TextBody
Huy chương 2

Họp Hội đồng nghiệm thu cơ sở Đề tài cấp Quốc gia - ĐTĐL.CN-49/18

08/11/2021

Sáng ngày 5/11/2021, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam tổ chức họp nghiệm thu cơ sở đề tài cấp Quốc gia “Nghiên cứu giải pháp mềm bảo vệ bờ, vùng cửa sông, ven biển bán đảo Cà Mau”. Mã số đề tài: ĐTĐL.CN-49/18  do ThS. Mai Trọng Luân - Viện Sinh thái và Bảo vệ Công trình chủ nhiệm.

Tham dự buổi họp có GS.TS. Trần Đình Hòa - Chủ tịch Hội đồng - Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam và các thành viên trong Hội đồng; PGS.TS. Nguyễn Thanh Bằng - Trưởng Ban Kế hoạch Tổng hợp; ThS. Nguyễn Thu Thảo - Trưởng Ban Tài chính Kế toán; PGS.TS. Nguyễn Quốc Huy - Viện trưởng Viện Sinh thái và Bảo vệ Công trình; Các thành viên trong nhóm thực hiện Đề tài nghiên cứu.

Báo cáo trước Hội đồng, ThS. Mai Trọng Luân - Chủ nhiệm Đề tài cho biết mục tiêu của Đề tài nhằm đánh giá được hiệu quả, tồn tại của các giải pháp đã áp dụng và đề xuất được giải pháp mềm; Xây dựng được bộ tiêu chí để xác định các vị trí áp dụng giải pháp mềm; Áp dụng triển khai được 01 mô hình giải pháp mềm.

Qua quá trình triển khai 06 nội dung nghiên cứu từ tháng 12/2018 đến tháng 10/2021 đề tài đã đạt được một số kết quả có thể kể đến là đề xuất được giải pháp mềm bảo vệ bờ vùng cửa sông, ven biển bán đảo Cà Mau bao gồm giải pháp khôi phục hệ sinh thái tự nhiên và giải pháp công trình thuận với tự nhiên; Đánh giá được ưu, nhược điểm của giải pháp bảo vệ bờ vùng cửa sông, ven biển bán đảo Cà Mau.

Xây dựng được bộ số liệu về điều kiện tự nhiên liên quan đến giải pháp mềm vùng cửa sông, ven biển, bao gồm bộ số liệu: hiện trạng các điều kiện liên quan đến giải pháp mềm bảo vệ bờ như khí tượng, địa hình, địa chất, thủy, hải văn, thực trạng, xu thế biến động, cơ chế và nguyên nhân bồi xói, các giải pháp bảo vệ bờ đã áp dụng, hiện trạng cây ngập mặn tại khu vực bán đảo Cà Mau.

Tính toán điều kiện thủy thạch động lực và cơ chế vận chuyển bùn cát đặc trưng cho khu vực bán đảo Cà Mau về chế độ thủy động lực, chế độ sóng, dòng chảy và cơ chế vận chuyển bùn cát làm cơ sở khoa học cho việc đề xuất giải pháp mềm phù hợp trong phạm vi áp dụng cho phép.

Xây dựng được cơ sở khoa học và nguyên lý của giải pháp mềm để bảo vệ bờ vùng cửa sông, ven biển bán đảo Cà Mau và kết cấu, vật liệu sử dụng trong giải pháp.

Xây dựng được bộ tiêu chí gồm 16 tiêu chí thuộc 03 nhóm tiêu chí về điều kiện tự nhiên, điều kiện sinh trưởng và phát triển của cây ngập mặn, điều kiện làm việc của công trình thuận với tự nhiên để xác định vị trí áp dụng giải pháp mềm.

Xây dựng được 01 mô hình giải pháp mềm bảo vệ bờ vùng cửa sông ven biển tại khu vực xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau gồm 02 hạng mục: (1) Công trình hỗ trợ trồng phục hồi cây ngập mặn là dạng hàng rào cọc tre được gia cố bằng cọc bê tông, với chiều dài tuyến bảo vệ 500m; (2) Trồng phục hồi rừng ngập mặn với 2,5 ha cây mắm biển, mật độ 2.500 cây/ha.

Công bố 06 bài báo, trong đó có 02 bài báo quốc tế (01 bài ISI, 01 bài Scopus), 04 bài báo (02 bài báo đăng trên Tạp chí uy tín trong nước, 02 bài đăng trên Hội nghị, Hội thảo khoa học) và đào tạo 02 thạc sĩ, hỗ trợ đào tạo 01 NCS.

01 Giải pháp hữu ích về giải pháp mềm bảo vê giải pháp mềm bảo vệ bờ vùng cửa sông, ven biển bán đảo Cà Mau.

Nhằm triển khai áp dụng các giải pháp của Đề tài đã nghiên cứu, Chủ nhiệm Đề tài đề nghị cần tiến hành triển khai thử nghiệm giải pháp công trình bảo vệ bờ bằng kết cấu CT3N-WIP1 để đánh giá tính khả thi, hiệu quả của giải pháp bằng cơ sở thực tiễn và hoàn thiện công nghệ. Ngoài ra, kiến nghị với các địa phương trong khu vực xem xét triển khai áp dụng các kết quả nghiên cứu cuẩ đề tài để phát triển nhân rộng mô hình để bảo vệ bờ vùng cửa sông, ven biển cho những khu vực có điều kiện tương tự.

Thay mặt Hội đồng, GS.TS. Trần Đình Hòa - Chủ tịch Hội đồng cho biết đề tài có giá trị khoa học và thực tiễn cao; Cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu hiện đại, toàn diện, phù hợp với tính chất, nội dung và mục tiêu nghiên cứu của Đề tài đã đặt ra; Đề tài đã bám sát đề cương, mục tiêu nghiên cứu theo đặt hàng; Sản phẩm nghiên cứu của Đề tài đầy đủ về chủng loại, khối lượng, chất lượng của Đề tài tốt và có một số nội dung đã vượt mức so với đặt hàng như bài báo khoa học, đào tạo thạc sỹ, hội thảo trong nước, hội thảo quóc tế.

GS.TS. Trần Đình Hòa - Chủ tịch Hội đồng đã đánh giá cao các kết quả đạt được của Đề tài. Đề tài đã bổ sung vào thực tế các kết quả nghiên cứu về lý luận, phương pháp luận, cơ sở dữ liệu, các giải pháp công nghệ bảo vệ bờ như tường giảm sóng, rừng ngập mặn; Đã phục hồi được 2,5 hecta rừng để bảo vệ bờ, cải thiện môi trường hệ sinh thái trong vùng ven biển Cà Mau và việc phục hồi này là sự đóng góp lớn của Đề tài đối với tỉnh Cầ Mau nói riêng và bản đảo Cà Mau nói chung; Đề tài nằm trong cụm Đề tài hợp tác với CHLB Đức do vậy đã nâng cao được nhận thức, đào tạo nguồn nhân lực cho cơ quan chủ trì, các cán bộ tham gia nghiên cứu; Xây dựng được bộ tiêu chí mở xác định vị trí áp dụng giải pháp mềm.

GS.TS. Trần Đình Hòa - Chủ tịch Hội đồng đề nghị Chủ nhiệm và nhóm nghiên cứu cần bổ sung báo cáo về kết quả nghiên cứu và hợp tác với CHLB Đức; Chuẩn hóa thuật ngữ, nguồn tài liệu tham khảo, trích dẫn, bảng biểu cần đầy đủ, có nguồn gốc; chỉnh sửa kết quả nghiên cứu chi tiết hơn, lỗi chính tả, in ấn; làm rõ những đóng góp của Đề tài theo mục tiêu nghiên cứu và các sản phẩm chính đã đặt ra; Hoàn thiện bổ sung thêm nội dung tính toán thủy thạch động lực; Các nội dung nghiên cứu chính cần phân tích đánh giá có cơ sở khoa học và thực tiễn; Xem xét và bổ sung thêm phân tích trong việc sử dụng giữa mô hình toán và mô hình vật lý.

Hội đồng yêu cầu Chủ nhiệm Đề tài chỉnh sửa, bổ sung theo các ý kiến góp ý của các thành viên trong Hội đồng và hoàn thiện các thủ tục theo quy định.

Đề tài nghiệm thu đạt yêu cầu.

Ý kiến góp ý: