TextBody
Huy chương 2

Họp Hội đồng đánh giá Luận án Tiến sỹ cấp Viện cho NCS. Nguyễn Đăng Hà

16/08/2022

Chiều ngày 15/8/2022, Cơ sở Đào tạo của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã tổ chức Họp hội đồng đánh giá luận án TSKT cấp Viện cho NCS. Nguyễn Đăng Hà với Đề tài “Nghiên cứu ảnh hưởng của quản lý nước mặt ruộng đến phát thải khí đinitơ oxít (N2O) trên đất phù sa sông Hồng không được bồi hàng năm trồng lúa ở tỉnh Hưng Yên. Chuyên ngành kỹ thuật Tài nguyên nước . Mã số: 9 58 02 12

Tham dự buổi họp đánh giá có GS.TS. Trần Đình Hòa - Giám đốc Viện - Thủ trưởng Cơ sở đào tạo - Chủ tịch Hội đồng; GS.TS. Nguyễn Tùng Phong - Phó Giám đốc Viện phụ trách nhiệm vụ đào tạo Tiến sỹ; TS. Nguyễn Tiếp Tân - Phó Giám đốc Viện; Lãnh đạo Ban Tổ chức Hành chính, Ban Kế hoạch Tổng hợp; Các NCS đang học tập và nghiên cứu tại Viện; Cán bộ khoa học trong và ngoài Viện; đồng nghiệp, bạn bè và gia đình của NCS.

Ngoài ra, còn có Bà Nguyễn Phương Nga - Đại diện Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; GS. TS. Nguyễn Văn Thịnh - Giám đốc Phòng thí nghiệm Tính toán Động lực học Chất lỏng - Khoa Kỹ thuật Xây dựng và Môi trường - Đại học Quốc gia Seoul - Hàn Quốc.

Tại buổi họp, thay mặt Đơn vị quản lý nhiệm vụ đào tạo trình độ Tiến sỹ, PGS.TS. Phạm Hồng Cường công bố quyết định thành lập Hội đồng đánh giá luận án tiến sỹ cấp Viện cho Luận án Tiến sỹ của NCS. Nguyễn Đăng Hà của Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam

Báo cáo Đề tài luận án trước Hội đồng, NCS. Nguyễn Đăng Hà cho biết: Ở Việt Nam, nông nghiệp là ngành sử dụng nước nhiều nhất. Theo thống kê, lượng nước sử dụng hàng năm cho sản xuất nông nghiệp vào khoảng 93 tỷ m3, cho công nghiệp khoảng 17,3 tỷ m3, cho sinh hoạt là 3,09 tỷ m3 và cho ngành dịch vụ là 2,0 tỷ m3.

Theo bản tóm tắt của IPCC, đất canh tác phát thải ra khoảng 2,8 TgN khí N2O mỗi năm, chiếm khoảng 42% lượng N2O do con người gây ra hoặc khoảng 16% lượng khí thải toàn cầu. Nhưng ở đây lượng phát thải từ ruộng lúa nước chưa được tách riêng khỏi cây trồng cạn.

Gần đây, nhiều nghiên cứu cho rằng trồng lúa nước là một nguồn phát thải vào khí quyển CH4 và N2O. Theo các nhà nghiên cứu chuyên sâu ở Việt Nam về phát thải N2O tại các vùng đất trồng lúa đặc thù, đất phù sa không được bồi liên quan đến quản lý nước mặt ruộng chưa được nghiên cứu.

Bên cạnh đó lượng phát thải KNK (CH4và N2O) thì phát thải CH4 tương ứng 25 lần và N2O tương ứng 298 lần so với khả năng CO2 sinh ra. Việt Nam có khoảng 7,72 triệu ha đất lúa được gieo trồng hàng năm, lượng phát thải KNK (CH4 và N2O) ra môi trường là không hề nhỏ.

Theo Nguyễn Tùng Phong định hướng nghiên cứu giảm phát thải khí N2O đối với các khu vực canh tác lúa ở Việt Nam là rất cần thiết.

Tại Hội nghị quốc tế về BĐKH ngày 01÷12/11/2021 tại Glassgow, Anh Quốc, Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính cam kết Việt Nam hướng đến trung hòa phát thải carbon vào năm 2050.

Xuất phát từ những vấn đề cấp thiết được nêu ở trên như nguồn nước tưới ngày càng khan hiếm cần phải tiết kiệm, tìm giải pháp giảm thiểu sự phát thải KNK khi trồng lúa nước, đặc biệt phát thải khí N2O còn ít được nghiên cứu và hầu như chưa được khảo sát thực tế ở điều kiện Việt Nam, NCS đã lựa chọn đề tài “Nghiên cứu ảnh hưởng của quản lý nước mặt ruộng đến phát thải khí N2O trên đất phù sa sông Hồng không được bồi hàng năm trồng lúa ở tỉnh Hưng Yên”.

Mục tiêu nghiên cứu của đề tài: Xác định mối quan hệ giữa Eh, pH và phát thải khí N2O trên ruộng lúa nước ứng với các chế độ quản lý nước mặt ruộng khác nhau; Xác định ảnh hưởng của chế độ quản lý nước mặt ruộng lúa đến sự phát thải khí N2O trên nền đất phù sa sông Hồng để đề xuất quản lý nước mặt ruộng nhằm giảm phát thải KNK, tiết kiệm nước và bảo đảm năng suất lúa không giảm.

Qua quá trình triển khai các nội dung nghiên cứu như tổng quan các vấn đề nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu, kết quả nghiên cứu ảnh hưởng của quản lý nước mặt ruộng đến phát thải khí N2O, NCS đã đưa ra một số đóng góp mới như (1) Đất phù sa sông Hồng không được bồi hàng năm trồng lúa ở tỉnh Hưng Yên ở các chế độ quản lý nước mặt ruộng khác nhau đều có tính khử mạnh và là điều kiện thuận lợi cho sự hình thành và phát thải khí N2O; (2) Tổng lượng phát thải khí N2O ở các chế độ tưới theo công thức tưới ngập thường xuyên và khô ướt xen kẽ đều rất thấp (0,3 ÷ 0,4 ppm) và không có sự khác biệt về lượng giữa các công thức. Giai đoạn từ cấy đến đẻ nhánh có lượng phát thải là lớn nhất do ảnh hưởng của việc bón phân.

Sau khi nghe nhận xét và nghe các ý kiến của các thành viên phản biện, các thành viên trong Hội đồng; các ý kiến của các  các chuyên gia, các nhà khoa học thuộc các cơ quan, tổ chức ngoài Viện, Hội đồng đã họp và bỏ phiếu kín. Thay mặt Hội đồng, Chủ tịch Hội đồng GS.TS. Trần Đình Hòa đọc Quyết nghị của Hội đồng đánh giá luận án Tiến sỹ cấp Viện của NCS. Nguyễn Đăng Hà.

Theo đó, Kết quả nghiên cứu của luận án đã làm sáng tỏ bản chất, cơ chế biến đổi, hình thành phát thải khí N2O (là một trong những loại khí làm gia tăng KNK mạnh nhất) trong đất trồng lúa vùng nghiên cứu là cơ sở lý luận quan trọng hỗ trợ cho công tác của quản lý nước mặt ruộng nhằm vừa giảm thiểu phát thải khí nhà kính vừa đảm bảo an ninh nguồn nước là vấn đề có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao. Các kết quả nghiên cứu của luận án là tài liệu có giá trị khoa học và thực tiễn; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tham khảo để đề xuất, xây dựng các phương án, giải pháp đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp nhằm giảm thiểu phát thải khí nhà kính; Các cơ quan quản lý, khoa học, công ty quản lý thủy lợi trung ương và địa phương tham khảo xây dựng các quy trình, chế độ tưới, quản lý nước mặt ruộng một cách tiết kiệm và hiệu quả. Các đóng góp mới của luận án có độ tin cậy cao; phương pháp được sử dụng trong đề tài Luận án hợp lý, đảm bảo độ tin cậy của các kết quả nghiên cứu.

Quyết nghị cũng nêu rõ, NCS. Nguyễn Đăng Hà cần chỉnh sửa lại phạm vi nghiên cứu; làm rõ các phương pháp nghiên cứu cho từng nội dung, kết quả nghiên cứu; chỉnh sửa gọn lại đóng góp mới của luận án; Cập nhật lại số liệu thống kê vùng nghiên cứu để đảm bảo tính logic, chuẩn hóa lại thuật ngữ, chỉnh sửa phần kết luận, kiến nghị, lỗi chính tả, in ấn...; tiếp thu, hoàn thiện về nội dung, hình thức luận án theo như những ý kiến nhận xét, những góp ý của thành viên Hội đồng, các nhà khoa học.

Kết quả bỏ phiếu kín đánh giá luận án của thành viên Hội đồng với 7/7 phiếu tán thành trong đó có 03 phiếu đánh giá Luận án đạt xuất sắc. Hội đồng đề nghị Cơ sở đào tạo ra quyết định công nhận và cấp bằng TSKT cho NCS. Nguyễn Đăng Hà sau khi đã chỉnh sửa theo yêu cầu của Hội đồng.

Hội đồng đã biểu quyết 100% nhất trí thông qua Quyết nghị.

Ý kiến góp ý: