Họp Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu cấp cơ sở đề tài cấp Bộ
23/06/2020Ngày 19/6/2020, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã tổ chức họp Hội đồng tư vấn đánh giá nhiệm thu cấp cơ sở Đề tài cấp Bộ “Nghiên cứu đề xuất giải pháp sử dụng hợp lý vùng đất bãi ven sông để nâng cao hiệu quả phòng chống lũ cho sông Hồng và sông Thái Bình trong điều kiện biến đổi khí hậu”. Đề tài do ThS. Nguyễn Ngọc Đẳng - Phòng Thí nghiệm trọng điểm Quốc gia về Động lực học Sông Biển chủ nhiệm.
Tham dự buổi họp có TS. Khổng Trung Duân - Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường; ThS. Nguyễn Xuân Hồng - Vụ Khoa học Công nghệ và Hợp tác quốc tế - Tổng cục Phòng chống thiên tai - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; ThS. Trần Mạnh Trường - Phó Trưởng Ban Kế hoạch Tổng hợp; PGS.TS. Nguyễn Ngọc Quỳnh - Giám đốc Phòng Thí nghiệm trọng điểm và các cán bộ quản lý, nhà khoa học, nhóm thực hiện đề tài.
Hội đồng do GS.TS. Trần Đình Hòa - Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam làm Chủ tịch.
Báo cáo kết quả của Đề tài trước Hội đồng, ThS. Nguyễn Ngọc Đẳng - Chủ nhiệm Đề tài cho biết nhu cầu xây dựng, cải tạo và phát triển kinh tế - xã hội ở các khu vực bãi sông ngày càng cao, đặc biệt là khu vực đô thị trung tâm thủ đô Hà Nội, khu vực sông đi qua các thành phố lớn như Hòa Bình, VIệt Trì, Hưng Yên, Nam Định, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương.
Một trong những mục tiêu tại Quyết định 257/2016/QĐ-TTg là đề xuất giải pháp quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả bãi sông phù hợp với quy định của Luật Đê điều và các quy định pháp luật có liên quan phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tạo điều kiện ổn định đời sống dân cư hiện có ở vùng bãi sông trên nguyên tắc bảo đảm an toàn đê điều, không ảnh hưởng lớn đến thoát lũ, ổn định lòng dẫn, chủ động dành không gian cho phát triển tương lai và ứng phó với những bất thường về mưa lũ chưa lường hết được, các ví dụ về mưa lũ bất thường và các thiệt hại do lũ gây ra ở các nước trong khu vực trong vài năm gần đây là một minh chứng cụ thể.
Từ trước đến nay, các quy định liên quan đến vấn đề quản lý, sử dụng bãi sông còn nhiều hận chế, chưa phù hợp với thực tế, do vậy chưa đủ cơ sở để đưa vào áp dụng trong thực tiễn do chưa có các nghiên cứu đầy đủ. Nguyên nhân làm hạn chế nhiều đến kết quả nghiên cứu ngoài việc do các phương pháp nghiên cứu còn có nguyên nhân từ các số liệu cơ bản sử dụng cho việc tổng hợp phân tích tính toán… Chính vì vậy, việc vận dụng và thực hiện Luật Đê điều, các quy hoạch lũ của trung ương và địa phương ra ngoài thực tiễn vẫn chưa đủ các cơ sở khoa học để thuyết phục và tạo sự đồng thuận giữa các nhà quản lý ngành và địa phương, chưa nhận được sự hưởng ứng và khó được thực thi…
Bên cạnh đó, các kết quả nghiên cứu trước đây có liên quan đến bãi sông trên phạm vi hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình vẫn chưa đáp ứng được các yêu cầu để có thể đưa ra các quy định quản lý khai thác bãi sông ngay cả trong điều kiện hiện tại cũng như trong tương lai do hầu hết các tính toán nghiên cứu mới chỉ tập trung vào đối tượng là đê bối, kết quả đã thực hiện 10 năm, phạm vi tính toán giới hnaj về khu vực, phương pháp tính toán chưa áp dụng trên hệ thống lớn (mô hình 2D). Với các vấn đề mới đặt ra trong quản lý sử dụng bãi sông được nêu tại Quyết định 257/QĐ khi triển khai thực tế sẽ gặp phải một số khó khăn và cần phải nghiên cứu để cụ thể hóa, hướng dẫn áp dụng về nguyên tắc mà còn về kỹ thuật, phương pháp quản lý khai thác sử dụng hợp lý vùng bãi ven sông cũng như các giải pháp hạn chế, khắc phục.
Do vậy, ThS. Nguyễn Ngọc Đẳng cho rằng đề tài “Nghiên cứu đề xuất giải pháp sử dụng hợp lý vùng đất bãi ven sông để nâng cao hiệu quả phòng chống lũ cho sông Hồng và sông Thái BÌnh trong điều kiện biến đổi khí hậu” là cần thiết cho việc phát triển kinh tế xã hội cho trước mắt và lâu dài.
Mục tiêu Đề tài nhằm đánh giá được tác động hiện tại của các bãi sông đến thoát lũ và mất an toàn đê điều theo các quy định của luật đê điều và quy hoạch lũ, quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình giai đoạn đến năm 2030; Đề xuất được giải pháp quản lý, sử dụng vùng bãi ven sông hợp lý, đảm bảo an toàn đê điều; đáp ứng được yêu cầu thoát lũ (không cản lũ, không ảnh hưởng đến dòng chảy…); ổn định lòng dẫn; bảo đảm an toàn dân sinh và các yêu cầu về môi trường.
Trên cơ sở các mục tiêu trên, Chủ nhiệm Đề tài và nhóm thực hiện đã triển khai các nội dung nghiên cứu và đạt được một số kết quả chính như: (1) Đã đánh giá hiện trạng bãi sông, hiện trạng quy hoạch, quản lý, sử dụng bãi sông; (2) Nghiên cứu, xây dựng tiêu chí sử dụng bãi sông (phát triển, xây dựng mới hạ tầng, khu vực dân cư trên bãi sông) đảm bảo các yêu cầu thoát lũ, an toàn đê điều, ổn định lòng dẫn và an toàn dân sinh, hạ tầng trên bãi sông; (3) Nghiên cứu đánh giá tác động của sử dụng bãi sông (phát triển, xây dựng mới trên bãi sông) đến thoát lũ, an toàn đê điều, ổn định lòng dẫn và an toàn dân sinh và môi trường trên vùng bãi sông; (4) Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp quản lý, sử dụng vùng bãi ven sông: Giải pháp đảm bảo thoát lũ chung các bãi và cho từng khu vực bãi sông của từng địa phương; Giải pháp bảo đảm ổn định lòng dẫn và không tác động lớn đến dòng chảy; Giải pháp đảm bảo an toàn đê điều; Giải pháp bảo đảm an toàn hạ tầng, sản xuất, dân sinh trên bãi sông; Giải pháp bảo đảm yêu cầu môi trường ; (5) Xây dựng hướng dẫn quản lý, sử dụng bãi sông; Xây dựng các cơ sở dữ liệu về bãi sông phục vụ công tác quản lý, khai thác phù hợp, hiệu quả bãi sông; (6) Lập các bản đồ mô tả các khu vực tham gia thoát lũ, ngập lũ không tham gia thoát lũ trên bãi sông; Bản đồ phân vùng vận tốc dòng chảy trên vùng bãi sông; Xây dựng bản đồ phân bố rủi ro; Bản đồ phân vùng khai thác sử dụng bãi sông; Bản đồ cảnh báo và thiết lập các hệ thống quan trắc cảnh báo ngập lũ và hoạt động khai thác trên toàn bãi sông…
Thay mặt Hội đồng, Chủ tịch Hội đồng GS.TS. Trần Đình Hòa - Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam cho rằng Đề tài có tính khoa học và thực tiễn cao; đáp ứng đầy đủ về mặt số lượng, khối lượng, chủng loại các sản phẩm khoa học theo đề cương đã được duyệt; là một công trình khoa học và thực tiễn nghiêm túc, khối lượng thông tin và dữ liệu thực tế lớn, đề tài sử dụng nhiều phương pháp nghiên cứu; phương pháp phân tích số liệu thực đo và mô hình toán tiên tiến, kế thừa nhiều tài liệu, số liệu từ các đề tài dự án trước; các kết quả nghiên cứu của đề tài có tính thực tiễn cao; kết quả của đề tài đã giải quyết được vấn đề nghiên cứu đặt ra và có chất lượng khoa học tốt, có tính pháp lý và có độ tin cậy.
GS.TS. Trần Đình Hòa yêu cầu chủ nhiệm Đề tài cần chỉnh sửa lại kết cấu báo cáo, tổng quan, tài liệu địa hình, bảng biểu, hình vẽ, thuật ngữ; hướng dẫn nên có một số mốc quy định để người dân dễ dàng tham chiếu thực hiện, các cơ quan quản lý có cơ sở; cần xây dựng lộ trình sử dụng bãi sông và văn bản kèm theo…
Chủ tịch Hội đồng yêu cầu Chủ nhiệm Đề tài chỉnh sửa, bổ sung theo các ý kiến góp ý của các thành viên trong Hội đồng và hoàn thiện các thủ tục theo quy định để nghiệm thu chính thức.
Đề tài nghiệm thu đạt yêu cầu.
Ý kiến góp ý: