Họp Hội đồng nghiệm thu chính thức đề tài cấp Quốc gia thuộc Chương trình KC.08/16-20
16/09/2020Chiều ngày 14/9, tại Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã diễn ra buổi họp Hội đồng nghiệm thu chính thức đề tài “Nghiên cứu đánh giá rủi ro ngập lũ tại các ngầm tràn khu vực miền Trung và đề xuất hệ thống cảnh báo sớm” . Đây là đề tài cấp Quốc gia thuộc Chương trình KC.08/16-20 do ThS. Nguyễn Văn Lực chủ nhiệm.
Báo cáo trước Hội đồng, Chủ nhiệm Đề tài ThS. Nguyễn Văn Lực cho biết: Trước tình hình mưa lũ khu vực miền trung diễn ra hàng năm rất phức tạp tuy nhiên công tác dự báo và cảnh báo lũ cho vùng này vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế. Nguyên nhân chính là do đặc điểm địa hình, địa mạo của khu vực khá phức tạp, địa hình hẹp và dốc, thảm phủ bị thay đổi nhiều, do đó làm tăng tốc độ tập trung lũ và thời gian truyền lũ rất nhanh, trong khi tài liệu về địa hình, địa mạo phục vụ xây dựng các mô hình dự báo vẫn chưa đầy đủ, chi tiết và phản ánh đúng thực tế dẫn đến mức độ sai lệch rất lớn. Một yếu tố khác nữa ảnh hưởng đến công tác dự báo, cảnh báo lũ đối với khu vực miền Trung đó là mật độ mạng lưới các trạm quan trắc quá thưa, phương pháp quan trắc chủ yếu bằng thủ công, có nhiều trạm đã hư hỏng, xuống cấp mà không được đầu tư nâng cấp nên số liệu quan trắc không đủ dài và liên tục, độ chính xác của số liệu không cao …
Mặc dù trong thời gian gần đây, Nhà nước rất quan tâm chú trọng đầu tư cho công tác dự báo và cảnh báo lũ cho các khu vực trên cả nước nói chung và miền Trung nói riêng, cụ thể là đầu tư lắp đặt mới hoặc nâng cấp các trạm quan trắc khí tượng, thủy văn, ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm tự động hóa công tác đo đạc, quan trắc nhằm nâng cao chất lượng lượng của số liệu quan trắc. Tuy nhiên, do hạn hẹp về nguồn kinh phí nên cũng chỉ mới tập trung đầu tư cho các lưu vực sông hoặc hồ chứa lớn. Còn lại đối với các lưu vực nhỏ thì hầu hết đều thiếu trạm quan trắc hoặc có nhưng không hoạt động. Vì thế, việc dự báo và cảnh báo lũ cho các lưu vực nhỏ gần như đã không thể thực hiện được dẫn đến tình trạng bị động trong công tác phòng chống thiên tai, khi có lũ lụt xảy ra, do không kịp dự báo, cảnh báo với chính quyền địa phương và người dân biết để chuẩn bị các phương án phòng chống nên đã gây thiệt hại lớn hàng năm về người và tài sản.
ThS. Nguyễn Văn Lực cho rằng việc nghiên cứu ứng dụng các hệ thống cảnh báo lũ sớm một cách chính xác, nhanh chóng để kịp thời cảnh báo với chính quyền địa phương và cộng đồng giúp giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của nhân dân ở vùng hạ du là vô cùng quan trọng.
Có một thực tế đã và đang xảy ra là vào mùa lũ, đối với các công trình cầu hoặc ngầm tràn lớn khi thiết kế đã được tính toán khá chi tiết, do đó khẩu độ và cao độ phần lớn đảm bảo yêu cầu về thoát lũ trong mùa mưa bão, hơn nữa với những công trình này thì thường được đầu tư xây dựng hệ thống cảnh báo lũ đầy đủ, nên vẫn đảm bảo hoạt động an toàn trong mùa mưa lũ. Trong khi đó, đa số các công trình ngầm tràn vừa và nhỏ thì ngược lại, do không được tính toán chi tiết để xác định khẩu độ và cao độ thoát lũ đảm bảo an toàn cộng với việc không thể dự báo trước được tình hình mưa lũ để kịp thời cảnh báo do đó hàng năm vẫn thường xuyên xảy ra ngập lụt và trong số đó có những vụ ngập lụt lớn gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản.
Một vấn đề bất cập khác nữa là hầu hết các ngầm tràn lớn sẽ thì biển báo cũng như bố trí lực lượng canh gác khi xảy ra lũ. Còn các ngầm tràn vừa và nhỏ (chiếm tỷ trọng chủ yếu, khoảng 80-90%) gần như không có người trực bởi lực lượng canh gác tại các ngầm tràn không đủ đáp ứng nhất là trong tình hình mưa lũ diễn biến nhanh, phức tạp cũng như thiếu thông tin dự báo về độ sâu ngập của các ngầm tràn để ưu tiên điều động bố trí lực lượng canh gác tại các điểm xung yếu…
Từ những vụ tai nạn nêu trên cùng với nguyên nhân của nó, có thể thấy rằng nếu như chúng ta có một hệ thống cảnh báo sớm kết hợp với các phương thức truyền tin hiệu quả tới các cơ quan quản lý phòng chống thiên tai, với chính quyền địa phương và người dân để kịp thời phòng chống thì có thể hoàn toàn chủ động ứng phó cũng như giảm thiểu rủi ro, thiệt hại về người và tài sản do ngập lũ gây ra.
Đề giải quyết những vấn đề nêu trên, nhóm nghiên cứu đưa ra ý tưởng áp dụng công nghệ điện tử - viễn thông vào việc cảnh báo sớm tại các ngầm tràn khi có mưa lũ. Cụ thể là nghiên cứu, thiết kế hệ thống tự động đo mực nước trên tràn, xây dựng mô hình cảnh báo ngập lũ dựa vào số liệu đo mực nước và đường quan hệ giữa mực nước và lưu tốc ứng với các cấp lưu lượng sau đó truyền số liệu tức thời về máy chủ, từ đó sẽ đưa ra cảnh báo bằng bảng điện tử, tin nhắn hoặc loa phát thanh tự động. Bên cạnh đó sẽ nghiên cứu, thiết kế hệ thống cảnh báo tự động ứng với các cấp độ rủi ro từ thấp đến cao. Hệ thống cảnh báo sớm tự động này sẽ giúp cho cơ quan quản lý và chính quyền địa phương cũng như người dân sở tại hoặc khách vãng lai có thể chủ động ứng phó một cách kịp thời và hiệu quả, hạn chế được thiệt hại về người và tài sản do ngập lũ tại các ngầm tràn gây ra, ThS. Nguyễn Văn Lực cho biết thêm.
Chính vì vậy, việc thực hiện đề tài “Nghiên cứu đánh giá rủi ro ngập lũ tại các ngầm tràn khu vực miền Trung và đề xuất hệ thống cảnh báo sớm” là hết sức cần thiết và cấp bách.
Mục tiêu của Đề tài nhằm đánh giá được mức độ nguy hiểm và thực trạng cảnh báo của các ngầm tràn ở khu vực miền Trung; Xây dựng được các tiêu chí xác định mức độ nguy hiểm trong mùa lũ của các ngầm tràn; Đưa ra được các giải pháp cảnh báo sớm dựa trên công nghệ thông tin và tự động hóa cho các cụm ngầm tràn, nhằm tăng cường tính chủ động cho các cơ quan phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của chính quyền địa phương…; Xây dựng thí điểm hệ thống cảnh báo sớm cho một khu vực nguy hiểm.
Qua quá trình triển khai các nội dung, Đề tài đã đạt được một số kết quả chính như đánh giá được hiện trạng các công trình ngầm tràn của 14 tỉnh miền Trung trên cơ sở số liệu điều tra về chất lượng công trình, tình hình thiệt hại người, tài sản, điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế xã hội liên quan đến khu vực. Trên cơ sở đó đã xây dựng được 1 bộ CSDL đầy đủ trên nền WebGis làm cơ sở phục vụ công tác nghiên cứu cũng như hỗ trợ các cấp chính quyền và địa phương trong công tác phòng chống thiên tai, đặc biệt là cảnh báo ngập lũ tại các ngầm tràn.
Xây dựng được bộ tiêu chí và các chỉ tiêu xác định được mức độ nguy hiểm của ngầm tràn. Trong đó đã lượng hóa cụ thể các chỉ tiêu về ngập lũ thể hiện qua trị số cột nước và lưu tốc trên ngầm tràn, chỉ tiêu về số người và phương tiện (xét cho xe ô tô, xe máy, và người đi bộ), chỉ tiêu về ổn định, an toàn của công trình và chỉ tiêu về khả năng chống chịu, cũng như mức độ tổn thương của cộng đồng ở quanh khu vực.
Đã đánh giá mức độ nguy hiểm, thực trạng cảnh báo và xây dựng được 1 bộ CSDL ngầm tràn của 14 tỉnh miền Trung bao gồm: (1) 72 ngầm tràn miền Trung dựa trên bộ tiêu chí đã được thiết lập; (2) Đánh giá được thực trạng cảnh báo cũng như chỉ ra được những điểm bất cập trong công tác cảnh báo ngầm tràn; (3) Xây dựng được 1 bộ CSDL đầy đủ trên nền tảng WebGis. Trên cơ sở dữ liệu về bản đồ, các thông tin về ngầm tràn như vị trí, thông số kĩ thuật, một số thông số thủy văn, thủy lực cũng như thông tin về tình hình thiệt hại đã xảy ra, tích hợp các quan hệ giữa cột nước, lưu tốc tương ứng với các cấp lưu lượng.
Đề xuất được hệ thống cảnh báo sớm ngầm lũ tại ngầm tràn và phương thức truyền tin; Ứng dụng thử nghiệm thành công một mô hình mẫu hệ thống cảnh báo sớm ngập lũ cụm ngầm tràn sông Trường - sông Oa huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam. Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu đã tiến hành khảo sát, tính toán thiết kế, thi công vận hành mô hình cảnh báo sớm ngập lũ cụm ngầm tràn tại 1 công trình thường xuyên xảy ra ngập lũ và rất nguy hiểm tại tỉnh Quảng Nam.
Đề tài đã biên soạn được 1 sổ tay hướng dẫn thiết kế, thi công và quản lý vận hành. Nội dung sổ tay được biên soạn theo mẫu quy định trong đó thể hiện đầy đủ chi tiết quy trình khảo sát, thiết kế, chỉ dẫn kỹ thuật, biện pháp thi công, lắp đặt đối với từng hạng mục cũng như hướng dẫn quy trình vận hành, bảo trì, bảo dưỡng của hệ thống cảnh báo sớm.
GS.TS. Trần Thục - Chủ tịch Hội đồng phát biểu kết luận tại buổi họp (ngồi thứ 3 từ trái sang)
Sau khi nghe các ý kiến phản biện, nhận xét của các thành viên Hội đồng, GS.TS. Trần Thục - Chủ tịch Hội đồng kết luận: Đề tài đã thực hiện đầy đủ các nội dung nghiên cứu và sản phẩm theo yêu cầu đặt hàng; các phương pháp, công cụ thực hiện phù hợp, đảm bảo độ tin cậy; các sản phẩm khoa học đạt chất lượng tốt; Đề tài đã xây dựng được cơ sở dữ liệu ngầm tràn miền Trung, xếp loại theo mức độ nguy hiểm trước gặp lũ; xây dựng được 01 mô hình thực tế hệ thống cảnh báo tại ngầm tràn huyện Bắc Trà My - tỉnh Quảng Nam.
Chủ tịch Hội đồng yêu cầu chủ nhiệm Đề tài cần rà soát cấu trúc các chương của báo cáo; chỉnh sửa phần tổng quan, sổ tay theo mẫu quy định; bổ sung kinh nghiệm thế giới về rủi ro ngầm tràn, nguồn trích dẫn tham khảo các công thức hệ số và lý giải việc lựa chọn các công thức, giá trị các hệ số đã sử dụng; làm rõ khả năng nhân rộng của mô hình trình diễn, cơ sở và đề xuất cấp độ cảnh báo, sự tham gia của các đơn vị quản lý giao thông; chỉnh sửa kết luận, kiến nghị, lỗi trình bày…
Cuối cùng, thay mặt Hội đồng, GS.TS. Trần Thục - Chủ tịch Hội đồng đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ nghiệm thu kết quả của Đề tài sau khi hoàn thiện, chỉnh sửa theo các kết luận của Hội đồng.
Ý kiến góp ý: