Họp Hội đồng nghiệm thu cơ sở đề tài cấp Bộ “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ GIS trong quản lý sản xuất lúa ở vùng đồng bằng sông Cửu Long”
25/02/2014Ngày 20/2/2014, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã tổ chức Họp hội đồng nghiệm thu cơ sở đề tài cấp Bộ "Nghiên cứu ứng dụng công nghệ GIS trong sản xuất lúa ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) do TSKH. Nguyễn Đăng Vỹ - Trung tâm Công nghệ Phần mềm Thủy lợi làm chủ nhiệm đề tài.
Nhờ có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc sản xuất lương thực và nhờ có đường lối chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước và sự cố gắng, nỗ lực của toàn dân, nước ta đã từ một nước thiếu lương thực trở thành một nước xuất khẩu gạo nhiều thứ hai trên thế giới. Tuy nhiên, việc thay đổi cơ chế sản xuất nông nghiệp nhằm thúc đẩy sự phát triển của sản xuất, một mặt đã đem lại những hiệu quả to lớn, mặt khác cũng đang tạo ra nhiều bất cập đòi hỏi cần có những điều chỉnh trong công tác quản lý để bảo đảm sự phát triển bền vững. Một số bất cập có thể kể đến như thiếu hệ thống thông tin nhiều chiều kết nối với những người sản xuất, các doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ và các nhà quản lý dẫn đến việc sản phẩm có những lúc bị dự thừa, trong nước không tiêu thụ hết, chất lượng không đáp ứng yêu cầu của thị trường ngoài nước để xuất khẩu, người nông dân bị thiệt hại lớn, bên cạnh đó đối với các doanh nghiệp, các nhà quản lý việc nắm bắt thông tin theo kiểu cũ, báo cáo tổng hợp số liệu từ dưới lên không còn phù hợp nữa, việc nắm bắt thông tin theo kiểu này không đáp ứng được yêu cầu về thời gian, mặt khác thông tin được xử lý qua nhiều cấp bị ảnh hưởng của ý muốn chủ quan của người xử lý, dẫn đến sai lệch, không phản ánh đúng thực tiễn, từ đó dẫn đến việc hoạch định chính sách không hợp lý, đưa ra những dự báo thiếu chính xác, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của xã hội. Xuất phát từ những bất cập và những yêu cầu cấp thiết trong công tác theo dõi tình hình sản xuất, cần thiết phải có một hệ thống thông tin được xây dựng trên nền tảng công nghệ tiên tiến để lưu trữ các loại dữ liệu về tình hình sản xuất, được cập nhật thông tin thường xuyên, có chức năng dữ liệu, cung cấp cho cả người quản lý và người sản xuất những thông tin, những kết quả phân tích có độ tin cậy cao. Tuy nhiên, xây dựng một hệ thống thông tin quản lý, phân tích dữ liệu cho tất cả các ngành, nghề nông nghiệp với quy mô toàn quốc là một công việc đòi hỏi nhiều công sức và thời gian, khó có thể tiến hành trong cùng một lúc mà cần phải làm từng bước và có bước thử nghiệm ban đầu. Đề tài khoa học và phát triển công nghệ “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ GIS trong quản lý sản xuất lúa ở vùng đồng bằng sông Cửu Long” chính là bước khởi đầu đó.
Với mục tiêu nghiên cứu xây dựng phần mềm mở dưới dạng hệ thống WebGIS vận hành trên mạng Internet với các chức năng như cập nhật, lưu trữ dữ liệu về tình hình sản xuất lúa ở vùng ĐBSCL, dự báo năng suất và sản lượng lúa, xây dựng các loại bản đồ hiện trạng, dự báo, cảnh báo; đào tạo, tập huấn sử dụng hệ thống cho 200-250 lượt cán bộ quảnl ý ở ĐBSCL, triển khai ứng dụng hệ thống vào công tác quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cá tỉnh thuộc vùng ĐBSCL.
Các kết quả nghiên cứu đề tài đã đạt được đó là: (1) Tìm hiểu, nghiên cứu, so sánh các công nghệ nền thuộc các lĩnh vực quản trị dữ liệu thuộc tính, quản trị dữ liệu bản đồ, xử lý dữ liệu bản đồ và phân phát bản đồ trên mạng Internet và đưa ra lựa chọn tối ưu tổ hợp các sản phẩm đó để xây dựng hệ thống WebGIS quản lý sản xuất lúa; (2) Đưa ra cách tiếp cận mới để phân tích các chỉ số trên ảnh viễn thám MODIS, kết hợp với công nghệ GIS để nhận biết lúa trên ruộng đạt độ chính xác cao, 95-98% so với diện tích thực tế cho các xã thuần lúa và 92-94% cho các xã có lúa lẫn màu. Đặc biệt toàn bộ quá trình này được tự động hóa bằng phần mềm xử lý ảnh viễn thám MODIS do đề tài nghiên cứu, xây dựng và cộng thêm với tính miễn phí của ảnh MODIS làm cho việc triển khai ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn quản lý sản xuất lúa có tính kahr thi cao xét từ góc độ kinh tế - kỹ thuật. Phần mềm cho phép duy trì hệ thống WebGIS với chi phí hàng năm khoảng 1,5 tỷ đồng cho cả 13 tỉnh ĐBSCL ngay cả khi không có số liệu cập nhật từ địa phương lên; (3) Nghiên cứu, tìm hiểu mối quan hệ giữa năng suất lúa và các yếu tố tự nhiên, gieo trồng, chăm bón, giữa năng suất lúa và giá trị sinh khối lúa NDVI để đưa ra các phương pháp dự báo năng suất lúa.
Thay mặt Hội đồng, PGS.TS. Lê Mạnh Hùng - Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã đánh giá cao các kết quả đạt được của Đề tài. Đề tài có tính thực tiễn và có giá trị khoa học xuất sắc trong nước, so sánh được với những kết quả nghiên cứu tương tự trình độ quốc tế. Đề tài có tính mới, từ trước tới nay chưa có công trình nghiên cứu ứng dụng công nghệ GIS nào để quản lý sản xuất lúa với đầy đủ các chứa năng cập nhật số liệu điều tra chi tiết đến từng cấp xã, cánh đồng, thử ruộng... cho độ tin cậy cao trên 92%. Hơn nữa, đề tài được xây dựng trên cơ sở sử dụng các sản phẩm phần mềm mã nguồn mở nên đã tiết kiệm được một số lượng lớn chi phí so với mua sản phẩm thương mại có tính năng tương đương của nước ngoài. Phương pháp nghiên của đề tài phù hợp, khoa học và chính xác. Tác giả có trình độ cao trong việc sử dụng các thuật toán như thống kê, mô hình tương tự, phương pháp nhận dạng và quan hệ đa chiều để có kết quả chính xác, nhanh chóng. Đề tài đã ứng dụng cho 13 tỉnh thuộc ĐBSCL với kết quả truy cập nhanh, cho mọi đối tượng sử dụng có trình độ khác nhau; cho độ tin cậy cao và chính xác đến 95-98% khi thuần lúa, 92-94% khi xen lẫn. Sản phẩm đề tài có các chỉ tiêu kỹ thuật đạt chuẩn trong nước và khu vực, có hiệu quả kinh tế cao, có triển vọng áp dụng rộng rãi trong nước. Đề tài giúp nâng cao năng lực và nhận thức về công nghệ GIS và viễn thám, tính cần thiết phải sử dụng các công nghệ này vào sản xuất. Kết quả của đề tài đã được công bố và trình bày ở các hội nghị khoa học ở Bắc Trung Bộ, ở ĐBSCL và các tạp chí KHCN chuyên ngành. Đề tài đã góp phần đào tạo được 02 thạc sỹ về công nghệ viễn thám...
Đề tài nghiệm thu đạt xuất sắc.
Ý kiến góp ý: