địa chất - Địa vật lý biển; (6) Hóa sinh và đa dạng sinh học biển; (7) Môi trường và tai biến thiên tai biển; (8) Địa lý, quy hoạch không gian biển; (9) Cơ học và công trình biển; (10) Tài nguyên khoáng sản biển. Các nhà khoa học đánh giá cao sự hỗ trợ về mặt chuyên môn của Bộ KH&CN đối với các hoạt động nghiên cứu khoa học cơ bản lĩnh vực Khoa học Trái đất, Khoa học Biển và của Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia. Vụ Khoa học Xã hội và Tự nhiên Theo most.gov.vn
Cũng theo Vụ trưởng Lê Quang Thành, Hội thảo nhằm tập trung thảo luận về những định hướng ưu tiên trong lĩnh vực Khoa học Trái đất, Khoa học Biển qua những ý kiến đóng góp, chia sẻ từ các nhà khoa học đầu ngành dựa trên cơ sở một số nguyên tắc: những thế mạnh của Việt Nam (có nhiều công bố quốc tế); trên những hướng nghiên cứu hiện đại, tiên tiến của thế giới; định hướng những vấn đề làm nền tảng cho nghiên cứu ứng dụng và triển khai.
Ý kiến góp ý: