TextBody
Huy chương 2

Họp Hội đồng đánh giá Luận án Tiến sỹ cấp Viện cho NCS. Nguyễn Tiến Long

21/09/2022

Sáng ngày 20/9/2022, Cơ sở Đào tạo của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã tổ chức Họp hội đồng đánh giá luận án TSKT cấp Viện cho NCS. Nguyễn Tiến Long với Đề tài “Nghiên cứu biến động và giải pháp kiểm soát chất lượng môi trường vùng nuôi tôm tập trung tại Quảng Ninh”. Chuyên ngành Môi trường đất và nước . Mã số: 9 44 03 03

Hội đồng đánh giá luận án TSKT cấp Viện do GS.TS. Tăng Đức Thắng làm chủ  tịch Hội đồng.

Về phía cơ sở đào tạo của Viện có GS.TS. Trần Đình Hòa - Giám đốc Viện - Thủ trưởng Cơ sở đào tạo; GS.TS. Nguyễn Tùng Phong - Phó Giám đốc Viện phụ trách nhiệm vụ đào tạo Tiến sỹ; Lãnh đạo Ban Tổ chức Hành chính, Ban Kế hoạch Tổng hợp; Các NCS đang học tập và nghiên cứu tại Viện; Cán bộ khoa học trong và ngoài Viện; đồng nghiệp, bạn bè và gia đình của NCS.

Ngoài ra, còn có Bà Nguyễn Giang Thu - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường; Bà Nguyễn Phương Nga - Đại diện Vụ Tổ chức cán bộ.

Tại buổi họp, thay mặt Đơn vị quản lý nhiệm vụ đào tạo trình độ Tiến sỹ, PGS.TS. Phạm Hồng Cường công bố quyết định thành lập Hội đồng đánh giá luận án tiến sỹ cấp Viện cho Luận án Tiến sỹ của NCS. Nguyễn Tiến Long của Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam

TS. Nguyễn Thị Kim Dung - Thư ký khoa học đọc lý lịch khoa học của NCS. Nguyễn Tiến Long tại buổi họp

Theo NCS. Nguyễn Tiến Long, trong những năm vừa qua, tôm nước lợ được xác định là đối tượng nuôi chủ lực. Tuy nhiên, thách thức về nguy cơ ô nhiễm môi trường, bùng phát dịch bệnh tại các vùng nuôi tôm tập trung rất cao, nhất là các hình thức nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh. Chất lượng môi trường nước trong các hình thức nuôi trên đều có dấu hiệu ô nhiễm hữu cơ (BOD5, COD) cao hơn giới hạn cho phép, xuất hiện ô nhiễm chất dinh dưỡng NH4+ (ammonia) và chất độc hại như H2S; trong bùn thải tích tụ: phân tôm, thức ăn dư thừa thối rữa bị phân hủy, các hóa chất tồn dư lắng đọng thành các trầm tích; nền đất trong ao nuôi có xu hướng suy thoái sau nhiều năm nuôi tôm độc canh.

Để khắc phục các vấn đề nêu trên, một số nghiên cứu về biến động môi trường nước vùng nuôi tôm, các biện pháp để kiểm soát chất lượng nguồn nước cấp, nước trong ao và nước nước thải nuôi tôm được triển khai, áp dụng. Tuy vậy, chất lượng môi trường vẫn suy giảm, dịch bệnh còn xảy ra ở các mức độ, tần suất khác nhau, gây thiệt hại lớn cho người nuôi tôm.

Quảng Ninh là tỉnh có diện tích nuôi tôm tập trung lớn nhất ở khu vực miền Bắc. Gần đây, chất lượng môi trường vùng nuôi tôm cũng có xu hướng suy giảm, xuất hiện nhiều đợt tôm chết hàng loạt không rõ nguyên nhân. Vì vậy, theo NCS. Nguyễn Tiến Long luận án được thực hiện là cần thiết, có ý nghĩa khoa học và đáp ứng yêu cầu thực tiễn cao.

Qua quá trình triển khai các nội dung nghiên cứu, luận án đã đạt được một số kết quả chính như đã đánh giá được biến động về chất lượng môi trường nguồn nước cấp, nền đất, nước trong ao, nước thải và bùn thải một số vùng nuôi tôm tập trung ở Quảng Ninh.

Đưa ra được các giải pháp (quản lý và kỹ thuật) kiểm soát chất lượng môi trường vùng nuôi tôm tập trung phù hợp với điều kiện ở Quảng Ninh thông qua phân tích SWOT làm cơ sở xem xét, lựa chọn các giải pháp phù hợp nhất. Trong đó, giải pháp về quản lý: quan trắc môi trường, hoàn thiện cơ chế chính sách, khoa học và công nghệ và xây dựng, hoàn thiện quy trình kiểm soát chất lượng môi trường và giải pháp kỹ thuật: nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang biết bị và kiểm soát chất lượng nước trong nuôi tôm.

Xây dựng và hoàn thiện Quy trình kỹ thuật kiểm soát chất lượng môi trường nuôi tôm tập trung ở Tân An, Quảng Ninh (thông qua thử nghiệm giải pháp lựa chọn sử dụng chế phẩm sinh học phù hợp xử lý nước trong ao nuôi tôm trong phòng thí nghiệm; ứng dụng Chế phẩm sinh học tốt nhất đã lựa chọn với Quy trình kỹ thuật kiểm soát chất lượng môi trường để xuất tiến hành thử nghiệm ở quy mô sản xuất trên nền mô hình “Nuôi tôm ít thay nước” đang áp dụng tại Tân An, Quảng Ninh).

Sau khi nghe nhận xét và nghe các ý kiến của các thành viên phản biện, các thành viên trong Hội đồng; các ý kiến của các  các chuyên gia, các nhà khoa học thuộc các cơ quan, tổ chức ngoài Viện, Hội đồng đã họp và bỏ phiếu kín. Thay mặt Hội đồng, Chủ tịch Hội đồng GS.TS. Tăng Đức Thắng đọc Quyết nghị của Hội đồng đánh giá luận án Tiến sỹ cấp Viện của NCS.Nguyễn Tiến Long.

Đề tài luận án có tính cấp thiết và thời sự cao phục vụ cho phát triển kinh tế thủy sản. Các nghiên cứu của luận án đã đóng góp làm sâu sắc thêm phương pháp nghiên cứu và kiến thức về biến động môi trường vùng nuôi tôm tập trung góp phần nâng cao tính bền vững và hiệu quả của mô hình nuôi tôm nói chung và chuyên ngành nói riêng ở vùng ven biển. Đồng thời góp phần hoàn thiện quy trình kiểm soát chất lượng môi trường nuôi tôm theo mô hình nuôi tôm đang được áp dụng phổ biến ở các tỉnh ven biển phía Bắc.

Luận án đã xác định, đánh giá hệ thống biến động các thông số môi trường đất, nước... vùng nuôi tôm tập trung tỉnh Quảng Ninh; Đánh giá được tác động và hiệu quả của các chế phẩm sinh học trong quy trình nuôi tôm từ quy mô phòng thí nghiệm đến thực tế ao nuôi góp phần hoàn thiện quy trình kỹ thuật kiểm soát chất lượng môi trường vùng nuôi tôm tập trung theo mô hình nuôi tôm ít thay nước ở Tân An - Quảng Ninh; Đề xuất được giải pháp kỹ thuật để kiểm soát chất lượng môi trường vùng nuôi tôm tập trung ở Quảng Ninh.

Đề tài luận án đã sử dụng các phương pháp phù hợp. Việc kết hợp giữa nghiên cứu lý thuyết, thí nghiệm trong phòng, nghiên cứu thực nghiệm ngoài thực tế đảm bảo kết quả nghiên cứu có cơ sở khoa học và độ tin cậy tốt. Các kết luận nêu trong luận án được dựa trên các kết quả nghiên cứu kết hợp với phân tích, so sánh với các nghiên cứu trước đây, các ý kiến chuyên gia do đó có giá trị khoa học và thực tiễn cao.

Tại Quyết nghị cũng đề nghị NCS. Nguyễn Tiến Long cần chỉnh sửa phần mở đầu bổ sung làm nổi bật tính cấp thiết tập trung vào địa bàn tỉnh Quảng Ninh và nhấn mạnh lý do nghiên cứu biến động và giải pháp kiểm soát chất lượng môi trường vùng nuôi tôm tập trung tỉnh Quảng Ninh; bổ sung đối tượng, phạm vi nghiên cứu; chỉnh sửa ý nghĩa khoa học để làm nổi bật được kết quả nghiên cứu của NCS có đóng góp thiết thực cho nghề nuôi tôm ứng dụng triển khai trên diện rộng và bảo vệ môi trường vùng nuôi tôm tập trung tỉnh Quảng Ninh; cập nhật số liệu mới;  chỉnh sửa phần kết luận, hình vẽ, biểu đồ...

Kết quả bỏ phiếu kín đánh giá luận án của thành viên Hội đồng với 6/6 phiếu tán thành. Hội đồng đề nghị Cơ sở đào tạo ra quyết định công nhận và cấp bằng TSKT cho NCS. Nguyễn Tiến Long sau khi đã chỉnh sửa theo yêu cầu của Hội đồng.

Hội đồng đã biểu quyết 100% nhất trí thông qua Quyết nghị.

Thay mặt Cơ sở đào tạo và Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, GS.TS. Trần Đình Hòa - Giám đốc Viện - Thủ trưởng Cơ sở đào tạo đã gửi lời chúc mừng NCS. Nguyễn  Tiến Long đã bảo vệ thành công luận án của mình.

GS.TS. Trần Đình Hòa cho biết đề tài luận án NCS nghiên cứu là một đề tài khó, đa ngành, đa lĩnh vực và NCS đang công tác tại cơ quan quản lý không phải là một cơ quan nghiên cứu hay đào tạo do vậy việc NCS thực hiện đề tài luận án không dễ dàng. Tuy vậy, với sự quyết tâm, nỗ lực, kiên trì, NCS đã bảo vệ thành công luận án của mình. Đồng thời GS.TS. Trần Đình Hòa cũng đã gửi lời chúc mừng 02 thầy giáo của NCS và Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường - nơi NCS đang công tác.

GS.TS. Trần Đình Hòa mong muốn NCS sẽ tiếp tục phát huy sự kiên trì, say mê nghiên cứu khoa học của mình cũng như phối hợp với cơ sở đào tạo của Viện để triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ và công tác đào tạo trên con đường nghiên cứu khoa học; Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường sẽ tiếp tục hỗ trợ, phối hợp với Viện trong công tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao theo chỉ đạo, định hướng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Đặc biệt, GS.TS. Trần Đình Hòa gửi lời chúc mừng gia đình, người thân của NCS. Nguyễn Tiến Long - những người đã luôn đứng đằng sau, hỗ trợ, giúp đỡ động viên NCS trong cả quá trình NCS thực hiện luận án và hy vọng NCS. Nguyễn Tiến Long không chỉ dừng lại ở học vị TS mà sẽ tiếp tục phấn đấu đạt được những học vị cao hơn làm rạng danh cho gia đình, dòng tộc và là tấm gương sáng cho các thế hệ trẻ noi theo.

GS.TS. Trần Đình Hòa đã gửi lời cảm ơn đến GS.TS. Tăng Đức Thắng - Chủ tịch Hội đồng và các thành viên trong Hội đồng đã đánh giá, phản biện, nhận xét rất thẳng thắn, công tâm, khách quan, giúp cho NCS. Nguyễn Tiến Long có thể hoàn thiện luận án của mình tốt nhất.

GS.TS. Trần Đình Hòa - Giám đốc Viện và GS.TS. Nguyễn Tùng Phong - Phó Giám đốc Viện tặng hoa chúc mừng NCS. Nguyễn Tiến Long

Ý kiến góp ý: