Họp Hội đồng nghiệm thu cơ sở đề tài khoa học công nghệ cấp Bộ
30/12/2014Ngày 29/12/2014, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã tổ chức họp Hội đồng nghiệm thu cơ sở đề tài khoa học công nghệ cấp Bộ "Nghiên cứu rủi ro tổng hợp (ngập lụt, xói lở, bồi lắng) do lũ, bão đối với cửa sông và ven bờ biển các tỉnh miền Trung và đề xuất các giải pháp giảm thiểu" do PGS.TS. Trương Văn Bốn - Phòng Thí nghiệm trọng điểm Quốc gia về Động lực học sông biển chủ nhiệm.
Các cửa sông miền Trung đều có đặc điểm chung có độ dốc lớn, mưa lũ đổ về hạ nguồn nhanh chóng tập trung đổ ra ngoài cửa, theo số liệu thống kê khoảng 70% lưu lượng cả năm vào mùa lũ. Với đặc điểm thủy triều tại hầu hết các khu vực miền Trung không mạnh nên các cửa sông miền Trung dịch chuyển và bồi lấp chủ yếu do các quá trình tác động của sóng và lũ. Hàng năm, miền Trung có nhiều trận bão đổ bộ vào với tốc độ gió mạnh và chiều cao sóng lớn gây thiệt hại lớn về người và của, gây thiệt hại to lớn cho nền kinh tế của khu vực. Mặt khác, các cửa sông đều có vai trò quan trọng để tiêu thoát lũ, giao thông thủy, phát triển kinh tế ven biển và an ninh quốc phòng. Các cửa sông và vùng ven bờ biển cũng là nơi tập trung dân cư đông đúc, các cơ sở chế biến hải sản, các công trình quốc phòng cầu cảng v..v. Do đó việc nghiên cứu rủi ro do ngập lụt và bồi, xói là rất cần thiết và cấp bách thực tiễn đòi hỏi. Mục tiêu của Đề tài là đánh giá được rủi ro tổng hợp do bão, lũ gây ra đối với cửa sông ven bờ biển miền Trung; đánh giá được ảnh hưởng công trình hạ tầng đến thoát lũ và đề xuất giải pháp giảm thiểu làm cơ sở rà soát, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của vùng cửa sông Nhật Lệ trong điều kiện biến đổi khí hậu; đề xuất được các giải pháp tăng khả năng thoát lũ, chống bồi lấp cửa sông kết hợp nuôi bãi nhân tạo chống xói lở bờ biển do bão, lũ gây ra. Đề tài đã đạt được các kết quả chính như: (1) Bộ cơ sở dữ liệu về địa hình, khí tượng thủy hải văn, ngập lụt, xói lở, bồi lắng khu vực cửa Nhật Lệ (tỉnh Quảng Bình) và một số khu vực cửa sông ven bờ biển miền Trung; (2) Báo cáo đánh giá rủi ro tổng hợp (ngập lụt, xói lở, bồi lắng) do bão, lũ gây ra đối với cửa sông và ven bờ biển Nhật Lệ và một số các cửa sông ven bờ biển miền Trung; (3) Báo cáo đánh giá ảnh hưởng công trình hạ tầng đến thoát lũ và đề xuất giải pháp giảm thiểu làm cơ sở rà soát, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của vùng cửa sông Nhật Lệ trong điều kiện biến đổi khí hậu; (4) Báo cáo quy hoạch tổng thể công trình chỉnh trị, đề xuất các giải pháp tăng khả năng thoát lũ, chống bồi lấp cửa sông Nhật Lệ kết hợp nuôi bãi nhân tạo chống xói lở bờ biển do bão lũ gây ra; (5) Thuyết minh tính toán và các bản vẽ thiết kế sơ bộ làm cơ sở đề xuất dự án đầu tư, chỉnh trị vùng cửa sông Nhật Lệ; (6) Đăng tải 04 ấn phẩm khoa học trên các Tạp chí trong nước, tham gia 01 bài báo tại Hội nghị khoa học quốc tế, đã hỗ trợ đào tạo được 01 thạc sỹ và 01 tiến sỹ. Thay mặt Hội đồng, Chủ tịch Hội đồng GS.TS. Trần Đình Hòa - Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam kết luận: Đề tài là một công trình khoa học có khối lượng lớn, chất lượng tốt, có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao, các giải pháp mà đề tài đề ra có cơ sở khoa học. Khối lượng đầy đủ theo đề cương đã phê duyệt, các sản phẩm của đề tài hoàn thành đầy đủ theo đề cương đã đăng ký. Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Đề tài cần bố cục lại báo cáo tổng hợp, bám sát vào đề cương được duyệt; bổ sung các phân tích, đánh giá, tổng quan lại các cửa sông miền Trung, giới hạn phạm vi nghiên cứu; cần làm rõ về cơ sở dữ liệu, phương pháp xây dựng bản đồ, phương pháp phân tích rủi ro tổng hợp; bổ sung thêm nội dung trong giải pháp phi công trình là cơ chế chính sách, nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với rủi ro thiên tai; chỉnh sửa một số lỗi chính tả... và cập nhật, chỉnh sửa các nội dung theo ý kiến đóng góp của Hội đồng. Đề tài đạt nghiệm thu loại khá.
Ý kiến góp ý: