TextBody
Huy chương 2

Hội thảo “Kết quả ứng dụng công nghệ Nhật Bản về quản lý nước tiết kiệm, giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa vùng đồng bằng sông Hồng”

13/12/2017

Để đánh giá các kết quả thực hiện dự án nghiên cứu thí điểm "Ứng dụng công nghệ của Nhật Bản trong quản lý nước tưới tiết kiệm trên ruộng lúa tại Việt Nam" làm cơ sở nhân rộng ra các khu vực có điều kiện tương tự, ngày 11/12, tại Hà Nội, Tổng cục Thủy lợi phối hợp với Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Trường Đại học Kyoto và Công ty Kitai Sekkei - Nhật Bản tổ chức Hội thảo “Kết quả ứng dụng công nghệ Nhật Bản về quản lý nước tiết kiệm, giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa vùng đồng bằng sông Hồng”

Tham dự Hội thảo có PGS.TS. Nguyễn Văn Tỉnh - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, đại diện Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Vụ trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; GS.TSKH. Phạm Hồng Giang - Chủ tịch Hội đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam; đại diện Trường Đại học Thủy lợi, Viện Quy hoạch Thủy lợi, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Viện Khoa học Nông nghiệp Bắc Trung Bộ, Trung tâm Tài nguyên Thực vật; đại diện Công ty TNHH MTV Bắc Hưng Hải, Bắc Nam Hà, Hội tưới tiêu, Hội Thủy lợi; đại diện các Sở NN&PTNT, Chi cục Thủy lợi các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ; đại diện UBND xã Phú Thịnh - Hưng Yên và Nghi Kim - Nghệ An và một số cơ quan thông tấn báo chí. Về phía Quốc tế có đại diện Đại sứ quán Nhật Bản, Tổng Giám đốc Công ty Kitai Sekkei, Đại học Kyoto, Đại học Osaka, JICA Việt Nam, Viện Khoa học và Công nghệ Quang Du - Hàn Quốc.

Về phía Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam có PGS.TS. Nguyễn Vũ Việt - Giám đốc Viện, GS.TS. Trần Đình Hòa - Phó Giám đốc Viện, các cán bộ khoa học của một số đơn vị trực thuộc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam và các cán bộ khoa học thuộc Viện Nước Tưới tiêu và Môi trường.

Phó Viện trưởng Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường TS. Lê Xuân Quang tuyên bố lý do và giới thiệu đại biểu

Hội thảo do PGS.TS. Nguyễn Văn Tỉnh - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, PGS.TS. Nguyễn Vũ Việt - Giám đốc Viện và Ông Kaji - Chủ tịch - Tổng Giám đốc Công ty Kitai Sekkei chủ trì.

Tại Hội thảo Đại sứ quán Nhật Bản Ông Shimose cho biết trong lĩnh vực nông nghiệp , việc tưới tiêu tiết kiệm nước, quản lý hiệu quả khí nhà kính, nâng cao kỹ thuật canh tác nông nghiệp cũng là một trong những chủ đề quan trọng trong hợp tác nông nghiệp giữa 2 nước Nhật Bản và Việt Nam.

Đại diện Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam Ông Shimose Cogiaburo phát biểu

Với sự hợp tác chặt chẽ của các bên liên quan của Nhật Bản như Công ty Kitai, Đại học Kyoto và phía Việt Nam như Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, dự án đã đạt được những kết quả cao tại tỉnh Hưng Yên và Nghệ An. Đại diện cho Chính phủ Nhật Bản, Ông Shimose đánh giá cao sự hợp tác của Dự án, sự nỗ lực của các bên liên quan thời gian qua và hy vọng phương pháp , kết quả nghiên cứu  sẽ được nhân rộng tại Việt Nam và mối quan hệ giữa hai nước sẽ ngày càng bền vững hơn thông qua Dự án hợp tác này.

Ông Kaji - Chủ tịch - Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn và Thiết kế Kitai Sekkei giới thiệu sơ lược về Công ty Kitai Sekkei và giới thiệu điểm khởi đầu của Công ty trong việc thực hiện Dự án ở Việt Nam

Phó Viện trưởng Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường TS. Lê Xuân Quang đã trình bày báo cáo về kết quả hợp tác
nghiên cứu công nghệ quản lý nước tiết kiệm trên ruộng lúa tại Việt Nam và kết quả tại xã Phú Thịnh, Kim Động Hưng Yên

Tiếp theo đó, các đại biểu đã được nghe các diễn giả đến từ Nhật Bản cũng như Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm về quản lý nước cho sản xuất lúa; cải tạo kênh tưới tiêu cho lúa ở Nhật Bản; quản lý nước khô -ướt xen kẽ bởi HTX và kết quả đo lượng nước phát thải khí nhà kính tại Phú Thịnh - Kim Động; kết quả nghiên cứu mô hình thử nghiệm ở Nghệ An; chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam về kỹ thuật canh tác lúa.

GS.TSKH. Phạm Hồng Giang - Chủ tịch Hội đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam cho rằng Việt Nam và Nhật Bản có nhiều nét tương đồng về phát triển cây lúa và sản xuất nông nghiệp, những kinh nghiệm của Nhật Bản giới thiệu tại Hội thảo rất bổ ích đối với Việt Nam.

Những diện tích đã được nghiên cứu trong các báo cáo đã đem lại kết quả hết sức khả quan đối với Việt Nam khi mà việc phát ra khí thải, khí metan, khí cacbonic hiện nay ở Việt Nam chưa thực sự quan tâm hay việc sử dụng thuốc trừ sâu, chất hóa học trong quá trình bón cho cây lúa phần nào chưa đảm bảo được yếu tố thân thiện với môi trường và một sản phẩm như vậy, theo GS.TSKH. Phạm Hồng Giang là không thể có giá trị trên thị trường thế giới.

GS.TSKH. Phạm Hồng Giang - Chủ tịch Hội đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Theo Ông cần tiếp tục có những nghiên cứu tương tự để có được những kết quả sâu sắc hơn, rộng rãi hơn, ở mức độ cao hơn, có tác dụng mạnh mẽ hơn của ngành thủy lợi đối với nông nghiệp và cần có sự hợp tác tiếp tục giữa hai bên nhằm thúc đẩy chương trình này.

Ông cho rằng nó có ý nghĩa kinh tế xã hội và nhân văn vì Việt Nam hiện nay có 70% nông dân sống ở Nông thôn nếu chúng ta có Chương trình hợp tác với sự hỗ trợ tích cực từ phía Nhật Bản này thì sẽ giúp cho cuộc sống của 70% nông dân Việt Nam được cải thiện, đóng góp chung cho việc phát triển kinh tế xã hội và trong việc đảm bảo an ninh lương thực thế giới.

PGS.TS. Nguyễn Văn Tỉnh - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, thay mặt lãnh đạo Tổng cục Thủy lợi,  PGS.TS. Nguyễn Văn Tỉnh - Tổng cục trưởng đã đánh giá cao công tác tổ chức Hội thảo, có nhiều ý kiến đóng góp quý báu, có giá trị điều đó khẳng định Hội thảo có nhiều nội dung các đại biểu rất quan tâm. Đồng thời, Tổng cục trưởng cũng đánh giá cao các báo cáo tham luận đã chuẩn bị có chất lượng tốt và đề nghị Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam tổng hợp ý kiến, báo cáo, các bài trình bày để triển khai trong thời gian tới.

Nói về Dự án nghiên cứu thí điểm hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản, Tổng cục trưởng cho rằng đây là Dự án vừa có ý nghĩa khoa học, thực tiễn vừa có ý nghĩa kinh tế xã hội. Mặc dù trong thời gian ngắn với nguồn kinh phí ít ỏi nhưng các nhà khoa học Việt Nam và Nhật Bản đã triển khai nghiên cứu rất bài bản, công phu, phương pháp nghiên cứu hiện đại từ thí nghiệm trong phòng cho đến đồng ruộng đảm bảo độ tin cậy cao.

Trên cơ sở áp dụng công nghệ về hệ thống công trình thủy lợi nội đồng để kiểm soát chế độ nước trên ruộng bằng công nghệ ướt khô xen kẽ kết hợp với các biện pháp kỹ thuật canh tác nông nghiệp như về kỹ thuật phân bón bằng silic, gieo cấy ít khóm hơn so với truyền thống, đã rút ra kết luận rất quan trọng như lượng nước tưới giảm từ 20-50%, phát thải khí nhà kính giảm từ 15-70%, năng suất lúa không giảm, có một số trường hợp tăng từ 10-15%, có thể tăng được chất lượng hạt gạo, tăng thu nhập người dân và một số lợi ích khác và rất có triển vọng nhân rộng ở Việt Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi nói.

Tổng cục trưởng còn cho biết hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo nông nghiệp Việt Nam phải hướng tới một nền nông nghiệp sạch, xanh và nông nghiệp hữu cơ đồng thời phải thân thiện với môi trường và phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhận thức được rằng công nghệ của Nhật Bản hoàn toàn phù hợp với điều kiện của Viện Nam nếu tiếp tục có hướng nghiên cứu, đánh giá để triển khai nhân rộng có hiệu quả.

Mặc dù bước đầu nghiên cứu có hướng khả thi nhưng Dự án mới chỉ dừng lại ở mô hình trên ruộng nhỏ đại diện cho 02 vùng, còn hai vùng rất quan trọng khác là đồng bằng sông Cửu Long và Nam Trung Bộ, do vậy Tổng cục trưởng cũng đề nghị Chính phủ Nhật Bản, Đại sứ quán Nhật Bản tại VIệt Nam, Bộ Nâm Lâm Thủy sản Nhật Bản và Bộ Khoa học Công nghệ cho tiếp tục triển khai áp dụng công nghệ tại Nghệ An và cho triển khai tại 02 vùng đó là vựa lúa lớn nhất cả nước Đồng bằng sông Cửu Long với diện tích gieo trồng mỗi năm khoảng 4 triệu hecta và vùng Nam Trung Bộ với diện tích lúa khoảng 1 triệu hecta, là vùng thường xuyên hạn hán.

Đồng thời, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cũng đề nghị Chính phủ Nhật Bản cho tiếp tục thực hiện dự án hỗ trợ kỹ thuật về chỉnh trang đồng ruộng và về phía Tổng cục Thủy lợi cam kết sẽ cùng với các đơn vị có liên quan ở Việt Nam triển khai thực hiện có hiệu quả dự án này.

 

Trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, trồng Lúa là hoạt động tiêu thụ nhiều nước nhất, đồng thời cũng phát thải một lượng khí nhà kính lớn nhất. Trong bối cảnh nhu cầu về nguồn nước ngày càng tăng và phải đối mặt với những thách thức như ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt tài nguyên nước do biến đổi khí hậu, đẻ đảm bảo tưới ổn định cho 3,8 triệu ha diện tích đất canh tác lúa, tưới tiết kiệm nước, giảm phát thải khí nhà kính, nâng cao chất lượng sản phẩm là yêu cầu hết sức cấp bách.

Được sự cho phép của Bộ NN&PTNT, Bộ KH&CN, Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường - Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã phối hợp với Công ty Kitai Sekkei, Trường Đại học Kyoto, Đại học Osaka… - Nhật Bản thực hiện dự án nghiên cứu thí điểm “Ứng dụng công nghệ của Nhật Bản trong quản lý nước tưới tiết kiệm trên ruộng lúa tại Việt Nam”. Dự án đã được triển khai từ năm 2014-2017 tại xã Phú Thịnh huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên.

 

Ý kiến góp ý: