Họp Hội đồng đánh giá luận án tiến sỹ cấp Viện cho NCS. Nguyễn Anh Tuấn
27/11/2020Chiều ngày 27/11/2020, Cơ sở đào tạo Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã tổ chức họp Hội đồng đánh giá Luận án Tiến sỹ cấp Viện cho NCS. Nguyễn Anh Tuấn với đề tài “Nghiên cứu xác định đáy chạy tàu hợp lý trong trường hợp có bùn loãng tại một số luồng hàng hải ở Việt Nam”. Chuyên ngành: Kỹ thuật xây dựng công trình thủy. Mã số: 9-58-02-02.
Tham dự buổi họp, ngoài các thành viên trong Hội đồng đánh giá luận án, còn có GS.TS. Nguyễn Vũ Việt - Giám đốc Viện - Thủ trưởng Cơ sở đào tạo Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam; Đơn vị quản lý đào tạo Tiến sĩ: PGS.TS. Đặng Hoàng Thanh - Trưởng Ban Tổ chức Hành chính; PGS.TS. Phạm Hồng Cường - Phó Trưởng Ban Tổ chức Hành chính; đồng nghiệp, bạn bè và gia đình của NCS.
Ngoài ra còn có sự tham dự của GS.TS. Trịnh Minh Thụ - Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi và các nhà khoa học, chuyên gia thuộc lĩnh vực xây dựng công trình.
Hội đồng do GS.TS. Trần Đình Hòa - Phó Giám đốc Viện làm chủ tịch.
PGS.TS. Phạm Hồng Cường - Phó Trưởng Ban Tổ chức Hành chính tuyên bố lý do và công bố quyết định thành lập Hội đồng đánh giá luận án
Thủ trưởng cơ sở đào tạo GS.TS. Nguyễn Vũ Việt - Bí thư Đảng ủy - Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam phát biểu tại buổi họp Hội đồng đánh giá luận án
Thay mặt cơ sở đào tạo Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, GS.TS. Nguyễn Vũ Việt - Thủ trưởng Cơ sở đào tạo đã gửi lời cảm ơn các thầy trong Hội đồng, các thầy giáo hướng dẫn, các chuyên gia, các nhà khoa học đã đến dự buổi họp đánh giá luận án tiến sĩ cấp Viện cho NCS. Nguyễn Anh Tuấn. GS.TS. Nguyễn Vũ Việt cho biết, qua quá trình đào tạo NCS đã thực hiện đầy đủ các nội dung theo quy định của quy chế đào tạo do Bộ Giáo dục và Đào tạo và Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam ban hành và buổi bảo vệ cấp Viện này là buổi bảo vệ cấp cuối cùng. Do vậy, GS.TS. Nguyễn Vũ Việt đề nghị các thành viên trong Hội đồng đánh giá trung thực, khách quan, công minh, chính xác về những nội dung, kết quả đã đạt được, ý nghĩa khoa học, ý nghĩa thực tiễn và những đóng góp mới của luận án. Thư ký Hội đồng, TS. Nguyễn Đăng Giáp đọc lý lịch khoa học và kết quả học tập của NCS. Nguyễn Anh Tuấn Tại buổi đánh giá luận án, NCS. Nguyễn Anh Tuấn cho biết, hiện nay ở Việt Nam có 45 luồng hàng hải công cộng và 34 luồng hàng hải chuyên dùng với tổng chiều dài khoảng 1200 km. Hầu hết các tuyến luồng tầu đều bị sa bồi, để duy trì độ sâu hành hải, hàng năm phải tiến hành nạo vét duy tu với kinh phí lớn.Trong thực tế khai thác trên nhiều tuyến luồng đã ghi nhận hiện tượng bùn loãng ởcác mức độ khác nhau và nhiều khu vực hoa tiêu đã dựa trên kinh nghiệm để giảm chân hoa tiêu trong quá trình dẫn tầu lớn hành hải qua luồng.Tuy nhiên việc này vẫn dựa chủ yếu trên kinh nghiệm và đánh giá chủ quan chưa có đầy đủ các cơ sở về khoa học nên vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thêm vào đó, trên một số tuyến luồng quan trọng các tầu lớn thường phải giảm tải và đợi thủy triều làm phát sinh chi phí, giảm hiệu quả khai thác. Việc tận dụng được một phần lớp bùn loãng để giảm độ sâu dự trữ dưới sống tầu, tăng cỡ tầu hoặc lượng hàng chuyên chở sẽ rất có ý nghĩa trong việc nâng cao hiệu quả khai thác luồng tầu. Từ các lý do trên, NCS. Nguyễn Anh Tuấn khẳng định đề tài nghiên cứu về vấn đề bùn loãng và tận dụng bùn loãng để chạy tầu (độ sâu đáy chạy tầu hợp lý trong trường hợp có bùn loãng) là nội dung có tính cấp thiết và ý nghĩa thực tiễn cao. Mục tiêu nghiên cứu của luận án nhằm làm rõ các cơ sở lý thuyết về việc sử dụng bùn loãng chạy tầu; Tổng hợp, phân tích các đặc trưng về điều kiện tự nhiên vùng cửa sông, ven bờ nhằm đánh giá khả năng xuất hiện bùn loãng tại các luồng tầu ở Việt Nam; Xây dựng phương pháp xác định lớp bùn loãng và đáy chạy tàu trong trường hợp có bùn loãng; Xây dựng phương pháp tính toán sa bồi tháng và xác định thời điểm hợp lý nạo vét dựa trên tiêu chí về hiệu quả khai thác. Về đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án, NCS. Nguyễn Anh Tuấn đã lựa chọn nghiên cứu quy luật sa bồi và việc hình thành lớp bùn loãng trên một số tuyến luồng hàng hải ở Việt Nam, cụ thể tính toán với một số luồng hàng hải đặc trưng cho khu vực Bắc Bộ và Nam Bộ. Từ việc xác định mục tiêu nghiên cứu, lựa chọn đối tượng, phạm vi nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu, NCS. Nguyễn Anh Tuấn đã triển khai các nội dung chính như tổng quan, đánh giá khả năng xuất hiện bùn loãng tại một số tuyến luồng hàng hải của Việt Nam; Nghiên cứu phương pháp xác định chiều dày lớp bùn loãng sử dụng hàm hồi quy đa biến, ứng dụng xác định đáy chạy tầu hợp lý trong trường hợp có bùn loãng, ứng dụng xác định đáy chạy tầu hợp lý trong trường hợp có bùn loãng; Nghiên cứu quy luật sa bồi trong năm tại các luồng tầu biển Việt Nam bằng phương pháp phân tích Fourier. Nghiên cứu xác định thời điểm nạo vét duy tu hợp lý theo tiêu chí hiệu quả khai thác luồng tầu. Luận án đã đạt được một số kết quả chính cụ thể như sau: Đã phân tích đặc điểm tự nhiên và đặc điểm khai thác của các tuyến luồng hàng hải chính để đánh giá khả năng xuất hiện bùn loãng và điều kiện ứng dụng chạy tầu trên luồng có bùn loãng của các tuyến luồng; Xây dựng phương trình hồi quy đa biến xác định chiều dày lớp bùn loãng dựa trên dữ liệu thực đo; Đánh giá quy luật biến đổi về độ sâu luồng sử dụng số liệu thống kê kết hợp lý thuyết Fourier để xây dựng công thức tính chiều dày lớp sa bồi theo tháng; Dựa trên công thức căn bản xác định cao độ đáy chạy tầu kết hợp với kết quả tính toán độ dày lớp bùn loãng trung bình năm để xây dựng phương pháp và tính thử nghiệm xác định đáy chạy tầu đáy nạo vét hợp lý trong trường hợp có bùn loãng; Xây dựng phương pháp xác định thời điểm nạo vét hợp lý dựa trên số liệu thống kê và giá trị Hhd là độ sâu hiệu dụng gia tăng. Chủ tịch Hội đồng GS.TS. Trần Đình Hòa - Phó Giám đốc Viện đọc Nghị quyết của Hội đồng Sau khi nghe các ý kiến phản biện, nhận xét của các thành viên Hội đồng, Hội đồng đã họp kín và bỏ phiếu. Thay mặt Hội đồng, Chủ tịch Hội đồng GS.TS. Trần Đình Hòa - Phó Giám đốc Viện đã đọc Nghị quyết của Hội đồng đánh giá Luận án Tiến sỹ cho NCS. Nguyễn Anh Tuấn. Theo Nghị quyết, kết quả nghiên cứu của luận án đã xây dựng được phương pháp luận và xây dựng được các bộ công cụ tính toán cụ thể một số yếu tố về bùn loãng đối với một số luồng hàng hải ở Việt Nam. Cách tiếp cận và hướng nghiên cứu của NCS có tính mới, tính sáng tạo (cả ở trong nước và quốc tế); các kết quả nghiên cứu có ý nghĩa lớn về mặt lý luận và khoa học, là tiền đề cho việc mở ra các hướng nghiên cứu khác của chuyên ngành. Kết quả nghiên cứu của luận án đã cung cấp cơ sở khoa học cho việc ứng dụng, tính toán, thiết kế về việc chạy tầu trong trường hợp xuất hiện lớp bùn loãng nhằm gia tăng năng lực vận tải và nâng cao hiệu quả khai thác luồng tầu. Bên cạnh đó, có ý nghĩa và giá trị đối với công tác quản lý nhà nước, xây dựng các chương trình, kế hoạch nâng cao hiệu quả khai thác, xác định kế hoạch nạo vét hợp lý. Luận án đã sử dụng các phương pháp nghiên cứu và công cụ tính toán một cách sáng tạo (phân tích phổ Fourier, phân tích hồi quy đa biến), giải đoán ảnh viễn thám với các cơ sở dữ liệu thực đo để giải quyết bài toán đặt ra; xử lý một cách linh hoạt mối quan hệ giữa toán học và vật lý. Trên cơ sở đó, xây dựng được phương pháp luận và xác lập được các mô hình tính toán một số thông số về bùn loãng cho một số tuyến hàng hải cụ thể ở Việt Nam. Các phương pháp luận có tính tổng quát, có tính ứng dụng vào thực tế cao và có độ tin cậy. Luận án đã có 02 đóng góp mới như sau: (1). Đề xuất phương pháp xác định chiều dày lớp bùn loãng, cao độ đáy chạy tàu hợp lý trong trường hợp luồng có bùn loãng tại một số luồng hàng hải ở Việt Nam dựa trên bộ số liệu khảo sát các đặc trưng địa hình, thủy động lực, bùn cát của luồng; (2) Xây dựng công cụ và áp dụng tính toán chiều dày lớp bùn loãng và cao độ đáy chạy tàu cho tuyến luồng Soài Rạp và Bạch Đằng. Về cơ sở khoa học, độ tin cậy của những luận điểm và những kết luận nêu trong luận án: Luận án đã sử dụng cách tiếp cận tổng thể và hệ thống là đúng và phù hợp; các phương pháp được luận án sử dụng là các phương pháp truyền thống và hiện đại, phù hợp đối với các nội dung nghiên cứu; Các luận điểm và những kết luận nêu trong luận án từ việc áp dụng các phương pháp nghiên cứu trên để giải quyết bài toán đặt ra trên cơ sở số liệu thu thập có nguồn gốc là có cơ sở khoa học, có độ tin cậy; Các tài liệu, số liệu, được sử dụng trong luận án được trích dẫn từ nguồn chính thức và đủ tin cậy; Các trích dẫn trong luận án trung thực, rõ ràng. Các kết quả thể hiện rõ các nội dung nghiên cứu trong luận án của nghiên cứu sinh; Các kết luận của luận án phù hợp với các nội dung và kết quả nghiên cứu, có cơ sở khoa học. Ngoài ra, trong bản Nghị quyết cũng nêu rõ về những thiếu sót về nội dung và hình thức luận án. Cụ thể, NCS. Nguyễn Anh Tuấn cần xem xét lại nguồn trích dẫn ảnh đối với việc sử dụng ảnh viễn thám để xác định các thông số về độ đục của nước ở vùng nghiên cứu; cần trình bày đầy đủ về lý thuyết giải đoán và kiểm định độ đục từ kết quả giải đoán ảnh so với số liệu thực đo; chi tiết hơn các nội dung liên quan đến các phần mềm tự động tính toán trung gian các yếu tố về độ dày lớp sa bồi và chiều dày lớp bùn loãng; chỉnh sửa lại một số hình vẽ, bảng biểu, nguồn gốc trích dẫn từ các nguồn tài liệu tham khảo. Luận án đáp ứng được yêu cầu về khối lượng và hàm lượng khoa học, các đóng góp mới có ý nghĩa khoa học và thực tiễn, cấu trúc trình bầy logic và khoa học. Hội đồng yêu cầu NCS. Nguyễn Anh Tuấn bổ sung, sửa chữa luận án theo các ý kiến nhận xét, đánh giá của Hội đồng trước khi nộp Luận án cho Thư viện Quốc gia Việt Nam. Với kết quả bỏ phiếu 7/7 phiếu tán thành, Hội đồng kiến nghị Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam công nhận trình độ tiến sĩ kỹ thuật, Chuyên ngành kỹ thuật xây dựng công trình thủy, mã số 62 58 02 02 và cấp bằng tiến sĩ kỹ thuật cho nghiên cứu sinh Nguyễn Anh Tuấn.
Ý kiến góp ý: