Hội thảo “Xây dựng chương trình Đào tạo Thạc sỹ chuyên ngành “Quản lý tài nguyên thiên nhiên giảm thiểu rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu”
13/06/2019Sáng ngày 12/6/2019, tại Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã diễn ra Hội thảo “Xây dựng chương trình Đào tạo Thạc sỹ chuyên ngành “Quản lý tài nguyên thiên nhiên giảm thiểu rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu”
Đây là Chương trình nằm trong chương trình hợp tác giữa Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Trường Đại học Thủy lợi và Viện Công nghệ và Quản lý tài nguyên trong vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới (ITT) Đại học Khoa học ứng dụng Cologne - CHLB Đức về việc chuẩn bị đề xuất xây dựng chương trình đào tạo trình độ Thạc sỹ chuyên ngành Quản lý tổng hợp tài nguyên giảm thiểu rủi ro thiên tai thích ứng với biến đổi khí hậu. Đề xuất này đã được Cơ quan trao đổi hàn lâm Đức (DAAD) chọn tài trợ bắt đầu năm 2019 đến 2022.
Dự kiến kết quả của Dự án nhằm xây dựng một chương trình đào tạo thạc sỹ chuyên ngành: Quản lý tài nguyên thiên nhiên giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu tại trường Đại học Thủy lợi với các môn học và chương trình được quốc tế hóa với sự hỗ trợ của các trường đại học và các tổ chức trong nước, quốc tế về lĩnh vực quản lý tài nguyên thiên nhiên và giảm thiểu rủi ro thiên tai.
Quang cảnh Hội thảo
Hội thảo này nằm trong chuỗi các hội thảo được chuẩn bị giữa các đối tác trong Chương trình và là Hội thảo đầu tiên với mục tiêu: (1) Giới thiệu và tổng kết kinh nghiệm, các chương trình đào tạo liên quan của các trường Đại học trong và ngoài mạng lưới; (2) Tham vấn các cơ quan trong nước và quốc tế về năng lực cần thiết của học viên trong Chương trình. Qua đó, các giảng viên của Trường Đại học Thủy lợi, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, ITT cùng các chuyên gia sẽ thảo luận về khung chương trình thạc sỹ được xây dựng, chuẩn bị các nghiên cứu hỗ trợ xây dựng nội dung môn học, các hoạt động trao đổi chương trình đào tạo, giảng viên và sinh viên giữa các đối tác.
Tham dự Hội thảo có đại diện cơ quan trao đổi hàn lâm Đức (DAAD); Viện ITT - Đại học Khoa học ứng dụng Cologne; Đại học Gadjah Mada - Indonesia; Đại học Tự do Bangladesh; Viện Công nghệ Châu Á (AIT); Trung tâm Phòng chống thiên tai Châu Á (ADPC); đại diện Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Vụ Tổ chức cán bộ và các Vụ thuộc Tổng cục Thủy lợi, Tổng cục Phòng chống thiên tai - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; đại diện Trường Đại học Thủy lợi...
Về phía Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam có PGS.TS. Nguyễn Tùng Phong - Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam; đại diện lãnh đạo các Ban tham mưu; Viện Thủy công, Viện Sinh thái và Bảo vệ Công trình, Viện Thủy điện và Năng lượng tái tạo, Phòng Thí nghiệm trọng điểm Quốc gia về Động lực học Sông Biển, Trung tâm Phần mềm Thủy lợi; lãnh đạo và chuyên viên Trung tâm Đào tạo và Hợp tác Quốc tế.
Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam PGS.TS. Nguyễn Tùng Phong phát biểu tại Hội thảo
Thay mặt cho Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, PGS.TS. Nguyễn Tùng Phong - Phó Giám đốc Viện đã gửi lời cảm ơn đến các đại biểu đã tham dự Hội thảo quốc tế được tổ chức tại Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam.
Theo Phó Giám đốc Viện, Việt Nam là một trong 10 quốc gia bao gồm Indonesia và Bangladesh bị ảnh hưởng và thiệt hại nặng nề về thiên tai và biến đổi khí hậu, nhóm tổn thương nhiều nhất là phụ nữ, trẻ em và dân tộc thiểu số. Tại Hội nghị Phòng chống thiên tai được tổ chức vào tháng 3 năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra quan điểm về xây dựng những khả năng phòng chống thiên tai cho xã hội và khẳng định phòng chống thiên tai là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của toàn bộ hệ thống chính trị, kinh tế, xã hội.
Phòng chống thiên tai được thực hiện cùng với quản lý rủi ro đặng biệt là nâng cao năng lực cho cán bộ làm việc tại các cơ quan về phòng chống và kiểm soát thiên tai. Viện có chương trình thạc sỹ mới đó là về phòng chống thiên tai liên quan đến giảm thiểu rủi ro và thích ứng với biến đổi khí hậu và đây là chương trình đầu tiên của Việt Nam. Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam rất vui mừng được phối hợp với các trường đại học, các đối tác thực hiện đến năm 2020 với sự hỗ trợ của DAAD.
Phó Giám đốc Viện cũng hy vọng Chương trình này sẽ giúp cho các giảng viên, các sinh viên tham dự các khóa học có đủ năng lực, đủ trình độ để làm việc liên quan đến công tác giảm thiểu rủi ro thiên tai ở Việt Nam. Đồng thời cũng hy vọng chương trình này sẽ giúp nâng cao năng lực về thực hiện các chiến lược giảm thiểu thiên tai cũng như đạt dược mục tiêu phát triển bền vững. Hội thảo này là hội thảo có sự tham vấn của các bên liên quan, đặc biệt có sự tham gia của các tổ chức có liên quan như ADPC, Tổng cục Phòng chống thiên tai, các cựu sinh viên.
Phó Giám đốc Viện cũng đã gửi lời cảm ơn đến DAAD đã hỗ trợ và tài trợ chương trình này; cảm ơn sự hỗ trợ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan ban ngành liên quan; cảm ơn ITT, DPC, UGM, IUB về sự hợp tác cũng như sự tham gia thực hiện chương trình trong thời gian tới. Phó Giám đốc Viện chúc hội thảo thành công và đạt được kết quả như kỳ vọng.
Phó Hiệu trưởng trường Đại học Thủy lợi GS.TS. Nguyễn Trung Việt phát biểu tại Hội thảo
GS.TS. Nguyễn Trung Việt - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Thủy lợi cho rằng hiện nay, một trong những nỗi quan ngại lớn nhất trên toàn cầu chính là biến đổi khí hậu và sự quan ngại này đã được thể hiện ở trong rất nhiều chỉ số của Việt Nam cũng như ở các quốc gia khác, có thể thấy rằng cường độ và tần suất của thiên tai tăng lên rất nhanh cho thấy sự phát triển rất phức tạp giữa thiên nhiên và xã hội. Do đó chúng ta cần phải có những giải pháp sáng tạo giải quyết vấn đề này, đây là vấn đề thách thức, cần phải đào tạo con người có năng lực, sự hiểu biết về thiên nhiên, sử dụng các công nghệ để từ đó chúng ta có thể tăng khả năng chống chịu và có sự phát triển hài hòa.
Phó Hiệu trưởng hy vọng tại Hội thảo này, các đối tác của Dự án sẽ đưa ra những kinh nghiệm, bài học chia sẻ, đem lại lợi ích cho học viên, sinh viên và mong muốn nhận được những ý kiến đóng góp của các đại biểu để từ đó xây dựng được bộ khung chương trình cho Chương trình thạc sỹ mới và đặc biệt có thể nâng cao năng lực cho con người về quản lý thiên tai cũng như giảm thiểu các nguy cơ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu ở Việt Nam.
Viện trưởng Viện Quản lý Công nghệ và Tài nguyên vùng Nhiệt đới và cận nhiệt đới (ITT) GS.TS. Lars Ribbe phát biểu tại Hội thảo
GS.TS. Lars Ribbe - Viện trưởng Viện Quản lý Công nghệ và Tài nguyên vùng Nhiệt đới và cận nhiệt đới (ITT) khẳng định thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm thiểu nguy cơ thiên tai là thách thức rất quan trọng đối với xã hội và tất cả các quốc gia trên thế giới đều phải đang đối mặt với vấn đề này. GS.TS. Lars Ribbe mong muốn chương trình thạc sỹ cần phải được lồng ghép vào các nghiên cứu, kết nối các nghiên cứu giáo dục nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế của xã hội đang diễn ra.
“Thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu, giảm thiểu rủi ro thiên tai nghĩa là chúng ta cần phải hiểu được bản chất của thiên tai. Tôi nghĩ rằng chúng ta đang có một đội ngũ cán bộ phù hợp để giải quyết vấn đề này, đồng thời chúng ta cũng tìm ra được chiến lược để thích ứng với thiên tai đó, đối mặt với thiên tai theo đúng hướng. Đó là chúng ta đào tạo ra được một đội ngũ sinh viên kế cận để có được trình độ cần thiết, có được kiến thức về thiên tai, kiến thức mới, có nhiều khóa học liên quan đến nhiều lĩnh vực. Đồng thời chia sẻ, học tập kinh nghiệm lẫn nhau, sử dụng sức mạnh của sự hợp tác để tạo ra động lực giữa các đối tác liên quan, có những hoạt động trao đổi, đào tạo cán bộ và hoạtđộng trao đổi sinh viên lẫn nhau. Đây là điều kiện cần thiết để chúng ta có thể xây dựng ra nội dung thực hiện hình thức đào tạo đổi mới sáng tạo”, GS.TS. Lars Ribbe nói.
GS.TS. Lars Ribbe cũng cho rằng nhiệm vụ trọng tâm của chuỗi Hội thảo này đó là cần phải đảm bảo thiết kế thực tế, lồng ghép quan điểm, lắng nghe những nhu cầu của các bên liên quan; có được sản phẩm rõ ràng, có thể sờ nắm được, sản phẩm không chỉ là một bộ giáo trình mà là bộ tài liệu giảng dạy rõ ràng, chi tiết và bộ giáo trình này không phải chỉ sử dụng trong phạm vi Chương trình mà được sử dụng bởi các đối tác trong mạng lưới quốc tế khác; nhìn về những cơ hội đang có hiện nay trong thời đại kỹ thuật số, số hóa, thiết bị từ xa, xử lý phân tích dữ liệu để trực quan hóa và sử dụng dữ liệu.
Đồng quan điểm với Phó Giám đốc Viện đề cập về việc tận dụng được những ưu việt của thời đại cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, GS.TS. Lars Ribbe cho rằng cần phải nâng cao năng lực để có thể sử dụng và chia sẻ dữ liệu, thông tin, thúc đẩy sự hợp tác lẫn nhau.
GS.TS. Lars Ribbe mong muốn bên cạnh những buổi trao đổi trực tiếp như tại Hội thảo này thì cần có những buổi trao đổi thông qua các phương thức hỗ trợ khác để trao đổi về bộ tài liệu xây dựng và giảng dạy trong thời gian tới.
Trưởng Đại diện của Văn phòng DAAD ở Hà Nội Ông Stefan Hase Bergen phát biểu tại Hội thảo
Ông Stefan Hase Bergen - Trưởng Đại diện của Văn phòng DAAD ở Hà Nội - cơ quan tài trợ cho Chương trình này cho hay, sự tự chủ của Trường Đại học đóng vai trò quan trọng để nâng cao, cải thiện được các hoạt động về giáo dục và nghiên cứu, nhất là hiện nay thế giới đang phải đối mặt với các thách thức về biến đổi khí hậu cũng như thiên tai và chúng ta cần phải giải quyết các thách thức này, đây là nhu cầu cấp bách. Do vậy, việc xây dựng bộ giáo trình khung cũng như có chương trình đào tạo, tập huấn chất lượng sẽ giúp cho chúng ta thể hiện được sự thay đổi về xã hội cũng như thể hiện được sự thay đổi về thị trường lao động, đây là bước quan trọng để có thể giải quyết được các thách thức. Trong đó mục tiêu hàng đầu là phải đào tạo ra đội ngũ sinh viên, học viên có trình độ không chỉ cung cấp cho thị trường lao động mà còn có thể giải quyết được các thách thức này - thách thức của thời đại mới.
Khung Chương trình này không phải chỉ chuyển giao từ quốc gia này sang một quốc gia khác, từ Viện nghiên cứu này sang Viện nghiên cứu khác, từ cơ quan này sang cơ quan khác mà còn phải được thích ứng để đáp ứng nhu cầu về mặt môi trường, xã hội, tất cả các điều kiện trong thực tế, bộ khung chương trình cần phải được thay đổi để có thể đáp ứng được những điều kiện tại nơi được sử dụng.
Để đạt mục tiêu này, Đại diện Văn phòng DAAD ở Hà Nội cho rằng không phải chỉ cần một bàn tay mà chúng ta phải cần rất nhiều bàn tay cùng chung lại với nhau.
Ông Guenther Sraub đã giới thiệu sơ lược dự án, chia sẻ các mục tiêu và đầu ra mong đợi của Dự án
TS. Dr. Dyah Rahmawati Hibaron - Trường Đại học GADJAH MADA giới thiệu về chương trình giảng dạy chính và các hoạt động liên quan đến giảm thiểu rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu
TS. Adul Khaleque - IUB giới thiệu chương trình giảng dạy cho chương trình thạc sỹ của IUB bao gồm chương trình thạc sỹ khoa học về môi trường, về tài nguyên thiên nhiên và quản lý thiên tai, về biến đổi khí hậu và phát triển
TS. Hoàng Thanh Tùng - Trường Đại học Thủy lợi giới thiệu 03 chương trình về quản lý tài nguyên nước, kỹ thuật và quản lý bờ biển và chương trình về quản lý thiên tai tại Trường Đại học Thủy lợi
TS. Alexandra Nauditt - Chuyên gia thủy văn của ITT giới thiệu về chương trình đào tạo liên kết thạc sỹ giữa ITT và Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam
TS. Nguyễn Quang Tân - Đại học Huế giới thiệu sơ lược về Trường và khả năng có thể hợp tác
TS. Rishiraj Dutta - AIT giới thiệu về trung tâm thông tin địa lý và các hoạt động nghiên cứu
TS. Lê Quang Tuấn - Đại diện Tổng cục Phòng chống thiên tai - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phát biểu tham luận
Thay mặt Tổng cục Phòng chống thiên tai - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Ông Lê Quang Tuấn chia sẻ, Tổng cục rất quan tâm đến việc đào tạo truyền thông và đặc biệt nâng cao nhận thức cộng đồng. Ngoài ra, việc đào tạo và đạo tại lại sau khi tiếp nhận kinh nghiệm của các cơ sở đào tạo quốc tế có thể thấy việc đào tạo và đào tạo lại trước đây ở Việt Nam về mảng thiên tai còn nhiều hạn chế. Hội thảo này giúp cho Tổng cục Phòng chống thiên tai nhìn được bức tranh tổng thể, sâu và rộng về thiên tai đó là sự phối hợp liên ngành, liên Bộ bao gồm nhiều lĩnh vực hoặc các công cụ hỗ trợ viễn thám, không gian trong việc quản lý thiên tai. Đây là nội dung rất cần thiết đối với Việt Nam mặc dù phía Việt Nam đã tiếp cận các công cụ này tuy nhiên chưa có sự tổng hợp Chương trình đào tạo nào lớn như Chương trình này. Năm 2018, Tổng cục Phòng chống thiên tai đã ký biên bản ghi nhớ trong việc xây dựng chương trình đào tạo giữa Trường và Viện trong việc phối hợp để đào tạo và đào tạo lại. Lực lượng phòng chống thiên tai, quản lý thiên tai ở các cấp ở Việt Nam còn rất mỏng, nhiều người trong số đó không chỉ mỏng về chuyên ngành quản lý nước, thủy lợi mà còn nhiều ngành khác tham gia vào hoạt động thiên tai ở các sở nông nghiệp và phát triển nông thôn, chi cục thủy lợi, chi cục phòng chống thiên tai… Ngoài việc đào tạo cho sinh viên, học viên trẻ, Ông Lê Quang Tuấn mong muốn có một chương trình phù hợp đối với các cán bộ quản lý thiên tai các cấp, đào tạo lại và tăng cường nhận thức cho họ theo hướng quản lý rủi ro thiên tai và quản lý tổng hợp. Những nội dung này mặc dù Tổng cục Phòng chống thiên tai đã có những chương trình đào tạo riêng theo mức độ chuyên ngành, tuy nhiên ở mức độ sâu rộng hơn, Ông mong muốn trong chương trình này sẽ có một hợp phần riêng về đào tạo lại cho các cán bộ làm công tác quản lý thiên tai cả trung ương và địa phương và mong muốn có được sự phối hợp với Viện và Trường để tiếp cận dự thảo Chương trình đào tạo, gửi ý kiến rộng rãi đến các đơn vị trực thuộc cấp Bộ. Về phía Tổng cục Phòng chống thiên tai sẽ phối hợp chặt chẽ với tất cả các đơn vị tham gia Hội thảo để xay dựng được Chương trình đào tạo mang tính tổng hợp. TS. Lê Hoàng Anh - Đại diện Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phát biểu tham luận Chia sẻ tại Hội thảo, TS. Lê Hoàng Anh - Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường đồng tình với Hội thảo về lồng ghép 02 chuyên ngành giảm thiểu nguy cơ thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu và việc này đóng vai trò rất quan trọng. Phía Ban chỉ đạo biến đổi khí hậu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mong muốn thúc đẩy và ủng hộ Chương trình Đào tạo thạc sỹ này. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã phê chuẩn hiệp định Paris, chúng tôi cam kết sẽ thực hiện đóng góp với quốc gia và đây là thời điểm phù hợp để chúng ta bắt đầu có hành động cụ thể. Hy vọng rằng chương trình này sẽ đóng góp nguồn lực cho quốc gia nói chung cũng như lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn và cho lĩnh vực thủy lợi nói riêng. “Liên quan đến cam kết của chúng tôi, chúng tôi sẽ có 02 hợp phần khác nhau thích ứng và giảm thiểu. Đối với hợp phần thích ứng, ở đây chúng ta đã đề cập đến nhưng chưa đủ mạnh và hiện nay chúng ta đang có yêu cầu rất lớn đối với các nghiên cứu thực hiện về thiệt hại bị tổn thất và chúng ta thấy rằng hiện nay vẫn chưa có nhiều nghiên cứu về vấn đề về thiệt hại, cũng như là chưa có đề xuất đủ mạnh cho các nhà hoạch định chính sách. Nếu như chúng ta lại không thích ứng, chúng ta sẽ rõ ràng bị tổn thất; nếu chúng ta thích ứng được dù một ít thì chúng ta có thể chống chịu được với thiệt hại đó; nếu chúng ta thích ứng rất tốt, chúng ta có thể thực hiện tốt về phần giảm thiểu nguy cơ thiên tai, thích ứng với tác động biến đổi khí hậu thì chúng ta chắc chắn có sự thành công”, TS. Lê Hoàng Anh nói. TS. Lê Hoàng Anh cho rằng đây là điều khó khăn về mặt chính trị, chính sách... tuy nhiên trong Chương trình này, cần đưa ra nội dung cụ thể, rõ ràng; làm rõ tầm quan trọng của vấn đề các quốc gia cùng tham gia và sau đó thực hiện các hoạt động về nghiên cứu và phát triển, có thể tham gia trực tiếp trong thực tế. Liên quan đến nhu cầu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, TS. Lê Hoàng Anh mong muốn cần tăng cường thêm hợp phần về kỹ thuật đàm phán biến đổi khí hậu để các học viên đến từ các Bộ, ngành có thể tham gia đóng góp vào chương trình này, về phía Bộ đang cần nhiều nhóm kỹ năng này, cần nguồn lực để có đủ khả năng thực hiện các hoạt động về đàm phán. GS.TS. Lê Đình Thành phát biểu tại buổi tham luận Tham luận tại Hội thảo, GS.TS. Lê Đình Thành cho rằng Chương trình đào tạo Thạc sỹ này rất tốt cho Việt Nam để nâng cao năng lực cũng như nâng cao trình độ cho các cán bộ trong công tác thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. GS.TS. Lê Đình Thành cũng đồng ý và ủng hộ chương trình này. Tuy nhiên, GS.TS. Lê Đình Thành cho rằng cần phải tìm ra nội dung của Chương trình này làm sao đáp ứng đầy đủ các yêu cầu phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu ở Việt Nam; cần đánh giá ở Việt Nam những tài nguyên nào chịu tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai. Chương trình đào tạo thạc sỹ nói riêng và các chương trình đào tạo nói chung cần phải dựa trên nguyên tắc đảm bảo được khối kiến thức một cách cân đối cơ bản, bao gồm 03 khối kiến thức cơ bản, cơ sở chuyên ngành và khối chuyên ngành do đó cần phải tìm ra những môn học, nội dung đưa vào Chương trình phù hợp. Trong Chương trình, phần kiến thức chung về thiên tai và biến đổi khí hậu trên thế giới là quan trọng, tuy vậy kiến thức về điều kiện của Việt Nam cần đưa vào vì trong một quốc gia có nhiều khu vực khác nhau để sau khi học xong các học viên có thể phục vụ có hiệu quả hơn cho các ban ngành liên quan đến công tác phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, đối tượng tuyển sinh để đào tạo cần phải có tiêu chí cụ thể theo đúng yêu cầu của Chương trình; cần xác định số lượng tín chỉ từ đó phân chia các khối kiến thức phù hợp.
Ý kiến góp ý: