Họp Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu cấp cơ sở đề tài cấp Bộ
15/06/2020Chiều ngày 12/6/2020, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã tổ chức họp Hội đồng tư vấn đánh giá nhiệm thu cấp cơ sở Đề tài cấp Bộ “Nghiên cứu đề xuất mô hình quản lý khai thác công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng bền vững và phương thức hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi” do PGS.TS. Đoàn Doãn Tuấn - Trung tâm PIM chủ nhiệm.
Tham dự buổi họp có Ông Lê Xuân Trường - Tổng cục Thủy lợi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; PGS.TS. Phạm Hùng - Phó Trưởng Ban Kế hoạch Tổng hợp; ThS. Nguyễn Thị Thu - Phó Trưởng Ban Tài chính Kế toán. Ngoài ra còn có lãnh đạo và các cán bộ khoa học của Trung tâm PIM.
Hội đồng do PGS.TS. Nguyễn Tùng Phong - Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam làm Chủ tịch Hội đồng
PGS.TS. Đoàn Doãn Tuấn - Chủ nhiệm đề tài báo cáo kết quả của Đề tài trước Hội đồng
Thay mặt nhóm thực hiện, Chủ nhiệm Đề tài PGS.TS. Đoàn Doãn Tuấn cho biết năm 2019 cả nước có 16.800 tổ chức quản lý thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng bao gồm 04 loại hình chủ yếu là hợp tác xã chiếm 40% tổng số; tổ hợp tác dùng nước chiếm 46%; UBND xã trực tiếp quản lý, bằng việc thành lập/hợp đồng các tổ quản lý chiếm 9%); Ban quản lý thủy nông chiếm 5% (số liệu tổng hợp của Tổng cục Thủy lợi). Từ số liệu trên cho thấy hai mô hình chiếm số lượng lớn tại các vùng là mô hình Hợp tác xã và Tổ hợp tác. Tuy vậy, các tổ chức này thực hiện quản lý, khai thác các công trình thủy lợi nội đồng còn nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là khi Luật thủy lợi được ban hành.
Hàng năm Chính phủ dành một khoản kinh phí xấp xỉ 7000 tỷ đồng thay cho người sử dụng dịch vụ tưới tiêu trả cho các đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi ở địa phương, trên cơ sở hợp đồng giữa tổ chức thủy lợi cơ sở và công ty QLKT CTTL. Thủ tục thanh lý hợp đồng chủ yếu dựa trên diện tích phục vụ, thiếu chỉ tiêu, cơ chế giám sát nên không đánh giá được chất lượng, giá trị thực của dịch vụ do công ty QLKT CTTL cung cấp.
Các doanh nghiệp khai thác công trình thủy lợi, mặc dù đã chuyển đổi và thực hiện theo Luật Doanh nghiệp, tuy nhiên, do đặc thù hoạt động dịch vụ công ích là chủ yếu, nguồn thu chủ yếu từ ngân sách Nhà nước thông qua phương thức giao kế hoạch ở hầu hết các tỉnh làm cho các doanh nghiệp trông chờ vào nguồn ngân sách nhà nước cấp, không phát huy được tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động cung ứng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi của mình. Các hoạt động cung ứng dịch vụ thủy lợi thông qua hợp đồng với tổ chức thủy lợi cơ sở/ủy ban nhân dân xã có cơ chế giám sát chất lượng dịch vụ một cách chặt trẽ nên chưa tạo được động lực, khuyến khích cho Doanh nghiệp nâng cao, chất lượng dịch vụ và hiệu quả công việc.
Bên cạnh đó, một trong các nội dung quan trọng của Luật Thủy lợi 2018 là chuyển từ phí sang giá dịch vụ. Phương châm chủ đạo là người dùng nước tự lo kinh phí cho hệ thống thủy lợi nhỏ, hệ thống thủy lợi nội đồng, Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho người sử dụng nước thông tổ chức thủy lợi cơ sở quản lý khai thác thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng. Với sự hỗ trợ này, cần phải có tổ chức thủy lợi cơ sở mạnh cũng như phương thức hỗ trợ hiệu quả tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi phù hợp. Do vậy, cần có nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn để phân loại và đề xuất mô hình quản lý khai thác công trình thủy lợi nhỏ, nội đồng bền vững phù hợp với đặc thù công trình thủy lợi từng vùng, miền và đề xuất phương thức hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi phù hợp với các đối tượng được hỗ trợ.
Mục tiêu của đề tài nhằm đề xuất mô hình quản lý, khai thác công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng bền vững và phương thức hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi.
Qua quá trình triển khai các nội dung nghiên cứu, đề tài đã đánh giá được thực trạng tổ chức quản lý khai thác công trình thủy lợi, mối quan hệ giữa tổ chức cung cấp dịch vụ và tổ chức thủy lợi cơ sở tại các vùng miền trong đó đã đánh giá được mô hình tổ chức quản lý cấp tỉnh; mô hình tổ chức thủy lợi cơ sở với 03 loại hình tổ chức thực hiện quản lý công trình thủy lợi do Nhà nước đầu tư và 02 loại hình tổ chức quản lý công trình thủy lợi do tư nhân đầu tư; mối quan hệ giữa tổ chức cung cấp dịch vụ và tổ chức thủy lợi cơ sở.
Nhóm thực hiện đã nghiên cứu đề xuất các mô hình tổ chức quản lý khai thác công trình thủy lợi nhỏ, nội đồng phù hợp tại các vùng miền; Dự thảo nội dung mô hình và cơ chế hoạt động của tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi nội đồng; Đề xuất phương thức hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi phù hợp đối với tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng; Hướng dẫn mẫu hợp đồng đặt hàng, đấu thầu cung cấp sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi gồm Hướng dẫn mẫu hợp đồng đặt hàng, đấu thầu, cung cấp sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi và Hướng dẫn quy trình hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi; Đề xuất giải pháp về cơ chế, chính sách đảm bảo cho tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng tạo đủ nguồn thu để hoạt động bền vững; Hướng dẫn xây dựng mô hình và cơ chế hoạt động của tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng.
PGS.TS. Nguyễn Tùng Phong - Chủ tịch Hội đồng - Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam phát biểu tại buổi họp
Sau khi nghe các ý kiến phản biện cũng như ý kiến phát biểu của các thành viên Hội đồng, PGS.TS. Nguyễn Tùng Phong - Chủ tịch Hội đồng - Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam kết luận: Chủng loại, số lượng, khối lượng và chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu đặt hàng. Đề tài có giá trị khoa học và thực tiễn cao; đã cung cấp thông tin đầy đủ về thực trạng tổ chức quản lý khai thác công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng; các nội dung, phương pháp sử dụng phù hợp, đáng ứng yêu cầu.
PGS.TS.Nguyễn Tùng Phong đề nghị chủ nhiệm đề tài chỉnh sửa phần tổng quan để làm nổi bật hơn các mô hình tổ chức quản lý, tính bền vững của các mô hình, nhận dạng các yếu tố tác động đến tính bền vững của các mô hình, hình vẽ, sơ đồ; làm rõ các tiêu chí lựa chọn địa điểm nghiên cứu để thể hiện tính đại diện của nghiên cứu, cơ sở đề xuất mô hình; làm rõ kết quả nghiên cứu hiện trạng ở 84 mô hình, đối tượng hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi; tính bền vững về tài chính trong các mô hình đề xuất; bổ sung đề xuất chính sách trong quản lý khai thác công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng; phân tích về chính sách thủy lợi phí, đặt hàng; Đề xuất lộ trình thực hiện các giải pháp hỗ trợ; các nguồn kinh phí trong các giải pháp hỗ trợ; tiêu chí giám sát chất lượng dịch vụ và giải pháp cụ thể;
Chủ tịch Hội đồng yêu cầu Chủ nhiệm Đề tài chỉnh sửa, bổ sung theo các ý kiến góp ý của các thành viên trong Hội đồng và hoàn thiện các thủ tục theo quy định để nghiệm thu chính thức.
Đề tài nghiệm thu đạt yêu cầu.
Ý kiến góp ý: