Họp Hội đồng nghiệm thu, đánh giá cơ sở đề tài cấp Quốc gia thuộc Chương trình KC08.22/16-20
16/04/2021Sáng ngày 15/4, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã tổ chức họp Hội đồng nghiệm thu, đánh giá cơ sở đề tài cấp Quốc gia thuộc Chương trình KC08.22/16-20 “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp cải thiện môi trường nước trên các sông trục chính và hệ thống công trình thủy lợi các tỉnh ven biển vùng đồng bằng Bắc Bộ phục vụ phát triển nông nghiệp an toàn và cấp nước sinh hoạt” do GS.TS. Nguyễn Tùng Phong - Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam chủ nhiệm.
Hội đồng gồm 7 thành viên do GS.TS. Nguyễn Vũ Việt - Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam làm Chủ tịch.
Báo cáo trước Hội đồng, Chủ nhiệm đề tài GS.TS. Nguyễn Tùng Phong cho biết, nguồn nước mặt của vùng nghiên cứu được khai thác trên các sông trục chính và hệ thống công trình thủy lợi phục vụ chủ yếu cho sinh hoạt và nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi…). Hệ thống công trình thủy lợi của các tỉnh trong vùng nghiên cứu bao gồm 14 hệ thống với tổng diện tích là 514.672 ha. Trong đó, diện tích tưới là 310.973 ha và tiêu là 512.363 ha. Nguồn nước mặt cấp cho sản xuất và dân sinh chủ yếu từ dòng chính sông Hồng và sông Thái Bình phân vào các nhánh sông, cống lấy nước và các trạm bơm. Mặc dù, hệ thống công trình thủy lợi đóng vai trò chính cấp nước tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và cung cấp nước phục vụ sinh hoạt và công nghiệp, phòng chống lũ lụt, úng ngập, hạn hán… Tuy nhiên công tác thủy lợi đang đứng trước hiều khó khăn và thách thức. Hàu hết các hệ thống thủy lợi đã được xây dựng từ lâu và chỉ được thiết kế với mục đích tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, do quá trình đô thị hóa, hệ thống thủy lợi còn là nơi tiếp nhận các nguồn thải từ các khu công nghiệp, làng nghề, dân sinh… và phần lớn khối lượng nước thải chưa được xử lý hoặc xử lý không đạt yêu cầu. Bởi vậy, nhiều hệ thống thủy lợi thuộc vùng đồng bằng, vùng ven đô, vùng công nghiệp phát triển, nguồn nước mặt đã bị ô nhiễm với mức độ ngày càng gia tăng…
Ngoài ra, việc cấp nước phục vụ cho sinh hoạt và phát triển nông nghiệp an toàn chưa được quan tâm thỏa đáng nhằm cải thiện chất lượng nguồn nước cấp. Do hệ thống công trình thủy lợi hiện chỉ được thiết kế để phục vụ cho nền sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, chưa đáp ứng được yêu cầu phục vụ nền nông nghiệp đa dạng, hiện đại. Diện tích cây trồng được áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước còn hạn chế; chất lượng nước một số hệ thống công trình chưa bảo đảm để cung cấp sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn; hạ tầng thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản chưa đáp ứng được nhu cầu.
Do vậy, Chủ nhiệm Đề tài cho rằng việc nghiên cứu đề xuất các giải pháp cải thiện môi trường nước trên các sông trục chính và hệ thống công trình thủy lợi các tỉnh ven biển vùng đồng bằng Bắc Bộ phục vụ phát triển nông nghiệp an toàn và cấp nước sinh hoạt là rất quan trọng và cấp thiết.
Mục tiêu của đề tài là đánh giá được thực trạng khai thác, sử dụng nước, chất lượng nước và dự báo khả năng đáp ứng nguồn nước phục vụ phát triển nông nghiệp an toàn và cấp nước sinh hoạt các tỉnh ven biển đồng bằng Bắc Bộ thích ứng với biến đổi khí hậu; Đề xuất được các giải pháp nhằm quản lý, bảo vệ nguồn nước và nâng cao hiệu quả sử dụng nước trên các sông trục chính và trong công trình thủy lợi các tỉnh ven biển vùng đồng bằng Bắc Bộ đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp an toàn và cấp nước sinh hoạt.
Từ mục tiêu trên, nhóm đề tài đã triển khai 05 nội dung nghiên cứu đó là tổng quan các nghiên cứu về giải pháp sử dụng bền vững nguồn nước và giải pháp cải thiện môi trường nước vùng ven biển; Nghiên cứu đánh giá thực trạng và dự báo khai thác, sử dụng nước và chất lượng nước trên các sông trục chính và trong các hệ thống công trình thủy lợi các tỉnh ven biền đồng bằng Bắc Bộ thích ứng với biến đổi khí hậu; Nghiên cứu sự lan truyền các chất ô nhiễm nguồn nước mặt trong hệ thống công trình thủy lợi và phân vùng chất lượng nước mật; Nghiên cứu cơ chế, chính sách, giải pháp khoa học và công nghệ để quản lý và bảo vệ nguồn nước trên các sông trục chính và trong công trình thủy lợi các tỉnh ven biển vùng đồng bằng Bắc Bộ đáp ứng yêu cầu phục vụ phát triển nông nghiệp an toàn và cấp nước sinh hoạt; Xây dựng mô hình thí điểm bảo vệ nguồn nước và cải thiện chất lượng nước tại hệ thống công trình thủy lợi An Kim Hải phục vụ phát triển nông nghiệp an toàn và cấp nước sinh hoạt.
Các kết quả của Đề tài có thể kể đến như đã đánh giá thực trạng và dự báo khai thác, sử dụng nước và chất lượng nước trên các sông trục chính và trong các hệ thống công trình thủy lợi.
Phân vùng chất lượng nước mặt (theo chất lượng và mức độ ô nhiễm nguồn nước) đối với từng sông, kênh và xác định vùng ảnh hưởng do ô nhiễm của vùng nghiên cứu.
Đề xuất được các giải pháp tổng hợp nhằm cải thiện nguồn nước với 03 nhóm giải pháp chính đó là giải pháp cơ chế, chính sách nhằm giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước mặt vùng nghiên cứu; Giải pháp khoa học và công nghệ xử lý nguồn nước thải sinh hoạt, làng nghề, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, y tế; Giải pháp kiểm soát nguồn thải nhằm giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước mặt của vùng nghiên cứu đối với từng nguồn riêng biệt.
Đề tài đã thí điểm thành công mô hình quản lý và bảo vệ nguồn nước mặt tại hệ thống công trình thủy lợi An Kim Hải; xây dựng quy trình vận hành hệ thống nhằm giảm thiểu ô nhiễm nước mật, ngăn xâm nhập mặn; thành lập tổ chức quản lý môi trường nước ở cấp xã; xây dựng công trình xử lý nước thải cho khu dân cư thôn Nam, xã Tân Tiến với tổng thể các giải pháp kỹ thuật, công nghệ xử lý nước phù hợp. Tại hệ thống An Kim Hải có 10 điểm xả thải được xác định có khả năng nhân rộng, áp dụng mô hình xử lý nước thải tương tự mô hình tại xã Tân Tiến. Mỗi vị trí sẽ được đề xuất giải pháp công nghệ cụ thể được điều chỉnh cho phù hợp với đặc trưng của từng điểm.
Sau khi nghe các phản biện, thành viên Hội đồng nhận xét, thay mặt Hội đồng, GS.TS. Nguyễn Vũ Việt - Chủ tịch Hội đồng - Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam kết luận: Đề tài đáp ứng đầy đủ về mặt số lượng, khối lượng, chủng loại các sản phẩm khoa học theo đề cương đã được duyệt; là một công trình khoa học và thực tiễn nghiêm túc, khối lượng lớn, có nhiều thông tin và dữ liệu khoa học. Báo cáo tổng hợp đã nêu được các vấn đề tồn tại trên các sông trục chính và hệ thống công trình thủy lợi tại 04 tỉnh và thể hiện được đầy đủ kết quả của các nội dung nghiên cứu; Phương pháp nghiên cứu hiện đại, tiên tiến và phù hợp với các nội dung nghiên cứu của đề tài; Kỹ thuật sử dụng trong nghiên cứu và tính toán phù hợp, năng lực của nhóm thực hiện đề tài tốt; Kết quả đạt được của đề tài có tác dụng tốt đến phát triển nông nghiệp an toàn.
Chủ tịch Hội đồng yêu cầu Chủ nhiệm Đề tài và Nhóm thực hiện chỉnh sửa báo cáo tổng hợp, báo cáo tóm tắt, bổ sung phần tổng quan về ảnh hưởng của thủy triều đến chất lượng nước của các hệ thống công trình thủy lợi; Phân tích thêm vai trò của các Nghị định, Thông tư để chi tiết hơn các tồn tại trong hệ thống văn bản pháp luật; Làm rõ hơn về mô hình tổ chức quản lý chất lượng nước cho các sông trục chính; Cần làm rõ thực trạng ô nhiễm chất lượng nước tại các vùng nghiên cứu và giải pháp đề xuất; Xác định lại ranh giới trong bản đồ phân vùng chất lượng nước mặt vùng ven biển; Các đề xuất về thể chế, chính sách cần cụ thể hơn; Bổ sung nhận xét, đánh giá của địa phương về việc áp dụng quy trình vận hành hệ thống thủy lợi; Xem lại các lỗi chính tả, tài liệu trích dẫn.
Chủ tịch Hội đồng yêu cầu Chủ nhiệm Đề tài chỉnh sửa, bổ sung theo các ý kiến góp ý của các thành viên trong Hội đồng và hoàn thiện các thủ tục theo quy định để nghiệm thu chính thức.
Đề tài nghiệm thu đạt yêu cầu.
Ý kiến góp ý: