TextBody
Huy chương 2

Họp Hội đồng nghiệm thu cơ sở đề tài thuộc Chương trình Tây Bắc

26/07/2019

Vừa qua, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã tổ chức Họp hội đồng tư vấn đánh giá nghiệm thu cấp cơ sở Đề tài “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp công nghệ và quản lý trong thu trữ nước mưa và nước mặt phục vụ dân sinh vùng Tây Bắc”. Mã số KHCN-TB.21C/13-18 do ThS. Phạm Văn Ban - Trung tâm Tư vấn PIM - Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam chủ nhiệm.

Theo Chủ nhiệm, vùng Tây Bắc có nguồn tài nguyên nước phong phó nhưng phân bố không đồng đều, lượng mưa bình quân trong vùng tương đối lớn nhưng tập trung chủ yếu vào mùa mưa. Do địa hình núi cao hiểm trở, phức tạp, chia cắt mạnh đã gây ra tình trạng lúc thừa nước gây lũ lụt, lúc thiếu nước gây hạn hán, nơi thừa nước không dùng hết, nơi thiếu nước nghiêm trọng gây ra không ít khó khăn cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân trong vùng.

Những năm gần đây, được sự quan tâm của Chính phủ, đã có nhiều Chương trình, Dự án đầu tư cho công tác khai thác, sử dụng các nguồn nước phục vụ cho ăn uống sinh hoạt của nhân dân được thực hiện và thu được  nhiều kết quả đáng ghi nhận, ngày càng nhiều các công trình vệ sinh và cấp nước sinh hoạt được đầu tư xây dựng, cung cấp nguồn nước hợp vệ sinh giúp nâng cao sức khỏe của cộng đồng, cải thiện đời sống cho nhân dân vùng sâu, vùng xa. Tuy vậy, hiện trạng của các công trình thu trữ cho thấy các Chương trình chưa thực sự phát huy hiệu quả. Tỷ lệ cấp nước hợp vệ sinh vùng nông thôn cơ bản dần đáp ứng yêu cầu sinh hoạt của người dân, hiện nay trung bình đạt 79,9%, tuy nhiên con số này vẫn còn thấp so với tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, 90% số hộ phải được sử dụng nước hợp vệ sinh theo Quyết định số 1980/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020. Ngoài ra, cũng theo tiêu chí này, yêu cầu tối thiểu 50% số hộ sử dụng nước sạch đáp ứng QCVN02:2009/BYT trong khi đó tỷ lệ đạt được hiện nay mới chỉ là 36,3%.

Để giải quyết nhiệm vụ cấp nước dân sinh cho vùng dân sinh vùng Tây Bắc với hàng loạt các điều kiện khó khăn như địa hình phức tạp, đối tượng phục vụ là đồng bào các dân tộc thiểu số, đời sống khó khăn, nhận thức về nước sạch và vệ sinh môi trường còn hạn chế, công trình cấp nước tập trung có đầu mối xa khu dân cư, khó lắp đặt thiết bị xử lý nước theo quy chuẩn, khó vận hành, quản lý và duy tu công trình… cần phải có thêm những chương trình hành động thiết thực dựa trên các kinh nghiệm từ thực tế.

Đề tài “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp công nghệ và quản lý trong thu trữ nước mưa và nước mặt phục vụ dân sinh vùng Tây Bắc” là một trong  những chương trình hành động thiết thực như vậy. Đề tài đã đề xuất được các giải pháp công nghệ thu trữ phù hợp với điều kiện tự nhiên và hạ tầng sẵn có của địa phương như bể chứa nước mưa, nước mặt dung tích lớn cho các cơ sử tập trung (trường học, UBND xã, trạm y tế…) có điều kiện về mặt bằng mái hứng bằng bê tông, bằng ngói; các hồ thu nước cho khu dân cư tập trung quy mô vài trăm m3 sử dụng công nghệ vật liệu màng chống thấm Bentofix là loại vật liệu mới, phù hợp với mọi dạng địa hình, khắc phục được nhiễm điểm dễ bị xuyên thủng của bạt HDPE, giá thành rẻ hơn so với bê tông hoặc khối xây; Công trình đập ngầm thu nước mưa, nước mặt, nước ngầm tầng trên (nước trọng lực) không ảnh hưởng bởi mưa, lũ, thu nước tại các khe suối trong mùa khô khi không có dòng chảy mặt bằng WaterBelt. Đề tài cũng đã đề xuất công nghệ xử lý nước với các module lọc độc lập, tích hợp lắp đặt dạng khối dễ di chuyển khi cần thay đổi vị trí xử lý, phù hợp với mọi điều kiện địa hình vùng Tây Bắc, thích ứng cao với sự biến đổi của chất lượng nguồn nước trong quá trình sử dụng, dễ dàng thay đổi công suất lọc.

Thêm vào đó, các giải pháp “mềm” cũng được Chủ nhiệm Đề tài chú trọng nghiên cứu. Thông qua đánh giá những tồn tại về quản lý vận hành công trình sau đầu tư tại các địa phương và các chính sách hiện hành, đề tài đã đề xuất các mô hình quản lý phù hợp như mô hình hợp tác xã về dịch vụ cấp nước, mô hình tổ hợp tác nhằm phát huy sự tham gia của tất cả các hộ sử dụng nước. Cùng với đó là đề xuất các giải pháp về chính sách hỗ trợ của Nhà nước nhằm tháo gỡ những khó khăn cho các đơn vị quản lý cũng như người sử dụng nước, tăng cường năng lực cho tổ chức quản lý, tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm của người sử dụng nước trong duy trì bền vững hệ thống cấp nước, các giải pháp huy động khu vực tư nhân tham gia đầu tư xây dựng và quản lý khai thác công trình cấp nước tập trung nông thôn, phát triển dịch vụ cấp nước sạch, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân vùng Tây Bắc.

Các kết quả của Đề tài có ý nghĩa thực tiến và mang tính chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ. Các kết quả nghiên cứu đề xuất của đề tài về công nghệ thu trữ, xử lý nước và mô hình tổ chức quản lý được áp dụng tại 06 mô hình thí điểm với quy mô, đối tượng người dùng nước khác nhau từ hộ gia đình, cụm dân cư, tổ chức cho đến trường học, trạm y tế. Có thể kể đế như mô hình thu trữ, xử lý nước phục vụ sinh hoạt quy mô hộ gia đình  tại thôn Nà Cà, xã Thượng Ân, huyện Ngân Sơn, Bắc Kạn và thôn La Hờ, xã Tả Gia Khâu, huyện Mường Khương, Lào Cai; Mô hình thu, trữ, xử lý nước phục vụ sinh hoạt quy mô cụm dân cư ở thôn Na Cằm, xã Côn Minh, huyện Na Rì, Bắc Kạn và thôn La Hờ, xã Tả Gia Khâu, huyện Mường Khương, Lào Cai; Mô hình thu trữ xử lý nước phục vụ sinh hoạt, tổ chức quản lý hệ thống cấp nước theo hướng bền vững cho Trường Mầm non xã Hảo Nghĩa, huyện Na Rì, Bắc Kạn và cho Trạm Y tế xã Tả Gia Khâu huyện Mường Khương, Lào Cai.

Chủ nhiệm Đề tài mong muốn kết quả của Đề tài sẽ góp phần thực hiện mục tiêu của Chiến lược quốc gia đến năm 2020, nâng cao chất lượng cuộc sống, phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới cho người dân ở vùng Tây Bắc.

Phát biểu tại buổi họp, thay mặt Hội đồng Chủ tịch Hội đồng GS.TS. Trần Đình Hòa đã đánh giá rất cao các kết quả đạt được của Đề tài. Đề tài có ý nghĩa thực tiễn, ý nghĩa xã hội và tính cấp thiết cao. Các kết quả nghiên cứu của đề tài vừa giải quyết bức xúc của thực  tế sản xuất, vừa đáp ứng được Chương trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn. Bên cạnh đó, tạo nguồn nước phục vụ cho một số xã các tỉnh phía Bắc giáp ranh biên giới. Phương pháp tiếp cận của đề tài hợp lý, mang tính chất tổng hợp, đi vào thực tế của vùng khan hiếm nước, tìm giải pháp phù hợp để phục vụ cho dân sinh. Đề tài đã đưa ra vừa giải pháp công trình vừa giải pháp phi công trình, giải pháp phi công trình bao gồm tổ chức quản lý, huy động nguồn lực và sổ tay hướng dẫn.

Chủ tịch Hội đồng yêu cầu Ban chủ nhiệm Đề tài cần chỉnh sửa báo cáo tóm tắt, báo cáo tổng hợp, lỗi in ấn, thuật ngữ, tài liệu tham khảo, trích dẫn; bổ sung báo cáo thống kê, kết luận của các chương, giới thiệu tổng qua đặc điểm của 13 tỉnh thuộc vùng Tây Bắc bao gồm đặc điểm địa hình, địa chất, tình hình kinh tế xã hội, phong tục, tập quán….; Phân tích rõ hơn từng giải pháp khi áp dụng ở vùng Tây Bắc để làm nổi bật hơn kết quả của đề tài, nguyên nhân lựa chọn mô hình và đánh giá hiệu quả của từng mô hình; bản xác nhận, minh chứng chỉ tiêu mô hình về quy mô dung tích của địa phương, dấu lab chỉ tiêu chất lượng nước; chỉnh sửa hồ sơ thiết kế, bản vẽ dễ hiểu, phù hợp với địa phương, người dân; bổ sung hình ảnh từng mô hình cho tường minh; bổ sung khuyến khị, khuyến cáo, phạm vi áp dụng, phương án nhân rộng ở phần kết luận…

Chủ tịch Hội đồng đề nghị Chủ nhiệm Đề tài chỉnh sửa, bổ sung theo những ý kiến góp ý của các thành viên Hội đồng. Đề tài nghiệm thu mức đạt.

Ý kiến góp ý: