Họp Hội đồng nghiệm thu cấp nhà nước “Nghiên cứu các giải pháp khoa học- công nghệ cho hệ thống công trình chỉnh trị sông trên các đoạn trọng điểm vùng đồng bằng Bắc Bộ và Nam Bộ”
26/03/2011Chiều ngày 25/3/2011, tại Phòng Thí nghiệm trọng điểm Quốc gia về động lực học sông Biển, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức nghiệm thu cấp Nhà nước đề tài 'Nghiên cứu các giải pháp khoa học công nghệ cho hệ thống công trình chỉnh trị sông trên các đoạn trọng điểm vùng đồng bằng Bắc Bộ và Nam Bộ". Mã số KC.08.14/06-10 do GS.TS. Lương Phương Hậu làm chủ nhiệm đề tài
Đến dự nghiệm thu, ngoài các thành viên Hội đồng có đại diện của Văn phòng KC. 08, đại diện Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam và lãnh đạo phòng Thí nghiệm trọng điểm Quốc gia về động lực sông Biển - đơn vị chủ trì thực hiện đề tài.
Tại cuộc họp, GS.TS.Lương Phương Hậu chủ nhiệm đề tài đã báo cáo các kết quả thực hiện của đề tài.
Kết quả thực hiện của Đề tài được thể hiện thông qua 12 sản phẩm chính và đề tài đã đề xuất 9 giải pháp công trình mới. Riêng giải pháp “Kết cấu công trình đảo chiều hoàn lưu ứng dụng để chống sạt lở, bảo vệ bờ sông, trong trường hợp đoạn sông cong, dòng chảy mang nhiều bùn cát đã được cấp bằng sáng chế độc quyền (6/2010). Sau đây là các sản phẩm và 9 giải pháp chỉnh trị của đề tài.
Các sản phẩm của đề tài:
1. Báo cáo: Kết quả đề xuất các chỉ dẫn kỹ thuật để xác định các thông số qui hoạch, thông số thiết kế cho các loại công trình chỉnh trị sông phục vụ các mục tiêu khác nhau ở đồng bằng Bắc Bộ và đồng bằng Nam Bộ;
2. Báo cáo: Kết quả về giải pháp khoa học công nghệ chỉnh trị đoạn sông Tiền từ Tân Châu đến Hồng Ngự;
3. Báo cáo: Kết quả về các giải pháp khoa học công nghệ chỉnh trị cho đoạn sông trọng điểm vùng đồng bằng Bắc Bộ;
4. Báo cáo: Kết quả đánh giá hiện trạng và hiệu quả của các loại hình kết cấu công trình chỉnh trị sông đã xây dựng ở Việt Nam;
5. Báo cáo: Kết quả ứng dụng mô hình 2D và 3D trong tính toán diễn biến lòng sông dưới tác dụng của công trình chỉnh trị vùng đồng bằng Bắc Bộ và đồng bằng Nam Bộ
6. Báo cáo: Kết quả tổng quan các thành tựu nghiên cứu về chỉnh trị sông trên thế giới và Việt Nam;
7. Báo cáo: Kết quả về các giải pháp bố trí không gian của hệ thống công trình ứng dụng trong chỉnh trị sông phân lạch;
8. Báo cáo: Kết quả định hướng nhiệm vụ chỉnh trị sông ở đồng bằng Bắc Bộ và đồng bằng Nam Bộ;
9. Báo cáo: Kết quả thu thập, điều tra, nghiên cứu thực địa, chỉnh lý và phân tích tài liệu địa hình, địa chất, khí tượng, thủy hải văn, bùn cát và các tài liệu nghiên cứu có liên quan;
10. Báo cáo: Kết quả khảo sát bổ sung tài liệu về địa hình, địa chất, thủy văn, bùn cát tại một số khu vực trọng điểm trên hệ thống sông Bắc Bộ và Nam Bộ;
11. Báo cáo: Kết quả xây dựng phần mềm quản lý và khai thác cơ sở dữ liệu;
12. Báo cáo tổng hợp khoa học kỹ thuật và báo cáo tóm tắt của đề tài
Các giải pháp công trình được đề tài đề xuất:
(1) Đề xuất ứng dụng tại Việt Nam sự định hướng có tính toàn cầu về mục tiêu truyền thống của công trình chỉnh trị sông chuyển sang mục tiêu hiện đại phục vụ các yêu cầu tổng hợp kinh tế- xã hội- môi trường sinh thái.
(2) Đề xuất các định hướng cho quy hoạch chỉnh trị sông tổng hợp đối với hệ thống sông ĐBBB và hệ thống sông ĐBSCL, trong đó có một số ý tưởng mới về tham số thiết kế, về các giải pháp công trình để bảo vệ môi trường sinh thái và ứng phó với BĐKH và NBD.
(3) Trên cơ sở công trình thực nghiệm thành công cùng với Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, đề tài đã hoàn thiện cơ sở khoa học và công nghệ, đề xuất đưa kết cấu công trình đảo chiều hoàn lưu vào ứng dụng để chống sạt lở, bảo vệ bờ sông, trong trường hợp đoạn sông cong, dòng chảy mang nhiều bùn cát. Trong thời gian làm đề tài, loại kết cấu này đã được ứng dụng có kết quả vào thực tế.
(4) Đề xuất sơ đồ bố trí không gian cho công trình chỉnh trị sông phân lạch, có ứng dụng công trình đảo chiều hoàn lưu. Một sơ đồ đã được ứng dụng vào nghiên cứu chỉnh trị sông phân lạch Trung Hà, đã cùng TEDI-Wecco thiết kế đưa vào xây dựng cho hiệu quả tốt.
(5) Đề xuất sơ đồ bố trí không gian cho công trình chỉnh trị đoạn sông cong trong trường hợp có bãi rộng, kiến nghị giải pháp cánh hướng dòng và mở rộng gốc MH, làm nội dung cho 1 luận án nghiên cứu sinh.
(6) Từ kết quả học tập công nghệ mới trong hợp tác quốc tế, đã đề xuất ứng dụng kết cấu thảm BT liên kết giây nilon trong chống xói đáy công trình trên nền đất yếu.
(7) Đề xuất một số hình mẫu của công trình chỉnh trị đoạn sông qua thành phố, ứng dụng cho thiết kế chỉnh trị đoạn sông Hồng qua Hà Nội.
(8) Đề xuất phương án chỉnh trị tổng thể đoạn sông Hồng qua Hà Nội, trong đó lấy giải pháp ổn định thế sông A làm tiền đề, khống chế các đoạn bờ định hướng và các chốt khống chế, khai thác lòng sông theo 3 bậc, bố trí công trình theo 4 khu vực chức năng, với sự hỗ trợ có tính quyết định của công trình cửa sông Đuống và cụm công trình đầu lạch Tầm Xá.
(9) Đề xuất các phương án chỉnh trị tổng thể đoạn sông Tiền từ Tân Châu đến Hồng Ngự, trong đó hệ thống công trình có ứng dụng sơ đồ do đề tài đề xuất, điều chỉnh lớn tỷ lệ phân chia lưu lượng từ hiện trạng Hồng Ngự 37 %, Long Khánh 58 %, Cái Vừng 5% thành Hồng Ngự và Long Khánh đều 47%, Cái Vừng 6%. Kết quả nghiên cứu trên mô hình toán đã chứng minh tính khả thi của phương án đề xuất.
Sau khi nghe chủ nhiệm đề tài GS.TS. Lương Phương Hậu trình bày kết quả thực hiện đề tài và trả lời các câu hỏi, Hội đồng đã họp đánh giá và 100% thành viên Hội đồng nhất trí đánh giá nghiệm thu đề tài đạt loại xuất sắc với số điểm trung bình là 97,3 điểm.
Ý kiến góp ý: