Họp Hội đồng nghiệm thu chính thức đề tài cấp Bộ
30/08/2011Vừa qua, Hội đồng nghiệm thu đề tài cấp Bộ đã tổ chức họp nghiệm thu kết quả nghiên cứu của đề tài "Nghiên cứu các giải pháp tổng hợp quản lý phát triển bền vững tài nguyên nước lưu vực sông" do PGS.TS.Nguyễn Thế Quảng làm chủ nhiệm đề tài
Tại cuộc họp, PGS.TS. Nguyễn Thế Quảng đã thay mặt nhóm thực hiện đề tài báo cáo kết quả khoa học công nghệ của Đề tài trước Hội đồng.
Theo báo cáo, nước của các dòng sông trên tất cả các lưu vực sông lớn nhỏ ở Việt Nam đều bị ô nhiễm nghiêm trọng do các khu công nghiệp, các đô thị và nông thôn thải xả trực tiếp vào các nguồn nước và không được xử lý làm sạch. Tình trạng ô nhiễm các nguồn nước ngày càng nghiêm trọng hơn nhiều so với sự thiếu hụt nguồn nước, chúng lây lan nhanh, ô nhiễm đất, nước ảnh hưởng xấu trực tiếp đến đời sống xã hội. Tuy việc phân công nhiệm vụ cho các ngành quản lý đã rõ ràng cụ thể nhưng vẫn còn một số tồn tại và vướng mắc cần thảo luận để thống nhất giải pháp giữa các ngành, các địa phương về tăng cường năng lực, hiệu quả quản lý tài nguyên nước lưu vực sông. Để phát triển bền vững tài nguyên nguyên nước và các tài nguyên thiên nhiên khác cần phải được quản lý một cách tổng hợp, bảo đảm tính hệ thống của lưu vực sông, không chia cắt theo địa giới hành chính. Quản lý tài nguyên nước lưu vực sông là quản lý tổng hợp các giải pháp nông – lâm – thủy trong lưu vực để phát triển bền vững.
Đề tài “Nghiên cứu các giải pháp tổng hợp quản lý phát triển bền vững tài nguyên nước lưu vực sông” nhằm đánh giá những vấn đề tồn tại và đề xuất những giải pháp hợp lý. Các giải pháp quản lý tổng hợp sẽ giúp các Cơ quan Nhà nước và các địa phương quản lý tài nguyên nước theo ngành, lãnh thổ hiệu quả nhất, tài nguyên nước lưu vực sông sẽ được bảo vệ, khai thác, sử dụng và không ngừng phát triển.
Đề tài đã dựa trên các phương pháp nghiên cứu như kế thừa các chuỗi tài liệu thống kê về tài nguyên và môi trường; các báo cáo đánh giá hiện trạng; ứng dụng phương pháp tiên tiến để đánh giá diễn biến và dự báo tương lai (ảnh vệ tinh, chập bản đồ, sơ đồ hóa, khái quát hóa thông qua GIS, mô hình toán); khảo sát thực địa, thu thập, phân tích phương pháp luận ở một số nước tiên tiến về quản lý điều hành hiệu quả nguồn nước để chọn lọc và vận dụng; lấy ý kiến của các chuyên gia, các bên liên quan, các nhà quản lý hoạch định chính sách. Đặc biệt hơn nữa để thực hiện tốt các nhiệm vụ chuyên môn, đáp ứng được mục tiêu đề ra là đề xuất được các giải pháp tổng hợp để duy trì, điều tiết, cân bằng lượng nước giữa các mùa trong năm, áp dụng xây dựng được mô hình quản lý cho một lưu vực sông cụ thể, đề tài đã tập hợp trên 20 nhà khoa học và cán bộ nghiên cứu có kinh nghiệm trong lĩnh vực sông thuộc các Viện nghiên cứu để triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu như Viện Nước, Tưới tiêu & Môi trường, Trung tâm Đào tạo & Hợp tác Quốc tế, Phòng Thí nghiệm trọng điểm Quốc gia về Động lực học sông biển (Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam); Trung tâm Nghiên cứu sinh thái Môi trường rừng (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam).
Dựa trên các phương pháp nghiên cứu này, nhóm thực hiện đề tài đã tiến hành nghiên cứu và đã có một số đóng góp mới như:
- Đề tài đánh giá tổng quan tài nguyên nước lưu vực sông trên thế giới và Việt Nam; Xây dựng được bô hồ sơ đánh giá tài nguyên nước mặt các lưu vực sông; Thống kê tổng dòng chảy trung bình trong năm, hiện trạng và mức độ ô nhiễm các lưu vực sông, tổng quan đánh giá hiện trạng và định hướng phát triển hệ thống tài nguyên nước về quản lý và công trình trong cả nước.
- Đề tài đã lựa chọn giới thiệu các mô hình quản lý, giải pháp, chính sách để bảo vệ phát triển gần 6 triệu ha rừng phòng hộ đầu nguồn trong cả nước nhằm phục hồi môi trường và nuôi dưỡng nguồn nước cho các lưu vực sông suối.
- Đánh giá lựa chọn mô hình giải pháp canh tác nông nghiệp, nông lâm nghiệp kết hợp nông lâm thủy trên đất dốc, đất đồi núi nhằm tăng nguồn sinh thủy, điều hòa nguồn nước, bảo vệ đất chống xói mòn và phát triển sản xuất nâng cao đời sông nhân dân.
- Đề xuất việc đổi mới tổ chức quản lý tài nguyên nước lưu vực sông như đổi mới về phân cấp quản lý về các mặt giữa các Bộ, ngành, địa phương; Cơ cấu lại tổ chức, nhiệm vụ phân giao, giải thể, tách nhập để thống nhất tổ chức cơ quan quản lý Nhà nước về tài nguyên nước, lưu vực sông ở cấp Trung ương và địa phương.
- Áp dụng nghiên cứu mô hình sông Mã về đánh giá lựa chọn các giải pháp tổng hợp quản lý phát triển bền vững lưu vực sông.
Sau khi nghe Chủ nhiệm đề tài báo các các kết quả đạt được và những đóng góp mới của Đề tài, Hội đồng đã đóng góp ý kiến để hoàn chỉnh bổ sung và làm các thủ tục theo quy định.
Đề tài được Hội đồng nghiệm thu đánh giá đạt loại khá.
A.T
Ý kiến góp ý: