TextBody
Huy chương 2

Họp Hội đồng nghiệm thu chính thức đề tài cấp nhà nước KC08.21/06-10

05/04/2011

Ngày 03/4/2011, tại Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam đã diễn ra buổi họp Hội đồng nghiệm thu KHCN cấp Nhà nước đề tài "Đánh giá suy thoái môi trường trong quá trình chuyển đổi đất nông lâm sang nuôi trồng thủy sản ở các huyện ven biển Đồng bằng sông Cửu Long và đề xuất các giải pháp sử dụng bền vưng tài nguyên đất" mã số KC08.21/06-10 thuộc Chương trình trọng điểm cấp Nhà nước KC08/06-10 do ThS. Nguyễn Văn Lân - Trung tâm Nghiên cứu Thủy nông và cấp nước - Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam làm chủ nhiệm đề tài

Đến dự nghiệm thu, ngoài các thành viên Hội đồng, có đại diện Ban Chủ nhiệm và Văn phòng Chương trình KC.08, đại diện lãnh đạo Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam và lãnh đạo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam - đơn vị chủ trì thực hiện đề tài, đại diện lãnh đạo Phân Viện Quy hoạch Nuôi trồng Thủy sản phía Nam - cơ quan phối hợp chính thực hiện đề tài, cùng toàn thể các thành viên tham gia thực hiện đề tài.

Kết quả nghiên cứu đề tài đã làm rõ mối quan hệ giữa hiện tượng (suy thoái) và bản chất của vấn đề suy thoái môi trường (STMT). Phân tích, luận giải và xác định nguyên nhân sâu xa của vấn đề STMT trong nuôi trồng thủy sản (NTTS) chủ yếu là do công trình hạ tầng cơ sở và công tác quản lý nhà nước. Phân tích, đánh giá định tính và định lượng STMT đất, nước và hệ sinh thái; Xác định mức độ suy thoái và khả năng hồi phục của các dạng suy thoái trên các vùng NTTS tập trung ven biển. Xây dựng cơ sở khoa học xác định những tiêu chí chủ yếu làm suy thoái môi trường đất, nước và hệ sinh thái. Từ kết quả khảo sát mẫu nước, điều tra thực tế, tham vấn ý kiến chuyên gia và kinh nghiệm của người dân, đề tài đã đưa ra kiến nghị thay đổi tiêu chí độ mặn tối ưu trong thông tư 44/2010/TT-BNNPTNT Tiêu chuẩn nước nuôi tôm từ chỉ số 10-25‰ thành chỉ số 8-18‰ cho phù hợp với thực tế sản xuất. Đề tài cũng đề nghị Bộ Tài Nguyên và Môi trường cho xem xét, điều chỉnh chỉ tiêu COD của nước cho NTTS trong QCVN 10:2008/BTNMT theo hướng tăng giới hạn COD < 3mgO2/l lên mức 10mgO2/l cho phù hợp thực tế NTTS hiện nay.

Đề tài cũng đã kết luận 2 giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm ngăn chặn STMT trong NTTS : (i) Xây dựng Hệ thống công trình thủy lợi hoàn chỉnh đúng yêu cầu kỹ thuật NTTS, (ii) Tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về con người, về dân trí và thực thi nghiêm minh các bộ luật đã có.

 

Đề tài đã ứng dụng ngay vào thực tế sản xuất bằng quy hoạch 3 mô hình mẫu hệ thống công trình thủy lợi phục vụ phát triển bền vững NTTS cho 3 huyện vùng ven biển ĐBSCL tại Hòn Đất - Kiên Giang, Duyên Hải - Trà Vinh và Bình Đại - Bến Tre (3 mô hình này đã được UBND các tỉnh phê duyệt dự án và được các địa phương chấp nhận ứng dụng kết quả của đề tài và đưa vào phục vụ sản xuất).   

Ngoài ra kết quả của đề tài góp phần đào tạo 1 tiến sĩ, 2 thạc sĩ, 5 luận văn đại học chuyên ngành môi trường và viết được 8 bài báo khoa học công bố trên tạp chí Tạp chí Hoạt động Khoa học - Bộ KHCN, Tạp chí Nông nghiệp & PTNT, Đặc san Khoa học Công nghệ Thủy lợi và Tuyển tập kết quả KHCN Viện KHTL miền Nam năm 2010.

Sau khi nghe chủ nhiệm đề tài ThS. Nguyễn Văn Lân trình bày báo cáo kết quả thực hiện và trả lời các câu hỏi, Hội đồng đã đã đánh giá cao cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu, kết quả thực hiện cũng như tính ứng dụng vào thực tế của đề tài. Theo đánh giá của Hội đồng, đây là một đề tài rất khó thực hiện và có tính thời sự cao ở Đồng bằng sông Cửu Long nhưng chủ nhiệm đề tài và tập thể tác giả đã cố gắng nỗ lực rất lớn, làm được nhiều việc sáng tạo so với mục tiêu và nội dung đề ra, triển khai nghiên cứu có sự phối hợp tốt với địa phương, đây là một nghiên cứu nền về môi trường các vùng nuôi thủy sản ven biển, ngoài ra đề tài cần đề xuất một vài hướng nghiên cứu tiếp theo trong quá trình phát triển bền vững vùng nuôi trồng thủy sản ở ven biển các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Hội đồng đã họp kín đánh giá và 100% thành viên Hội đồng nhất trí đánh giá nghiệm thu đề tài đạt loại khá với số điểm trung bình là 85,75 điểm.

 

Lan Hương - Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam

Ý kiến góp ý: