Họp hội đồng nghiệm thu cơ sở đề tài khoa học công nghệ cấp Nhà nước mã số ĐTĐL.2011-G/40
26/11/2014Ngày 24/11/2014, tại Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã diễn ra buổi họp hội đồng nghiệm thu cơ sở đề tài khoa học công nghệ cấp Nhà nước "Nghiên cứu kết cấu công trình và giải pháp xây dựng tuyến đê biển Vũng Tàu - Gò Công", mã số ĐTĐL.2011-G/40 do GS.TS. Trần Đình Hòa - Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam chủ nhiệm.
Biến đổi khí hậu cùng hiện tượng nước biển dâng cao làm cho tình trạng thoát nước đô thị thêm phức tạp, nhất là ở các thành phố lớn, hệ thống sông kênh bị bồi lấp nghiêm trọng nhất là sa bồi tại các cửa sông ra biển và vùng giáp nước, đê biển bị uy hiếp nặng nề, nhiều đoạn bị hư hỏng nghiêm trọng nhưng chưa được gia cố nâng cao. Các công trình biển ven bờ đang bị tác động với mực nước biển ngày càng dâng cao và đang bị đe dọa bởi những tác động phá hoại của sóng biển dữ dội hơn. Trước thực trạng đó, việc nghiên cứu xây dựng các giải pháp nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của nước mặn, giữ lại nguồn nước ngọt, cải thiện môi trường v.v.. trong đó có giải pháp thực thi các tuyến đê biển đa mục tiêu là vấn đề hết sức quan trọng và cấp bách.
Ý tưởng xây dựng tuyến đê biển Vũng Tàu đến Gò Công được Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn đề xuất là công trình kỳ vọng sẽ giải quyết được các vấn đề về lũ, xâm nhập mặn, nước biển dâng…một cách tổng thể cho TP. Hồ Chí Minh và các vùng phụ cận. Đồng thời sẽ khắc phục được các vấn đề còn tồn tại của các dự án đã và đang được thực hiện như hạn chế giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công, thuận lợi trong công tác quản lý, có thể ứng dụng nhiều giải pháp xây dựng hiện đại và quan trọng hơn nữa đây sẽ là công trình lợi dụng tổng hợp và đa mục tiêu. Khi công trình hoàn thành sẽ hình thành một diện tích khu vực rộng lớn được bảo vệ làm tiền đề để phát triển kinh tế xã hội của khu vực.
Tuyến đê biển được đề xuất từ Gò Công đến gần Vũng Tàu (cách Vũng Tàu 5 km), nối tiếp với tuyến đê nhánh đi vào rừng Cần Giờ. Chiều dài tuyến đê chính dài 28km, một cống kiểm soát triều, thoát lũ rộng từ 1500÷3000m, cao trình ngưỡng -12,0m và tổ hợp Âu thuyền, sau đó kết nối với Vũng Tàu bằng cầu giao thông rộng 22,5m, dưới cầu các loại tàu bè đi lại bình thường vào khu vực vịnh Gành Rái. Tuyến đê phụ dài 13km nối từ đầu cầu phía đê chính đi vào Cần Giờ chiều sâu bình quân gần 4,5m. Theo phương án này sẽ tạo được hồ chứa có diện tích mặt nước khoảng 40.000ha, dung tích 2,5 tỷ m3. Ngoài ra cần xây dựng một cống kiểm soát triều, thoát lũ rộng 200m, ngưỡng -12,0m và âu thuyền trên sông Lòng Tàu.
Đây là một vấn đề rất lớn, cả về tính chất công trình, quy mô công trình và các tác động khác, là công trình mang tính chất liên ngành có kỹ thuật rất phức tạp. Chính vì vậy, đề tài:” Nghiên cứu kết cấu và các giải pháp xây dựng tuyến đê biển Vũng Tàu - Gò Công” mã số ĐTĐL.2011-G/40 đã được đề xuất nghiên cứu.
Mục tiêu của Đề tài: Đề xuất được phương án bố trí tổng thể và hợp lý cho các hạng mục công trình của tuyến đê biển Vũng Tàu - Gò Công; Đề xuất được giải pháp kết cấu và biện pháp kỹ thuật thi công các công trình trên hệ thống đê biển.
Sau 3 năm thực hiện, Đề tài đã tập trung nghiên cứu và đạt được các kết quả chính như sau: Đã tổng quan được tình hình xây dựng đê biển, cống kiểm soát triều và âu thuyền trong nước và trên thế giới; Nêu bật được tính cấp thiết và cơ sở khoa học của việc đề xuất các giải pháp công nghệ xây dựng đê biển; Đã nghiên cứu và đề xuất được các giải pháp công nghệ xây dựng các hạng mục công trình đê biển, cống kiểm soát triều, công trình âu thuyền có tính khả thi cao; Đã nghiên cứu và đề xuất phương pháp tính toán cho các hạng mục công trình trên tuyến đê biển; Đề xuất được các giải pháp thi công tổng thể tuyến đê biển cũng như giải pháp thi công cho các hạng mục công trình chính; Đã nghiên cứu, phân tích và thiết kế sơ bộ cho phương án chọn đã được nghiên cứu; Đã và đang đào tạo 01 NCS, 4 Thạc sỹ, đã đăng 06 bài báo trên các tạp chí chuyên ngành, báo cáo khoa học tại nhiều cuộc hội thảo các cấp trong và ngoài Bộ.
Thay mặt Hội đồng, GS.TS. Trần Đình Hơi - Chủ tịch Hội đồng đã đánh giá cao các kết quả đạt được của Đề tài. Đề tài có ý nghĩa thực tiễn, hàm lượng khoa học cao; là cơ sở cho việc phân tích lựa chọn các giải pháp công trình hợp lý của quá trình đầu tư xây dựng công trình ở những giai đoạn tiếp theo và là cơ sở khoa học quan trọng cho việc đề xuất các giải pháp xây dựng đê biển mà trước mắt là cho tuyến đê biển Vũng Tàu Gò Công nói riêng và cho các tuyến đê biển khác của Việt Nam nói chung. Quy mô, khối lượng nghiên cứu, tính toán của Đề tài lớn; đầy đủ về số lượng, chủng loại các sản phẩm như đã đăng ký trong Hợp đồng. Báo cáo tổng hợp có bố cục logic, rõ ràng; đã sử dụng phương pháp nghiên cứu kế thừa và ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ gần đây thuộc lĩnh vực đề tài, áp dụng vào điều kiện cụ thể của Việt Nam; đề tài đã thực hiện đầy đủ quy trình nghiên cứu; chất lượng sản phẩm, bản vẽ thiết kế và tài liệu công nghệ có chất lượng tốt; tài liệu đầy đủ rõ ràng; bản quyền sở hữu trí tuệ và tham gia đào tạo thạc sỹ của Đề tài vượt so với đăng ký, đang tham gia đào tạo 01 NCS.
Chủ tịch Hội đồng yêu cầu nhóm thực hiện cần chỉnh sửa báo cáo tổng hợp, tóm tắt ngắn gọn hơn và trích dẫn chi tiết đến các báo cáo chuyên đề, nội dung liên quan; phân tích thêm về lý do lựa chọn phương án kết cấu đề xuất; và lập bảng so sánh khi lựa chọn phương án nghiên cứu; quan tâm đến việc đóng mở cống với khả năng điều tiết; xem xét lại giải pháp bảo vệ mái và gia cố chân kè phía biển để đảm bảo an toàn và kinh tế, xử lý nền bằng cọc đất, cọc xi măng, diễn biến bờ biển ở Gò Công; chỉnh sửa lại quy trình vận hành; cần làm rõ sự phối hợp với các Đề tài trong nhóm 6 Đề tài; thống nhất thuật ngữ, tên dùng trong các báo cáo, đặc biệt là tên các phương án; Bổ sung phần tài liệu tham khảo
Đề tài nghiệm thu đạt yêu cầu.
Ý kiến góp ý: