TextBody
Huy chương 2

Họp Hội đồng đánh giá Luận án Tiến sỹ cấp Viện cho NCS. Nguyễn Đức Phong

18/07/2023

  PGS.TS. Phạm Hồng Cường - Phó Trưởng Ban Tổ chức Hành chính công bố quyết định thành lập Hội đồng đánh giá luận án tiến sỹ cấp Viện của NCS. Nguyễn Đức Phong

Chiều ngày 17/7/2023, Cơ sở đào tạo Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã tổ chức Họp hội đồng đánh giá luận án Tiến sỹ kỹ thuật cấp Viện cho NCS. Nguyễn Đức Phong với đề tài “Nghiên cứu tác động của các loại nguồn xả thải đến chất lượng nước vùng Bán đảo Cà Mau”, Ngành: Môi trường đất và nước, Mã số: 9 44 03 03.

Hội đồng đánh giá Luận án có mặt 07/07 thành viên theo quyết định số 221/QĐ-VKHTLVN ngày 25/4/2023 của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam.

Tham dự buổi họp về phía cơ sở đào tạo của Viện có GS.TS. Trần Đình Hòa - Giám đốc Viện - Thủ trưởng Cơ sở đào tạo - Chủ tịch Hội đồng; TS. Nguyễn Tiếp Tân - Phó Giám đốc Viện kiêm Viện trưởng Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường; Lãnh đạo Ban Tổ chức Hành chính; Cán bộ khoa học trong và ngoài Viện; đồng nghiệp, bạn bè và gia đình của NCS. Ngoài ra còn có Bà Nguyễn Phương Nga - Đại diện Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Luận án của NCS. Nguyễn Đức Phong dưới sự hướng dẫn của GS.TS. Tăng Đức Thắng - Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam và GS.TS. Nguyễn Vũ Việt - Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam

GS.TS.Trần Đình Hòa - Chủ tịch Hội đồng điều hành buổi đánh giá luận án

PGS.TS. Lê Xuân Quang - Thư ký Khoa học đọc lý lịch khoa học của NCS. Nguyễn Đức Phong

Báo cáo tóm lược kết quả nghiên cứu trước Hội đồng, NCS. Nguyễn Đức Phong cho biết, vùng BĐCM chịu tác động mạnh mẽ của các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội; quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, dân số tăng nhanh. Các hoạt động kinh tế đã làm phát sinh các nguồn thải gây ô nhiễm môi trường trong nhiều khu vực. Các vùng chịu sự suy thoái nguồn nước mặt là các vùng chuyển đổi mô hình sản xuất từ trồng trọt sang nuôi tôm, hay các khu/cụm công nghiệp, dịch vụ và các khu dân cư đông đúc.

Từ 1999-2000 đến nay, vùng Bán đảo Cà Mau đã có sự chuyển đổi sản xuất nhanh, nhất là từ sinh thái ngọt sang sinh thái mặn (trồng lúa sang nuôi tôm) dẫn đến hạ tầng phục vụ không theo kịp, đặc biệt là hạ tầng thủy lợi. Việc kiểm soát nguồn nước trước đây chủ yếu nhằm sử dụng cho nông nghiệp, nay thêm cả nuôi trồng thủy sản nên đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập nhất là về chất lượng nước bị suy giảm.

NCS. Nguyễn Đức Phong cho rằng ô nhiễm môi trường nước mặt vùng Bán đảo Cà Mau xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính là do sự tiếp nhận nước thải từ các nguồn xả thải vào nguồn nước mặt. Một số nguồn nước thải chính trong vùng nghiên cứu là nước thải sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Mặt khác, nước thải từ hoạt động canh tác nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản được xem là nguồn thải phân tán và rất khó kiểm soát được trong quá trình canh tác và nuôi trồng.

Ô nhiễm môi trường nước mặt đã ảnh hưởng đến nhiều đối tượng, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, gia tăng chi phí,... và ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Hơn nữa, xung đột môi trường giữa đối tượng gây ô nhiễm môi trường và người dân chịu tác động bởi ô nhiễm đang khá phổ biến. Mặt khác, việc quản lý chất lượng nước, môi trường vùng Bán đảo đang thiếu thuận lợi, gặp nhiều khó khăn, do các thông tin liên quan đến chế độ nước (chất và lượng) còn rất hạn chế.

Do vậy NCS. Nguyễn Đức Phong khẳng định việc nghiên cứu tác động của các loại nguồn xả thải đến chất lượng nước mặt vùng BĐCM là quan trọng và cần thiết. Nghiên cứu sẽ góp phần cung cấp thêm thông tin khoa học về thực trạng chất lượng nước và tác động của các nguồn nước thải đến chất lượng nước mặt vùng Bán đảo Cà Mau từ đó đưa ra định hướng các biện pháp kỹ thuật kiểm soát nguồn nước thải phục vụ thiết thực cho công tác bảo vệ tài nguyên nước mặt, từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững về kinh tế xã hội của vùng nghiên cứu.

Mục tiêu nghiên cứu của luận án nhằm đánh giá được các nguồn nước thải chính (công nghiệp, nông nghiệp và sinh hoạt) xả vào hệ thống sông, kênh vùng Bán đảo Cà Mau; Xây dựng được cơ sở khoa học đánh giá lan truyền các nguồn thải chính gây ô nhiễm môi trường nước vùng Bán đảo Cà Mau; Xác định được sự lan truyền và phạm vi tác động của các nguồn nước thải trong vùng nghiên cứu.

Trên cơ sở mục tiêu nghiên cứu, NCS. Nguyễn Đức Phong đã triển khai 04 nội dung chính bao gồm: Nghiên cứu tổng quan về tác động các loại nguồn xả thải và chất lượng nước mặt trên thế giới và vùng nghiên cứu; Nghiên cứu, đánh giá tác động của các loại nguồn xả thải đến chất lượng nước mặt vùng BĐCM; Đánh giá tác động của nguồn xả thải đến chất lượng nước và vai trò của các yếu tố khác (triều, dòng chảy) đến quá trình này; Định hướng các giải pháp kỹ thuật kiểm soát nguồn nước thải trong vùng nghiên cứu.

Luận án đã có 03 đóng góp mới đó là (1) Làm rõ các loại nguồn xả thải (lượng và chất) vào sông kênh vùng Bán đảo Cà Mau, đánh giá lan truyền các nguồn xả thải và thành phần gây ô nhiễm chính có trong nước thải sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản; (2) Làm rõ được xu thế lan truyền các nguồn nước từ biên (Sông Hậu, biên Biển) vào Bán đảo và sự lan truyền các nguồn nước xả thải trong nội Bán đảo, từ đó đánh giá được xu thế, phạm vi lan truyền, gây ảnh hưởng, ô nhiễm của các nguồn nước trong vùng Bán đảo; (3) Xác định được các vùng ô nhiễm dựa vào đặc tính thủy lực (dòng chảy, hướng nhận nước, hướng tiêu thoát…) và chất lượng nước từ đó xác định được các vấn đề chính đối với môi trường nước mặt và định hướng giải pháp cải thiện môi trường vùng Bán đảo.

Sau khi nghe nhận xét và nghe các ý kiến của các thành viên phản biện, các thành viên trong Hội đồng; các ý kiến của các  các chuyên gia, các nhà khoa học thuộc các cơ quan, tổ chức ngoài Viện, Hội đồng đã họp và bỏ phiếu kín. Thay mặt Hội đồng, Chủ tịch Hội đồng GS.TS. Trần Đình Hòa đọc Quyết nghị của Hội đồng về đánh giá luận án Tiến sỹ của NCS. Nguyễn Đức Phong. Theo đó Luận án đã cung cấp, bổ sung một cách tiếp cận, phương pháp nghiên cứu và công cụ để phân tích, đánh giá tác động, sự lan truyền của các nguồn ô nhiễm nước mặt trên các sông kênh vũng BĐCM nói chung và lĩnh vực chuyên ngành nói chung. Kết quả nghiên cứu của luận án là tài liệu tham khảo để cảnh báo ô nhiễm nước mặt trên các sông kênh vùng nghiên cứu phục vụ đề xuất các giải pháp nhằm giảm thiểu, hạn chế tác động của ô nhiễm đến sản xuất và đời sống người dân. Các kết quả nghiên cứu của luận án là tài liệu có giá trị khoa học và thực tiễn, kiến nghị các cơ quan như Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường… và các đơn vị liên quan có thể tham khảo sử dụng. Các cơ quan khoa học, đào tạo có thể tham khảo phục vụ đào tạo, nghiên cứu và phát triển hướng nghiên cứu của luận án.  

Luận án có 03 đóng góp mới có giá trị, ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao; Sử dụng phương pháp nghiên cứu truyền thống kết hợp với hiện đại phù hợp với các nguồn nước trong các hệ thống sông kênh, nhất là nơi có nhiều nguồn nước tác động như vùng bán đảo Cà Mau; Các kết quả của luận án có độ tin cậy, là tài liệu tham khảo hữu ích cho các nghiên cứu khác và cho công tác quản lý, kiểm soát chất lượng nước và các nguồn thải vùng bán đảo Cà Mau.

Bên cạnh đó theo Quyết nghị của Hội đồng, NCS. Nguyễn Đức Phong cần bổ sung trong phần tổng quan các vấn đề liên quan đến mô hình Máy học, bản đồ vùng nghiên cứu trên bản đồ Việt Nam, các hình ảnh, bản đồ để minh họa cụ thể hơn đối với các vùng nghiên cứu; bổ sung các văn bản đồng ý cho phép sử dụng kết quả nghiên cứu của đề tài liên quan; bổ sung về mặt lý luận, cơ sở dữ liệu, đối với nội dung phương pháp nghiên cứu và các phân tích, đánh giá, so sánh các kết quả đạt được đối với đóng góp mới của luận án; Sửa chữa các sai sót về lỗi chính tả, lỗi chế bản; thuật ngữ chuyên môn, đơn vị của các thông số trong một số bảng biểu. Tiếp thu, hoàn thiện về nội dung, hình thức luận án theo như những ý kiến nhận xét của thành viên Hội đồng, các nhà khoa học

Kết quả bỏ phiếu kín đánh giá luận án của thành viên Hội đồng với 7/7 phiếu tán thành. Hội đồng đề nghị Cơ sở đào tạo ra quyết định công nhận và cấp bằng TSKT cho NCS. Nguyễn Đức Phong sau khi đã chỉnh sửa luận án theo yêu cầu của Hội đồng.

Hội đồng đã biểu quyết 100% nhất trí thông qua Quyết nghị.

Một số hình ảnh tại buổi họp Hội đồng Đánh giá luận án tiến sĩ cấp Viện:

Ý kiến góp ý: