Họp Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở đề tài KC.09.15/11-15
24/11/2015Ngày 22/11/2015, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã tổ chức họp Hội đồng khoa học công nghệ đánh giá nghiệm thu cấp cơ sở Đề tài “Nghiên cứu đánh giá biến động cực trị các yếu tố khí tượng thủy văn biển, tác động của chúng tới môi trường, phát triển kinh tế xã hội và đề xuất giải pháp phòng tránh cho các đảo đông dân cư thuộc vùng biển miền Trung (chủ yếu là Đảo Lý Sơn, Đảo Phú Quý)” thuộc Chương trình KHCN cấp Nhà nước KC.09/11-15 do TS. Kiều Xuân Tuyển - Viện Khoa học Thủy lợi Miền Trung và Tây Nguyên chủ nhiệm.
Miền Trung là nơi bị tàn phá bởi thiên tai nhiều nhất của cả nước. Bão lốc, lũ lụt, sóng, gió, triều cường, sạt lở, hạn hán thường xuyên đe dọa và gây ra nhiều thiệt hại cho miền Trung. Trong đó các đảo thuộc miền Trung là nơi chịu sự công phá của thiên tai nhiều nhất. Các tổ hợp như bão, sóng, nước dâng trong bão kết hợp triều cường đã tàn phá các cơ sở kinh tế, nhà cửa, bến bãi, nhấn chìm tàu thuyền, làm thiệt hại tính mạng của dân cư trên đảo thường xuyên hàng năm; các tổ hợp như gió mùa Đông Bắc, Tây Nam, triều cường diễn ra suốt năm và dữ dội đã xâm thực, xói mòn, sạt lở các đảo. Vì vậy giữ ổn định các đảo miền Trung đồng nghĩa với việc cần có các biện pháp phòng chống, tránh các thiên tai này; giữ ổn định các đảo còn tạo ra những khu vực trú, tránh bão an toàn, hiệu quả cho các tàu thuyền của nước ta và của quốc tế hoạt động ở biển đông. Để thực hiện được nhiệm vụ phòng tránh thiên tai nêu trên, trước hết phải có những nghiên cứu cơ bản về điều kiện tự nhiên, về điều kiện khí tượng thủy hải văn biển và tác động của nó lên vùng đảo của miền Trung; đồng thời đề xuất các biện pháp phòng chống, tránh các tác động bất lợi giữ ổn định các đảo. Với tầm quan trọng và tính cấp thiết của nhiệm vụ nghiên cứu phòng chống thiên tai cho các đảo miền Trung, từ năm 2012, trong Chương trình “Nghiên cứu KH&CN phục vụ quản lý biển, hải đảo và phát triển kinh tế xã hội”, Bộ Khoa học và Công nghệ đã giao Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam thực hiện Đề tài “Nghiên cứu đánh giá biến động cực trị các yếu tố khí tượng thủy văn biển, tác động của chúng tới môi trường, phát triển kinh tế xã hội và đề xuất giải pháp phòng tránh cho các đảo đông dân cư thuộc vùng biển miền Trung (chủ yếu là Đảo Lý Sơn, Đảo Phú Quý)”. Mục tiêu nghiên cứu của Đề tài: (1) Xác định được cực trị và biến động của các yếu tố khí tượng thủy văn cơ bản như bão, tố lốc, trường nhiệt độ không khí – nước, trường gió, mực nước biển dâng, triều cường, xâm thực biển và các yếu tố thủy văn biển khác đặc thù tại mỗi khu vực đảo đông dân cư xa lục địa; (2) Có được cơ sở khoa học cho việc đề xuất giải pháp phòng tránh, bảo vệ xâm thực biển; (3) Có được luận cứ xây dựng các khu trú tránh bão tại các đảo cho tàu thuyền hoạt động trên biển đông. Sau 03 năm thực hiện, Đề tài đã tập trung nghiên cứu và đạt được các kết quả chính như: Đã tổng quan được các nghiên cứu trong nước và trên thế giới; nêu được đặc điểm tự nhiên và tình hình phát triển kinh tế xã hội hiện tại và định hướng phát triển trong tương lai hai huyện đảo; tính toán xác định cực trị của các yếu tố khí tượng thủy hải văn biển đảo Lý Sơn và Phú Quý; đã nghiên cứu tính toán biến động hình thái bờ biển hai đảo bằng giải đoán ảnh viễn thám và mô hình toán thủy động lực; Nghiên cứu giải pháp phòng chống, tránh các dạng thiên tai cực đoan cho đảo Lý Sơn và Phú Quý; Nghiên cứu lựa chọn vị trí các khu vực trú tránh bão cho tàu thuyền ở huyện đảo Lý Sơn và Phú Quý; Đã nghiên cứu đề xuất mạng lưới giám sát thiên tai trên huyên đảo Lý Sơn và Phú Quý. Bên cạnh các kết quả đã đạt được ở trên, thông qua Đề tài đã hỗ trợ đào tạo 01 NCS; trực tiếp hướng dẫn 02 thạc sỹ và đã đăng 2 bài báo của tập thể tác giả trong kỷ yếu 2 hội thảo quốc tế năm 2014 và 2015, 01 bài đăng trên Tạp chí KH&CN Thủy lợi. Thay mặt Hội đồng, Chủ tịch Hội đồng GS.TS. Trần Đình Hòa - Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã đánh giá cao các kết quả đạt được của Đề tài. Đề tài được thực hiện kịp thời đáp ứng với yêu cầu trong công tác chuẩn bị đối phó với các dạng thiên tai cực đoan và ổn định phát triển kinh tế xã hội an ninh quốc phòng. Đề tài là công trình khoa học có khối lượng lớn, có tính chuyên sâu dựa trên các luận cứ khoa học và thực tiễn. Đề tài đã sử dụng phương pháp và công cụ hiện đại để nghiên cứu giải quyết nội dung đạt mục tiêu đặt ra; Các giải pháp giảm thiểu mà đề tài đã đề xuất, có cơ sở khoa học phù hợp với thực tiễn ở khu vực 2 huyện đảo Lý Sơn, Phú Quý có tính khả thi cao; Đề tài đầy đủ về mặt số lượng, chủng loại theo đề cương đã được duyệt, khối lượng thực hiện, sản phẩm của Đề tài hoàn thành đầy đủ; sản phẩm đào tạo của Đề tài tốt, vượt kế hoạch đặt ra. Chủ tịch Hội đồng yêu cầu Chủ nhiệm Đề tài cần bố cục lại báo cáo tổng hợp, cần nêu nổi bật tính mới và làm rõ hơn những đóng góp có giá trị cho khoa học và thực tiễn; thống nhất trong việc sử dụng một số thuật ngữ, trích dẫn rõ nguồn gốc, giá trị các tham số đảm bảo tính xác thực và logic; mô tả rõ hơn các phương pháp nghiên cứu và liên kết các phương pháp sử dụng để so sánh; làm rõ vai trò và quy tình tính toán các hợp phần của mực nước tổng hợp; vai trò của gió bão, gió mạnh, sóng và chiều cao sóng lớn nhất kết hợp với nước dâng trong bão; Cần làm rõ hơn các số liệu khí tượng, thủy hải văn của từng đảo phục vụ trong nghiên cứu.... Chủ tịch Hội đồng yêu cầu Chủ nhiệm Đề tài chỉnh sửa, bổ sung theo những ý kiến góp ý của các thành viên Hội đồng. Đề tài nghiệm thu đạt yêu cầu.
Ý kiến góp ý: