Hội thảo xin ý kiến góp ý dự thảo Thông tư hướng dẫn thủ tục đầu tư xây dựng và quản lý khai thác hệ thống trạm bơm điện vừa và nhỏ vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo hình thức đối tác công – tư
23/06/2015Ngày 19/6/2015, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã tổ chức Hội thảo xin ý kiến góp ý dự thảo “Thông tư hướng dẫn thủ tục đầu tư xây dựng và quản lý khai thác hệ thống trạm bơm điện vừa và nhỏ vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo hình thức đối tác công - tư” do Trung tâm Tư vấn Quản lý Thủy nông có sự tham gia của người dân (CPIM) - Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam chủ trì soạn thảo.
Tham dự Hội thảo có đại diện Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Tổng cục Thủy lợi; đại diện lãnh đạo và các chuyên gia thuộc các đơn vị: Trường Đại học Thủy lợi, Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường; Viện Kinh tế và Quản lý Thủy lợi; Trung tâm Tư vấn PIM; Ban Kế hoạch Tổng hợp và một số chuyên gia độc lập.
Phát biểu tại hội thảo, PGS. TS Nguyễn Tùng Phong, PGS. TS Lê Thị Kim Cúc và các chuyên gia đều nhấn mạnh vai trò đặc biệt của vùng ĐBSCL đối với sự phát triển chung của ngành nông nghiệp. Tuy diện tích đất canh tác nông nghiệp và thủy sản chỉ chiếm gần 30% so với cả nước nhưng đã đóng góp hơn 50% diện tích lúa và 71% diện tích nuôi trồng thủy sản, là vựa lúa và cũng là nơi xuất khẩu gạo, thủy sản chủ lực của cả nước, đó chính là lý do nhà nước và nhân dân các tỉnh vùng ĐBSCL luôn quan tâm đầu tư cho các hệ thống công trình thủy lợi lớn, nhỏ phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản ở vùng ĐBSCL, đặc biệt trong những năm gần đây do nhu cầu tăng vụ nên các địa phương đã xây dựng nhiều hệ thống đê bao lớn, bờ bao tiểu vùng và các trạm bơm nhỏ phục vụ sản xuất lúa vụ 3. Tuy nhiên, việc phát triển các trạm bơm tưới tiêu nội đồng vùng ĐBSCL trong thời gian qua phần nhiều mang tính tự phát, các trạm bơm hầu hết là nhỏ lẻ, kém hiệu quả, an toàn,... do vậy, năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án "Phát triển trạm bơm điện vừa và nhỏ" theo quyết định 1446/QĐ-TTg ngày 15/9/2009 nhằm tiến tới xóa trạm bơm dầu và các loại máy bơm tự chế để thay thế bằng bơm điện, đảm bảo an toàn trong vận hành và giảm thiểu chi phí tưới tiêu.
Để giảm bớt gánh nặng đầu tư cho ngân sách nhà nước và tăng cường vai trò, trách nhiệm của người dân, trong quá trình triển khai thực hiện Đề án, các địa phương đã có những cơ chế, giải pháp huy động, thúc đẩy cộng đồng và các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng và quản lý khai thác hệ thống trạm bơm điện theo hình thức xã hội hóa, đối tác công tư. Tuy nhiên, cơ chế hỗ trợ, quy trình thủ tục hiện nay giữa các địa phương là không thống nhất, do vậy ở một số địa phương, trong một số trường hợp đã có sự lúng túng trong quá trình quản lý; nảy sinh những mâu thuẫn về trách nhiệm và lợi ích của nhà đầu tư và người sử dụng dịch vụ. Vì vậy, nhu cầu đặt ra đối với cơ quan quản lý nhà nước là phải quy định và ban hành hướng dẫn về quy trình thủ tục và cơ chế, chính sách thống nhất trong đầu tư xây dựng và quản lý khai thác trạm bơm điện vùng ĐBSCL đáp ứng yêu cầu thực tiễn và triển khai Nghị định 15/2015/NĐ-CP của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư.
Hội thảo đã trao đổi, thảo luận về các nội dung của Dự thảo Thông tư. Trong đó, hầu hết các ý kiến đều khẳng định sự cần thiết phải có hướng dẫn, quy định thống nhất quy trình thủ tục trong đầu tư xây dựng và quản lý khai thác hệ thống trạm bơm điện vừa và nhỏ vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo hình thức đối tác công – tư trên cơ sở chi tiết các nội dung liên quan của Nghị định số 15/2015/NĐ-CP nhưng lưu ý đơn vị chủ trì cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để hoàn thiện cơ sở lý luận và thực tiễn, đảm bảo khi chính sách được ban hành có thể đi vào cuộc sống.
Xuân Thịnh - CPIM
Ý kiến góp ý: