TextBody
Huy chương 2

Họp Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu cấp cơ sở đề tài cấp Bộ

28/07/2020

Vừa qua, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã tổ chức họp Hội đồng tư vấn đánh giá nhiệm thu cấp cơ sở Đề tài cấp Bộ “Nghiên cứu giải pháp phát triển công trình thủy lợi nhỏ gắn với tưới tiết kiệm nước phục vụ sản xuất nông nghiệp khu vực Tây Nguyên nhằm ứng phó hạn hán” do TS. Trần Minh Thái - Viện Khoa học Thủy lợi Miền Trung và Tây Nguyên chủ nhiệm.

Tham dự buổi họp có TS. Khổng Trung Duân - Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; đại diện lãnh đạo Ban Kế hoạch Tổng hợp, Ban Tài Chính Kế toán.

Về phía Hội đồng có GS.TS. Trần Đình Hòa - Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam - Chủ tịch Hội đồng và các thành viên trong Hội đồng.

Báo cáo kết quả của Đề tài trước Hội đồng, TS. Trần Minh Thái - Chủ nhiệm Đề tài cho biết: Trong những năm gần đây, vấn đề hạn hán, thiếu nước vào mùa khô và mùa lũ bị ngập úng đang xảy ra tại Tây Nguyên ngày càng khốc liệt. Theo thống kê, Tây Nguyên hiện có khoảng hơn 1200 hồ chứa, tuy nhiên năng lực của các hồ chứa hiện tại trên địa bàn không còn đảm bảo được nhiệm vụ chống hạn.

Các công trình thủy lợi hiện tại khu vực Tây Nguyên mới chỉ đảm bảo 75% năng lực tưới so với thiết kế, đảm bảo cấp nước tưới cho khoảng 20% diện tích cây trồng có nhu cầu tưới, phần lớn cây trồng cạn vẫn do người dân tự tưới sử dụng bơm nước ngầm, bơm nước trực tiếp từ sông, suối và từ các ao hồ trong khu vực. Khả năng phát triển thêm công trình thủy lợi để tưới cho cây trồng cạn còn lại (có nhu cầu tưới) gặp nhiều khó khằn bởi diện tích canh tác phân tán, nhỏ lẻ và không thuận lợi cho việc xây dựng các hệ thống thủy lợi có quy mô lớn. Các giải pháp tạo nguồn, thu và trữ nước quy mô nhỏ bổ sung nguồn nước phục vụ chống hạn cho cây công nghiệp trên địa bàn còn hạn chế.

Bên cạnh đó, theo chủ nhiệm đề tài, việc khai thác nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp còn nhiều bất cập như nước ngầm bị khai thác quá mức nên mực nước bị hạ thấp nhanh dẫn đến mùa khô phải khoan giếng tới 100-150m, trữ lượng thấp, giá thành cao. Tình trạng khai thác nước thượng lưu CTTL ồ ạt, không kiểm soát dẫn đến mất cân bằng nước, gây thiếu nước cho hạ du. Công nghệ tưới tiết kiệm đã được ứng dụng tại một số khu vực nhưng chưa phát huy hết kết quả. Việc triển khai và áp dụng quy hoạch cơ cấu cây trồng đối với cây trồng chủ lực chưa phù hợp dẫn đến khó khăn trong đầu tư các hệ thống tưới.

Vì vậy, Chủ nhiệm Đề tài cho rằng cần phải có một giải pháp đồng bộ vừa có thể thu, trữ nước mặt cũng như bổ cập thêm nước ngầm đáp ứng cho các vùng khan hiếm nước mà công trình thủy lợi hiện tại chưa thể vươn tưới kết hợp với việc ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến, tiết kiệm nước hiệu quả phù hợp với các vùng đặc trưng của Tây Nguyên để có thể hạn chế được một cách tốt nhất các thiệt hại do hạn hán gây ra.

Mục tiêu của Đề tài đó là đề xuất được giải pháp pháp triển công trình thủy lợi nhỏ tích hợp công nghệ thu trữ nước mặt, bổ cập nước ngầm tạo nguồn tưới phù hợp với điều kiện cụ thể của từng khu vực Tây Nguyên, tập trung cho những vùng ngoài khu tưới của công trình thủy lợi và thường xuyên bị thiếu nước. Đề xuất được chính sách để nhân rộng công nghệ thu trữ nước mặt, bổ cập nước ngầm kết hợp tưới tiết kiệm nước theo hướng xã hội hóa.

Trên cơ sở mục tiêu của Đề tài, Chủ nhiệm Đề tài và nhóm thực hiện đã tiến hành triển khai các nội dung nghiên cứu và đã đạt được một số kết quả chính như:

Đã tổng kết đánh giá được thực trạng các mô hình, công trình thu trữ nước mặt, bổ cập nước ngầm tạo nguồn, công nghệ thiết bị tưới tiết kiệm nước cho cây trồng vùng Tây Nguyên; Đánh giá được nhu cầu cấp nước để sản xuất nông nghiệp cho những vùng thường xuyên bị thiếu nước, bị hạn hán ngoài phạm vi ảnh hưởng của hệ thống thủy lợi hiện có.

Đề xuất được các giải pháp công nghệ thu, trữ nước mặt, bổ cập nước ngầm tạo nguồn cấp nước tưới cho vùng thường xuyên bị thiếu nước, hạn hán ở Tây Nguyên (phù hợp cho các vùng cụ thể của vùng nghiên cứu); Đề xuất được giải pháp công nghệ, cải tiến kết cấu (công trình thu trữ nước, bổ cập nước ngầm…)

Thiết kế mẫu các công trình thủy lợi nhỏ thu trữ nước mặt, bổ cập nước ngầm phù hợp với từng vùng gồm bản vẽ thiết kế mẫu các giải pháp công nghệ, cải tiến kết cấu; Biên soạn được Sổ tay hướng dẫn quy trình, kỹ thuật khảo sát, thiết kế, thi công và quản lý vận hành công trình thủy lợi nhỏ.

Đề xuất được cơ chế chính sách hỗ trợ để nhân rộng công trình thủy lợi nhỏ theo hướng xã hội hóa nhằm phát triển giải pháp công trình thủy lợi nhỏ, được doanh nghiệp và nhân dân ứng dụng rộng rãi.

Đã công bố 01 giải pháp hữu ích, tham gia đào tạo 02 thạc sỹ và công bố 04 bài báo khoa học trên các tạp chí chuyên ngành cũng như các Hội thảo;  ứng dụng xây dựng thí điểm 02 mô hình công trình bổ cập, thu trữ nước tại tỉnh Gia Lai và Kon Tum.

Chủ tịch Hội đồng GS.TS. Trần Đình Hòa - Phó Giám đốc Viện phát biểu tại buổi họp

Tại buổi họp, các thành viên trong Hội đồng nghiệm thu đã được nghe nhận xét của các phản biện cũng như nhận xét của các thành viên trong Hội đồng. Với những kết quả đã đạt được của Đề tài, Hội đồng đã nhất trí đề tài nghiệm thu đạt.

Ý kiến góp ý: