TextBody
Huy chương 2

Họp Hội đồng nghiệm thu cơ sở đề tài KHCN cấp Bộ

18/05/2015

Ngày 15/5/2015, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã tổ chức Hội đồng nghiệm thu cơ sở đề tài khoa học công nghệ cấp Bộ "Nghiên cứu chế tạo thiết bị đo mặn và tích hợp hệ thống giám sát xâm nhập mặn trên các hệ thống thủy lợi vùng ven biển đồng bằng sông Hồng" do ThS. Nguyễn Quốc Hiệp - Trung tâm Công nghệ Phần mềm Thủy lợi chủ nhiệm.

Vùng đồng bằng sông Hồng, nơi phụ thuộc chủ yếu vào nguồn nước từ sông Hồng. Khác với mùa lũ, dòng chảy sông Hồng - Thái Bình trong mùa kiệt chủ yếu được điều tiết qua hệ thống hồ chứa Hòa Bình (Sông Đà), hồ Sơn La (sông Đà), Thác Bà (sông Chảy), Tuyên Quang (sông Gâm). Một trong những mục tiêu  của hệ thống hồ chứa là điều tiết tăng lượng dòng chảy cạn phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, cấp nước sinh hoạt giao thông thủy và đẩy mặn. Tuy nhiên, theo kết quả nghiên cứu từ năm 2003 trở lại đây cho thấy, dòng chảy mùa kiệt trên toàn hệ thống sông Hồng - Thái Bình giảm liên tục và đã giảm xuống tới mức thấp nhất lịch sử, nước mặn đã lấn sâu vào sông. Ranh giới mặn xâm nhập ngày càng sâu vào trông các sông Hồng, sông Ninh Cơ và sông Đáy. Đặc biệt trong tháng 1/2006, trên tất cả 3 vùng cửa sông, mặn xâm nhập sâu đến mức kỷ lục. Như vậy, vấn đề đặt ra là cần phải giám sát độ mặn chặt chẽ để lấy được nước ngọt từ các sông phục vụ sản xuất nông nghiệp, tránh bị ảnh hưởng mặn làm giảm năng suất cây trồng. Mặt khác, hiện nay, các Công ty KTCTTL vùng ảnh hưởng mặn chủ yếu đối phó với hiện tượng xâm nhập mặn bằng biện pháp thủ công và biện pháp này thường cho kết quả không chính xác, công nhân phải làm việc vất vả và gây ô nhiễm môi trường.

Từ nhu cầu bức xúc của thực tế nêu trên, Ở Việt Nam có một số đơn vị đã bước đầu nghiên cứu xây dựng các hệ thống giám sát độ mặn tự động, tuy nhiên các hệ thống còn có một số tồn tại nhất định. Đặc biệt chưa có đơn vị nào nghiên cứu chế tạo thiết bị đo độ mặn, đây là thiết bị cần dùng với số lượng rất lớn để đáp ứng yêu cầu thực tế, xây dựng hệ thống giám sát độ mặn tự động phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và các ngành kinh tế khác. Vì vậy việc thực hiện đề tài  “Nghiên cứu chế tạo thiết bị đo mặn và tích hợp hệ thống giám sát xâm nhập mặn trên các hệ thống thủy lợi vùng ven biển đồng bằng sông Hồng” là cần thiết và mang ý nghĩa kinh tế, kỹ thuật sâu sắc.

Mục tiêu của Đề tài là chế tạo được thiết bị đo độ mặn với chất lượng tương đương nhập ngoại, giá thành giảm ít nhất 30% và thiết kế được hệ thống giám sát xâm nhập mặn trên hệ thống thủy lợi vùng ven biển trên đồng bằng sông Hồng phục vụ quản lý, vận hành hệ thống thủy lợi cấp nước an toàn cho sản xuất nông nghiệp và các nhu cầu khác.

Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã đạt được các kết quả chính như: (1) Thiết bị đo độ mặn 3 bộ; (2) Xây dựng 01 Phần mềm quản lý, giám sát và cảnh báo xâm thực mặn dựa trên công nghệ WebGis; (3) Cơ sở dữ liệu của phần mềm; (4) 01 tập bản vẽ thiết kế, lắp đặt thiết bị cho 3 trạm thử nghiệm; (5) Đã xây dựng hệ thống giám sát mặn hệ thống thủy nông Xuân Thủy - Nam Định; (6) Đề án thiết kế hệ thống giám sát xâm nhập mặn trên hệ thống thủy lợi vùng ven biển trên đồng bằng sông Hồng; (7) Đã đăng 01 bài báo giới thiệu kết quả nghiên cứu và ứng dụng và 01 báo cáo tổng kết đề tài và các báo cáo định kỳ.

Thay mặt Hội đồng, GS.TS. Trần Đình Hòa - Chủ tịch Hội đồng đã phát biểu và đánh giá cao kết quả của Đề tài. Đề tài đầy đủ các nội dung, số lượng, chủng loại và khối lượng đảm bảo theo đúng yêu cầu của đề cương và hợp đồng đã ký kết. Đề tài có ý nghĩa khoa học và thực tiễn, có hiệu quả về kinh tế xã hội, tiết kiệm được nước phục vụ sản xuất, giảm thiểu tối đa nhân lực phục vụ công việc đo độ mặn, tăng được thời gian mở cống. Phương pháp nghiên cứu phù hợp, sản phẩm của Đề tài có chất lượng tốt, kết quả nghiên cứu bước đầu đã đạt được một số tiêu chí tương đương sản phẩm cùng loại của quốc tế, giá thành thấp hơn nhiều so với nhập ngoại, sản phẩm có triển vọng áp dụng rộng rãi vào thực tế, kết quả nghiên cứu của Đề tài góp phần đào tạo, bổ sung kiến thức cho đội ngũ cán bộ nghiên cứu của Viện. Chủ nhiệm Đề tài cần chỉnh sửa báo cáo tổng hợp, bản vẽ thiết kế, đánh giá sai số của thiết bị để tăng thêm độ tin cậy, so sánh thiết bị với sản phẩm cùng loại, bổ sung thông tin về số lượng trạm đo và bổ sung thêm phần trích dẫn tài liệu tham khảo...

Chủ tịch Hội đồng yêu cầu Chủ nhiệm Đề tài chỉnh sửa, bổ sung theo những ý kiến góp ý của các thành viên Hội đồng.

Đề tài đạt nghiệm thu loại khá.

Ý kiến góp ý: