TextBody
Huy chương 2

Họp Hội đồng nghiệm thu cơ sở đề tài cấp Bộ

02/08/2018

Ngày 01/8/2018, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã tổ chức họp Hội đồng tư vấn tự đánh giá kết quả đề tài cấp Bộ “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ GIS và viễn thám xây dựng hệ thống thông tin quản lý hệ thống đê Việt Nam, theo dõi quá trình sạt lở, bồi lắng của bờ sông, bờ biển và cảnh báo nguy cơ mất an toàn đê” do TSKH. Nguyễn Đăng Vỹ - Trung tâm Công nghệ Phần mềm Thủy lợi chủ nhiệm.

Theo Chủ nhiệm Đề tài, TSKH. Nguyễn Đăng Vỹ báo cáo trước Hội đồng về tính cấp thiết của Đề tài cho biết: “Trong thời gian gần đây, biến động của các dòng sông, của bờ sông, bờ biển có ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn của hệ thống đê diễn biến ngày càng phức tạp làm thay đổi hoàn toàn tính chất của các dòng chảy của các con sông. Sự xuất hiện các công trình chặn dòng, nắn dòng ở thượng nguồn đã làm cho tính chất của các dòng chảy của các con con sông thay đổi rất lớn, có những nơi mang tính đột biến, gây ra các hiện tượng xói lở, bồi lắng cực đoan, dẫn đến việc mất an toàn của các con đê ven sông, ven biển. Ngoài ra, vi phạm hành lang bảo vệ đê cũng là nguyên nhân đang gây ra mất an toàn cho đê và thể hiện khá rõ tại các tuyến đê Nam Định và là mối quan tâm rất lớn của Chi cục Thuỷ lợi.

Trong tình hình như vậy, theo dõi quá trình bồi lắng, sạt lở của các đường bờ sông, bờ biển, quản lý hành lang an toàn đê, dự đoán tác động của những quá trình này đến an toàn của hệ thống đê nhằm sớm có giải pháp thích hợp để bảo vệ đê là một nhiệm vụ hết sức quan trọng. Hiên nay, Việt Nam đang thiếu một hệ thống thông tin để có thể lưu trữ dưới dạng này hay dạng khác hình ảnh về hiện trạng của đường bờ trong chiều dài lịch sử của nó, trên cơ sở đó có thể so sánh, đánh giá, kết luận được xu thế của quá trình bồi lắng hay sạt lở một cách toàn diện.

Bên cạnh đó, do lực lượng cán bộ địa phương có trách nhiệm theo dõi, giám sát đê điều có hạn, lại phải thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, cho nên việc thu thập, cung cấp thông tin lên cấp trên về diễn biến sạt lở đường bờ sông, bờ biển, cảnh báo về nguy cơ các khu vực sạt lở có thể gây ra cho đê không phải lúc nào cũng đầy đủ, kịp thời.

Để có thể khắc phục những khó khăn, hạn chế nói trên, cung cấp cho các cơ quan chức năng bức tranh toàn cảnh về diễn biến theo thời gian các quá trình bồi lắng, sạt lở của hệ thống bờ sông, bờ biển và nguy cơ mất an toàn của các con đê do các hiện tượng sạt lở gây ra, giảm bớt sự phụ thuộc vào các thông tin được cung cấp từ các địa phương trong điều kiện lực lượng và trình độ của hệ thống cán bộ địa phương không thể đáp ứng, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ thông tin địa lý (GIS) và công nghệ viễn thám là giải pháp hợp lý nhất trong tình hình và xu thế phát triển hiện nay của khoa học công nghệ.

 

Hệ thống thông tin địa lý được xây dựng trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ GIS với các chức năng quản lý bản đồ địa lý hệ thống đê sông và đê biển, các mặt cắt đê, tính năng kỹ thuật của đê, quản lý kết quả đo sâu (trắc ngang) của các con sông qua từng thời kỳ, quản lý các công trình liên quan đến đê như cống qua đê, điếm canh đê, kè, mỏ hàn, trạm bơm, trạm đo mưa, trạm đo mực nước... và sử dụng ảnh viễn thám làm nguồn dữ liệu đầu vào để theo dõi diễn biến bồi lắng, sạt lở của đường bờ sông, bờ biển theo thời gian, phân tích khả năng xuất hiện nguy cơ mất an toàn của đê do các quá trình sạt lở của đường bờ đem lại sẽ nâng cao tính chủ động về thông tin của các cơ quan chức năng quản lý đê điều, phòng chống bão lụt của các địa phương và trung ương, làm cơ sở để các cơ quan đó có được những giải pháp kịp thời, hiệu quả để đảm bảo an toàn cho hệ thống đê. Đó cũng chính là mục tiêu cần đạt được của Đề tài khoa học và phát triển công nghệ “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ GIS và viễn thám xây dựng hệ thống thông tin quản lý hệ thống đê Việt Nam, theo dõi quá trình sạt lở, bồi lắng của bờ sông, bờ biển và cảnh báo nguy cơ mất an toàn của đê”, Chủ nhiệm Đề tài cho biết thêm.

Chủ nhiệm Đề tài TSKH. Nguyễn Đăng Vỹ báo cáo kết quả của Đề tài trước Hội đồng

Trên cơ sở đó, Đề tài đã thực hiện một số nội dung chính như thiết kế hệ thống GIS-viễn thám quản lý hệ thống đê Việt Nam và xây dựng cơ sở dữ liệu GIS của hệ thống; nghiên cứu sử dụng ảnh viễn thám theo dõi quá trình sạt lở, bồi lắng đường bờ sông, bờ biển và cảnh báo nguy cơ mất an toàn của đê do sạt lở đường bờ gây ra; xây dựng hệ thống GIS-viễn thám quản lý hệ thống đê trên địa bàn tỉnh Nam Định; Đào tạo sử dụng hệ thống GIS-viễn thám quản lý đê và chuyển giao công nghệ.

Sau thời gian triển khai những nội dung trên, đề tài đã xây dựng thành công hệ thống thông tin GIS-Viễn thám quản lý hệ thống đê Việt Nam ứng dụng thí điểm tại Nam Định theo dõi quá trình sạt lở, bồi lắng của bờ sông, bờ biển và cảnh báo nguy cơ mất an toàn của đê, bao gồm: (1) Cơ sở dữ liệu lưu trữ như các lớp bản đồ nền GIS tỉnh Nam Định tỷ lệ 1:2000 khu vực thành phố và tỷ lệ 1:10000 các huyện còn lại, bản đồ đê tỉnh Nam Định tỷ lệ 1:10000, bản đồ các công trình liên quan, dữ liệu thuộc tính của đê và các công trình liên quan, các kết quả đo sâu (trắc ngang) lòng sông Nam Định qua từng thời kỳ; Kết quả giải đoán ảnh viễn thám về hiện trạng đường bờ sông, bờ biển Nam Định, các lớp rừng ngập mặn, công trình ngoài đê; (2) Các module phần mềm cập nhật kết quả giải đoán ảnh viễn thám về hiện trạng bờ sông, bờ biển qua từng thời kỳ vào cơ sở dữ liệu chung của hệ thống, tự động phân tích các chỉ số ảnh viễn thám để nhận biết thảm thực vật và cập nhật kết quả phân tích vào CSDL; (3) Các module phần mềm quản lý thông tin các công trình trên đê, mặt cắt đê; quản lý kết quả đo sâu lòng sông; quản lý kết quả giải đoán ảnh viễn thám về hiện trạng đường bờ; dự báo xu hướng và tốc độ sạt lở, bồi lắng của đường bờ căn cứ vào kết quả giải đoán ảnh viễn thám nhiều năm; quản lý tài khoản người dùng; (4) Các module phần mềm tính chuyển trực tuyến bản đồ từ hệ toạ độ VN2000 về WGS84 Web Mercator và ngược lại, cho phép truy vấn, chồng ghép bản đồ của hệ thống GIS-viễn thám quản lý đê điều với các lớp bản đồ, ảnh vệ tinh được chia sẻ từ các nguồn của Microsoft bing maps, Google Satellite, Open Streets Map; (5) Các module phần mềm cho phép cán bộ quản lý đê điều có thể dùng điện thoại thông minh quay phim, chụp ảnh hiện trạng đê,  những nơi có sự cố xảy ra với đê, tình hình thiên tai và cập nhật trực tiếp lên hệ thống quản lý đê, rút ngắn thời gian báo cáo, đưa tin trong các điều kiện cấp bách; (6) Đã đào tạo cho 52 cán bộ của Chi cục Thuỷ lợi và các đơn vị liên quan thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Nam Định sử dụng thành thạo hệ thống GIS-viễn thám, kể cả các chức năng của hệ thống được bổ sung theo yêu cầu của Chi cục; (7) Các tài liệu hướng dẫn sử dụng, quy trình vận hành hệ thống và phương án triển khai ứng dụng với quy mô toàn quốc; (8) Tham gia đào tạo 01 Thạc sỹ và 01 Tiến sỹ.

Chủ tịch Hội đồng GS.TS. Trần Đình Hòa - Phó Giám đốc Viện phát biểu tại buổi họp

 

Thay mặt Hội đồng, Chủ tịch Hội đồng GS.TS. Trần Đình Hòa - Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam kết luận: Đề tài đạt chất lượng và vượt yêu cầu đề ra, đầy đủ sản phẩm, số lượng, khối lượng so với đơn đặt hàng; các phương pháp nghiên cứu hiện đại, tiên tiến; báo cáo được trình bày cụ thể, chi tiết về các nhiệm vụ cũng như các kết quả đạt được trong quá trình xây dựng và phát triển hệ thống thông tin GIS-Viễn thám; các tài liệu công nghệ như thiết kế, hướng dẫn sử dụng đầy đủ, chi tiết…

Đề tài có tác động tốt về kinh tế xã hội, được xây dựng trên nền tảng phần mềm mã nguồn mở, hệ thống không chỉ cho phép cập nhật cơ sở dữ liệu GIS-Viễn thám đối với các tổ chức đo đạc bản đồ chuyên nghiệp mà còn tạo điều kiện cho các thành phần xã hội cung cấp tức thời các tư liệu ảnh về hiện tượng bất thường xảy ra liên quan đến dữ liệu chuyên đề bằng các thiết bị di động thông minh. Đây là bước nghiên cứu quan trọng ban đầu, làm cơ sở để tiến tới khai thác tính ưu việt của công tác cập nhật cơ sở dữ liệu GIS - Viễn thám trực tuyến và mở rộng phạm vi thu nhận và cập nhật thông tin đa dạng từ cộng đồng người sử dụng để tăng giá trị sử dụng dữ liệu GIS-Viễn thám phục vụ nhu cầu xã hội.

Chủ tịch Hội đồng yêu cầu Chủ nhiệm Đề tài chỉnh sửa bố cục báo cáo tổng hợp, phần kết luận; làm rõ sản phẩm về cảnh báo theo mức độ, phạm vi; bổ sung thêm về các chỉ số để tăng hàm lượng khoa học; lưu ý việc kết nối cơ sở dữ liệu của đề tài với cơ sở dữ liệu quốc gia; tập huấn thêm cho cán bộ đê điều.

Đề tài nghiệm thu đạt yêu cầu.

Ý kiến góp ý: