Họp Hội đồng đánh giá luận án tiến sỹ cấp Viện cho NCS. Trần Minh Thái
11/05/2020Vừa qua, Cơ sở đào tạo Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã tổ chức họp Hội đồng đánh giá Luận án Tiến sỹ cấp Viện cho NCS. Trần Minh Thái với đề tài “Nghiên cứu ảnh hưởng của lớp xi măng đất gia cố mặt nền đến sức chịu tải ngang của cọc đứng, ứng dụng cho Đập trụ đỡ vùng Đồng bằng sông Cửu Long”. Chuyên ngành: Kỹ thuật xây dựng công trình thủy.
Tham dự buổi họp, về phía Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam có GS.TS. Nguyễn Vũ Việt - Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, GS.TS. Trần Đình Hòa - Phó Giám đốc Viện, PGS.TS. Nguyễn Tùng Phong - Phó Giám đốc Viện; PGS.TS. Đặng Hoàng Thanh - Trưởng Ban Tổ chức Hành chính; PGS.TS. Phạm Hồng Cường - Phó Trưởng Ban Tổ chức Hành chính; Các cán bộ khoa học trong và ngoài Viện; đồng nghiệp, bạn bè và gia đình của NCS. Báo cáo luận án trước Hội đồng, NCS. Trần Minh Thái cho biết trong xây dựng công trình điều tiết hiện nay, Đập trụ đỡ đang ngày càng được ứng dụng rộng rãi, trở thành một giải pháp khoa học thay thế dần các công trình truyền thống, đặc biệt thể hiện rõ trong các công trình lớn ngăn sông vùng ven biển. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả ứng dụng công nghệ, theo NCS cần phải tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thêm cả về lý thuyết và thực nghiệm những vấn đề còn chưa được sáng tỏ. Đối với công trình Đập trụ đỡ, thường xuyên chịu tải trọng ngang tác dụng rất lớn. Ngoài giải pháp bố trí cọc xiên thì biện pháp gia cố lớp bề mặt nền móng sẽ có tác dụng đáng kể làm tăng sức chịu tải ngang của móng cọc. Để xác định kích thước phù hợp cho lớp gia cố và đánh giá mức độ ảnh hưởng đến sức chịu tải ngang của móng cọc Đập trụ đỡ như thế nào thì đến nay vẫn chưa được giải quyết. Vì vậy, NCS. Trần Minh Thái cho rằng đề tài nghiên cứu có tính cấp thiết và thực tế. Mục tiêu nghiên cứu của luận án là làm cơ sở khoa học, hoàn thiện lý thuyết trong tính toán thiết kế đập trụ đỡ; Đề xuất hình thức và kết cấu của lớp gia cố bề mặt nhằm tăng sức chịu tải trọng ngang cho móng cọc đập trụ đỡ xây dựng trong vùng đồng bằng sông Cửu Long. Để thực hiện được mục tiêu trên, NCS đã triển khai các nội dung nghiên cứu như tổng quan về đập trụ đỡ và các giải pháp gia tăng sức chịu tải ngang cho móng cọc trong vùng đất yếu; cơ sở khoa học của giải pháp gia cố nền lớp mặt; nghiên cứu thực nghiệm sự ảnh hưởng của lớp gia cố bằng mô hình vật lý; quy trình tính toán móng cọc đập trụ đỡ trong trường hợp có lớp gia cố bề mặt. Một số kết quả của Luận án có thể kể đến đó là luận án đưa ra phân tích các giải pháp làm tăng SCTN cho móng cọc trụ đỡ trên nền đất yếu và tập trung nghiên cứu sự ảnh hưởng của lớp gia cố bề mặt của nền móng. Trong giải pháp này cọc XMĐ theo công nghệ DMM được chọn lựa để gia cố nền lớp mặt nhằm tăng khả năng chịu lực ngang của móng cọc Đập trụ đỡ vùng ĐBSCL là phù hợp và khả thi nhất. Bằng việc sử dụng phương pháp số và phương pháp thực nghiệm hiện trường trong nghiên cứu, cho thấy khả năng chịu lực ngang của cọc đơn tăng lên 7 -8 lần sau khi xác định được kích thước hợp lý của khối gia cố. Qua việc tính toán cho một công trình cụ thể cho thấy giải pháp gia cố lớp mặt móng cọc bằng công nghệ DMM đã mang lại hiệu quả kinh tế và kỹ thuật rõ rệt đối với Đập trụ đỡ vùng ĐBSCL. Luận án cũng đã đề xuất được phương pháp xác định kích thước hợp lý của khối gia cố để gia tăng khả năng chịu lực ngang của móng cọc Đập trụ đỡ cũng như đã đưa ra các phương pháp xác định SCTN ứng với các loại cọc phổ biến trong xây dựng hiện nay trong trường hợp gia cố lớp mặt tại vùng ĐBSCL. Ngoài ra, kết quả mô phỏng và phân tích PTHH được trình bày trong luận án cho thấy có thể sử dụng phương pháp này trong một số phần mềm chuyên dụng để tính toán lớp gia cố bề mặt nền với độ tin cậy cao. Phương pháp thí nghiệm với tỷ lệ 1:1 tại hiện trường vùng nghiên cứu đối với loại nền đất và vật liệu gia cố cụ thể. Kết quả được thể hiện trong luận án này chỉ làm mục đích sáng tỏ lý thuyết. Việc áp dụng kết quả của giải pháp gia cố trong phạm vi luận án đối với các công trình có các chỉ tiêu về nền tương tự, nếu các chỉ tiêu cơ lý có sai khác lớn và bất lợi với trường hợp thí nghiệm trong luận án thì cần được tính toán cụ thể cho từng vị trí công trình trên cơ sở hợp lý về kinh tế - kỹ thuật, sau đó cần được đánh giá bằng thí nghiệm thử tải ngang tại công trình thực tế, đặc biệt là các công trình ngăn sông lớn, điển hình trong vùng ĐBSCL. Các kết quả nghiên cứu của luận án này là nền tảng quan trọng trong việc hoàn thiện lý thuyết tính toán thiết kế đập trụ đỡ. Quy trình tính toán sức chịu tải ngang của móng cọc Đập Trụ đỡ trong trường hợp gia cố bề mặt cần được áp dụng vào thực tế cũng như bổ sung vào Tiêu chuẩn thiết kế Đập Trụ đỡ. Sau khi nghe nhận xét và nghe các ý kiến của các thành viên phản biện, các thành viên trong Hội đồng, các chuyên gia, các nhà khoa học có mặt tại buổi lễ bảo vệ. Thay mặt Hội đồng, Chủ tịch Hội đồng GS.TS. Lê Mạnh Hùng đã đọc Nghị quyết của Hội đồng. Theo đó, Luận án đã có đóng góp mới có thể kể đến đó là đã xác định được kích thước hợp lý của phần gia cố xi măng đất đầu cọc nhằm tăng sức chịu tải ngang của cọc đơn đập trụ đỡ cho loại đất đại diện vùng ĐBSCL; xây dựng được những biểu đồ thực nghiệm giữa sức chịu tải ngang với tiết diện ngang của cọc trong trường hợp gia cố bằng xi măng đất và chưa gia cố đất đầu cọc. Các kết quả nghiên cứu được tác giả phân tích một cách có hệ thống, logic, chứng minh bằng lý thuyết và thực nghiệm; các minh chứng, luận giải rõ ràng nên những luận điểm và đóng góp mới của luận án có độ tin cậy. Kết quả nghiên cứu của Luận án có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo cho các đơn vị tư vấn khảo sát, thiết kế và thi công các công trình trong thực tế. Cũng theo Nghị quyết, một số thiếu sót về nội dung và hình thức của luận án đó là cần hạn chế phạm vi nghiên cứu của đề tài, làm rõ phạm vi ứng dụng của các công thức thực nghiệm, chỉnh sửa một số lỗi chính tả và thuật ngữ chuyên môn trong luận án. Luận án đã đáp ứng được các yêu cầu của một luận án tiến sĩ về nội dung và hình thức theo Quy chế hiện hành. Bản tóm tắt luận án phản ánh trung thực nội dung của luận án. Hội đồng yêu cầu NCS. Trần Minh Thái chỉnh sửa, bổ sung theo các ý kiến góp ý của các thành viên trong Hội đồng. Kết quả bỏ phiếu kín đánh giá luận án: 7/7 phiếu tán thành trong đó có 01 phiếu đánh giá Luận án mức xuất sắc. Hội đồng đề nghị Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam công nhận trình độ và cấp bằng tiến sỹ cho NCS. Trần Minh Thái. 100% thành viên Hội đồng biểu quyết đồng ý thông qua Nghị quyết Hội đồng.
Ý kiến góp ý: