TextBody
Huy chương 2

Họp Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu cấp cơ sở đề tài cấp Bộ

02/05/2019

Ngày 26/4/2019, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã tổ chức họp Hội đồng tư vấn đánh giá nhiệm thu cấp cơ sở Đề tài cấp Bộ “Nghiên cứu thiết kế hệ thống thoát nước bề mặt và kỹ thuật tưới tiết kiệm nước góp phần khống chế bệnh chết nhanh, chết chậm cây hồ tiêu vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ” do ThS. Bùi Công Kiên - Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường chủ nhiệm.

Hồ tiêu là cây chủ lực có giá trị kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo cho các tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Nam Trung Bộ. Từ năm 2010 đến nay, diện tích hồ tiêu tăng rất nhanh như năm 2010 cả nước chỉ trồng 51,5 ngàn ha, năm 2014 là 85,591 ngàn ha, tuy nhiên đến hết năm 2017 là 152.668 ha, tăng 196,3% so với năm 2010, tăng 22,5% so với năm 2016 và vượt quy hoạch trên 100 ngàn ha. Diện tích trồng mới chủ yếu ở những vùng không thuận lợi về điều kiện tự nhiên đã khiến sản xuất luôn ở tình trạng bấp bênh, chi phí đầu tư lớn.

Diện tích tăng nhanh cùng với sự thâm canh quá mức bởi tâm lý nôn nóng muốn thu được năng suất và sản lượng nhiều nhất trong thời gian ngắn nhất đang là cách làm phổ biến hiện nay của nông dân trồng hồ tiêu tại nhiều vùng. Đặc biệt tại những nơi trồng mới, nông dân thiếu kinh nghiệm và kiến thức về canh tác bền vững, giống tiêu lại chưa được nghiên cứu chọn lọc có hệ thống, dễ nhiễm sâu bệnh, nhiễm bệnh do nấm và vi khuẩn gây nên, nhiều hộ gia đình từ giàu có đã bị trắng tay vì cây tiêu. Ở Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và Quảng Trị trên 90% nông dân làm bồn để tưới; kỹ thuật làm bồn và tưới đơn giản; lượng nước tưới biến động, phụ thuộc vào khả năng cung cấp nước của giếng hoặc ao hồ.

Theo Chủ nhiệm Đề tài, hầu hết các hộ nông dân trồng tiêu ở các vùng đồi dốc không đào rãnh thoát nước kết hợp với tiêu trồng theo kỹ thuật làm bồn nên gốc tiêu trũng tạo điều kiện cho nấm và tuyến trùng hoạt động, khi mưa xuống nấm và tuyến trùng dễ dàng lây lan từ khu này sang khu khác làm tiêu nhiễm bệnh hàng loạt.

Đối với bệnh chết nhanh, tần suất xuất hiện ở Đông Nam Bộ cao hơn Tây Nguyên và Quảng Trị 77,5%. Đây là bệnh khó phòng trừ, gây thiệt hại nghiêm trọng cho người trồng tiêu, có nhiều vườn tiêu cây tiêu chết 100% do bệnh này gây ra. Đối với bệnh vàng lá chết chậm, qua điều tra khảo sát thực tế tại vườn nông dân, đa số các vườn tiêu đều có triệu chứng của bệnh này, tần suất xuất hiện của bệnh rất cao 54-62% ở ba vùng và Đông Nam Bộ.

Chính vì vậy, Chủ nhiệm Đề tài đã nghiên cứu thiết kế hệ thống thoát nước bề mặt và kỹ thuật tưới tiết kiệm nước góp phần khống chế bệnh chết nhanh, chết chậm cây hồ tiêu vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ với mục tiêu thiết kế hệ thống thoát nước bề mặt và kỹ thuật tưới tiết kiệm nước  góp phần khống chế bệnh chết nhanh, chết chậm cây hồ tiêu; Đề xuất được giải pháp, công nghệ tạo nguồn nước, cấp nước cho hồ tiêu phù hợp với từng vùng khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.

Dựa trên kết quả sau 03 năm nghiên cứu triển khai thực hiện đánh giá thực trạng sảu xuất, bố trí hệ thống thoát nước, hệ thống tưới tiết kiệm nước, cũng như nghiên cứu về chế độ, kỹ thuật tưới nhỏ giọt, phun mưa, bố trí hệ thống thoát nước bề mặt góp phần hạn chế bệnh chết nhanh, chết chậm cho cây hồ tiêu vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, Đề tài đã đạt được một số kết quả chính sau như tổng quan được các nghiên cứu về tình hình sản xuất hồ tiêu trong và ngoài nước, đặc điểm sinh trưởng phát triển của cây hồ tiêu, tình hình thoát nước, tưới nước cho cây hồ tiêu, nguyên nhân, diễn biến bệnh chết nhanh chết chậm trên cây hồ tiêu, ảnh hưởng của tưới nước, thoát nước đến bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây hồ tiêu; Đề xuất được các giải pháp công nghệ tạo nguồn cấp nước cho cây hồ tiêu vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, đánh giá tính khả thi và sự phù hợp của các giải pháp này với từng khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ; Thiết kế mẫu hệ thống thoát nước bề mặt, hệ thống tưới tiết kiệm nước cho cây hồ tiêu vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ; Xây dựng, vận hành, quan trắc 02 mô hình khảo nghiệm tưới nhỏ giọt, phun mưa cục bộ tại gốc kết hợp với bố trí hệ thống thoát nước bề mặt tại Chư Sê, Gia Lai; Đã đề xuất được quy trình thoát nước chủ động cho cây hồ tiêu góp phân hạn chế bệnh chết nhanh, chết chậm; Đề xuất được quy trình tưới nhỏ giọt, phun mưa cục bộ tại gốc cho cây hồ tiêu vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ; Xây dựng 01 sổ tay hướng dẫn bố trí hệ thống thoát nước và hệ thống tưới tiết kiệm nước cho cây hồ tiêu vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.

Phát biểu kết luận tại buổi họp, thay mặt Hội đồng, PGS.TS. Nguyễn Tùng Phong - Phó Giám đốc Viện - Chủ tịch Hội đồng đã đánh giá cao sự cố gắng của chủ nhiệm và nhóm thực hiện trong việc hoàn thiện các sản phẩm của Đề tài, đã có nhiều tiếp thu, sửa chã sau góp ý của tổ chuyên gia do Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường tổ chức. Đề tài đã đáp ứng về mặt số lượng, khối lượng, chủng loại các sản phẩm khoa học theo đề cương đã được duyệt, khối lượng thực hiện; tiến độ thực hiện đảm bảo theo yêu cầu; báo cáo tổng hợp và báo cáo tóm tắt rõ ràng, logic, đã tổng quan được các vấn đề liên quan đến nội dung nghiên cứu; phương pháp nghiên cứu tiên tiến, hiện đại, phù hợp; các tài liệu kèm theo có khả năng sẵn sàng chuyển giao vào sản xuất.

Chủ tịch Hội đồng yêu cầu Chủ nhiệm Đề tài cần viết gọn lại báo cáo tổng hợp; chỉnh sửa phần tổng quan, kết luận, dự thảo quy trình, sổ tay hướng dẫn, các phụ lục, lỗi chính tả, hình vẽ, bảng biểu; bổ sung cơ sở khoa học của các số liệu về tưới; làm rõ công thức tưới; diễn biến độ ẩm; phân tích chi tiết hơn mô hình thử nghiệm tại vùng nghiên cứu, tính đại diện của khu vực khảo nghiệm;  xem lại số liệu diện tích và sản lượng hồ tiêu để phù hợp với số liệu thống kê….

Chủ tịch Hội đồng yêu cầu Chủ nhiệm Đề tài chỉnh sửa, bổ sung theo các góp ý của Hội đồng. Đề tài được đánh giá đạt yêu cầu để trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nghiệm thu chính thức.

Ý kiến góp ý: