TextBody
Huy chương 2

Họp Hội đồng đánh giá luận án Tiến sĩ cấp Viện cho NCS. Mai Trọng Luân

27/12/2024

Chiều ngày 26/12/2024, Viện Khoa học Thuỷ lợi Việt Nam đã tổ chức họp Hội đồng đánh giá luận án Tiến sĩ cấp Viện cho NCS. Mai Trọng Luân về đề tài “Nghiên cứu hiệu quả giảm sóng của đê lắp ghép cấu kiện CT3N-WIP1, áp dụng cho bảo vệ bờ biển phía Tây mũi Cà Mau ". Ngành: Kỹ thuật xây dựng công trình thủy. Mã số: 9 58 02 02

Hội đồng do GS.TS. Lê Mạnh Hùng làm Chủ tịch Hội đồng.

Tại buổi họp Hội đồng đánh giá luận án, NCS. Mai Trọng Luân cho biết sạt lở bờ biển và suy thoái hệ sinh thái rừng ngập mặn (RNM) đang là những vấn đề cấp bách. Tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là vùng biển Tây tỉnh Cà Mau, vấn đề này đã trở thành thách thức nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế, môi trường và đời sống của hàng triệu cư dân ven biển. Các giải pháp bảo vệ bờ biển hiện nay bao gồm từ công trình cứng như đê bê tông, kè đá, đến các giải pháp mềm như hàng rào cọc tre, trồng cây RNM. Tuy nhiên, mỗi giải pháp đều có những hạn chế riêng. Trong bối cảnh đó, việc nghiên cứu và triển khai các giải pháp giảm sóng hiệu quả, vừa đảm bảo tính bền vững, vừa hỗ trợ khôi phục hệ sinh thái RNM là yêu cầu cấp bách. Cấu kiện CT3N-WIP1 – một thiết kế mới với dạng lắp ghép, rỗng xốp, đã được đề xuất như một giải pháp tiên tiến nhằm khắc phục các nhược điểm trên.

Mục tiêu nghiên cứu là làm rõ mối tương quan giữa các tham số đặc trưng hình học của ĐGS lắp ghép cấu kiện CT3N-WIP1 và hệ số truyền sóng qua công trình từ đó xây dựng công thức thực nghiệm để tính toán hệ số truyền sóng (Kt) của ĐGS lắp ghép cấu kiện CT3N-WIP1.

Qua triển khai các nội dung nghiên cứu, Luận án đã hoàn thành các nội dung nghiên cứu và đạt được những kết quả nổi bật như: Luận án đã tổng hợp các nghiên cứu trong và ngoài nước, làm sáng tỏ các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình truyền sóng qua đê giảm sóng (ĐGS) lắp ghép cấu kiện CT3N-WIP1; Xây dựng cơ sở khoa học về ĐGS lắp ghép cấu kiện CT3N-WIP1; Xây dựng phương trình thực nghiệm tính toán hiệu quả giảm sóng của ĐGS lắp ghép cấu kiện CT3N-WIP1; Phân tích xu hướng và mức độ ảnh hưởng của các tham số chi phối; Đề xuất các phương án thiết kế mặt cắt ĐGS lắp ghép cấu kiện CT3N-WIP1; Kết quả nghiên cứu của luận án cung cấp cơ sở khoa học và công cụ tính toán hiệu quả giảm sóng cho các công trình ĐGS lắp ghép dạng rỗng tại các vùng ven biển Việt Nam.

Sau khi nghe nhận xét và nghe các ý kiến của các thành viên phản biện, các thành viên trong Hội đồng; các ý kiến của các  các chuyên gia, các nhà khoa học thuộc các cơ quan, tổ chức ngoài Viện, Hội đồng đã họp kín và bỏ phiếu.

Thay mặt Hội đồng, Chủ tịch Hội đồng GS.TS. Lê Mạnh Hùng đọc Quyết nghị của Hội đồng về đánh giá luận án Tiến sỹ của NCS. Mai Trọng Luân. Theo Quyết nghị, Luận án của NCS. Mai Trọng Luân đã làm rõ cơ chế tương tác sóng-công trình đối với ĐGS lắp ghép cấu kiện CT3N-WIP1, phát triển công thức thực nghiệm; Luận án là tài liệu tham khảo cho các nghiên cứu tiếp theo.

Về những kết luận khoa học cơ bản, những điểm mới, đóng góp mới của luận án, Luận án đã phân tích đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả giảm sóng của  ĐGS bằng cấu kiện CT3N-WIP1, bao gồm: Chiều cao lưu không tương đối của đỉnh đê (Rc/Hm0); Bề rộng tương đối của đê (Bf/D); Đặc trưng độ rỗng của đê  (Pf) theo 2 cách sắp xếp khác nhau; Xây dựng được công thức thực nghiệm (3.10) tính toán hệ số truyền sóng qua ĐGS lắp ghép cấu kiện CT3N-WIP1 tại vùng biển Tây mũi Cà Mau.

Các kết luận khoa học và những đóng góp mới được dựa trên nghiên cứu lý thuyết, nghiên cứu thí nghiệm mô hình vật lý trên máng sóng, vì thế kết luận của luận án có cơ sở khoa học và đảm bảo độ tin cậy.

Cũng theo Quyết nghị, các thành viên Hội đồng đề nghị NCS. Mai Trọng Luân bổ sung, chỉnh sửa tổng quan, phạm vi, giới hạn nghiên cứu, nguồn gốc, phạm vi sử dụng của công thức (3.10); làm rõ nguồn gốc của cấu kiện; xác định rõ độ rỗng là của cấu kiện hay của đê; chỉnh sửa lỗi chính tả, tài liệu tham khảo, thuật ngữ…

Kết quả 7/7 phiếu tán thành.

Luận án tiến sĩ của nghiên cứu sinh Mai Trọng Luân đáp ứng yêu cầu của luận án tiến sĩ kỹ thuật chuyên ngành Kỹ thuật xây dựng công trình thủy. Hội đồng đề nghị Cơ sở đào tạo ra quyết định công nhận và cấp bằng tiến sĩ kỹ thuật cho nghiên cứu sinh Mai Trọng Luân sau khi đã sửa chữa luận án theo yêu cầu của Hội đồng.

Hội đồng đã biểu quyết 100% nhất trí thông qua Quyết nghị.

 

Ý kiến góp ý: