Họp Hội đồng tư vấn đánh giá nghiệm thu cấp cơ sở đề tài cấp Quốc gia ĐTĐL.CN-58/15
05/07/2018 Ngày 04/7/2018, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã tổ chức họp Hội đồng tư vấn đánh giá nhiệm thu cấp cơ sở Đề tài cấp Quốc gia “Nghiên cứu tổng thể giải pháp công trình đập dâng nước nhằm ứng phó tình trạng hạ thấp mực nước, đảm bảo an ninh nguồn nước cho vùng hạ du sông Hồng” do GS.TS. Trần Đình Hòa - Phó Giám đốc Viện chủ nhiệm. Theo chủ nhiệm, trong những năm gần đây, dòng chảy sông Hồng đã và đang có những biến động nghiêm trọng, hiện tượng mực nước ngày càng bị hạ thấp đã gây ảnh hưởng nặng nề đến dân sinh, kinh tế, xã hội của toàn vùng. Ngoài vấn đề hạ thấp lòng dẫn, ảnh hưởng lớn đến việc sử dụng nguồn nước ở phía thượng và trung du, vùng ven biển còn chịu tác động mạnh mẽ của việc xâm nhập mặn. Trong điều kiện biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến thất thường như hiện nay, việc xâm nhập mặn sâu đột biến hoàn toàn có thể xẩy ra và thiệt hại cho sản xuất, đời sống người dân sẽ rất lớn. Chủ nhiệm Đề tài GS.TS. Trần Đình Hòa báo cáo kết quả của Đề tài trước Hội đồng Bên cạnh đó, vấn đề ô nhiễm môi trường nặng nề trên toàn hệ thống thủy lợi nội đồng cũng như nội đô các thành phố lớn, đặc biệt là thành phố Hà Nội ngày càng có xu hướng gia tăng một cách trầm trọng mà một trong những nguyên nhân quan trọng là không chủ động được nguồn nước để xử lý. Do vậy, Chủ nhiệm Đề tài cho rằng nếu chúng ta không hành động ngay, không có những giải pháp căn cơ, lâu dài thì vấn đề an ninh nguồn nước cho vùng hạ du sông Hồng sẽ không thể được đảm bảo và vấn đề xâm nhập mặn, khô hạn tại đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn vừa qua là một bài học sâu sắc cho vấn đề này. Trong nhiều năm qua, Bộ NN&PTNT đã cùng các Bộ ngành liên quan đề xuất một số giải pháp tháo gỡ tuy nhiên về mặt tổng thể chưa thể giải quyết triệt để được vấn đề và chưa thật hiệu quả. Việc nghiên cứu đề xuất các giải pháp công trình tổng thể, đa mục tiêu nhằm giải quyết vấn đề này là nhiệm vụ khó khăn nhưng rất cấp bách. Chủ nhiệm cho rằng kết quả nghiên cứu của Đề tài có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao; là cơ sở cho việc nghiên cứu và đề xuất tổng thể các giải pháp công trình dâng, điều tiết nước trên dòng chính sông Hồng nhằm ứng phó với tình trạng hạ thấp mực nước trên sông về mùa kiệt và mất cân bằng thoát lũ cho vùng hạ du Sông Hồng. Đồng thời kết quả nghiên cứu của đề tài còn là cơ sở cho việc xém xét bổ sung, điều chỉnh các công trình dâng, điều tiết nước vào quy hoạch tài nguyên nước cho lưu vực Sông Hồng và sông Thái Bình. Mục tiêu của Đề tài nhằm Đề xuất được tổng thể các giải pháp công trình đập dâng (vị trí, quy mô, mục tiêu của từng đập và cả hệ thống đập dâng nước trên sông Hồng) ứng phó tình trạng hạ thấp mực nước về mùa khô và mất cân bằng thoát lũ (phân lưu qua sông Đuống) vùng hạ du sông Hồng, đảm bảo khai thác đa mục tiêu; Đánh giá các tác động của từng đập và của cả hệ thống đập đến dòng chảy (mùa kiệt, mùa lũ), môi trường sinh thái và kinh tế xã hội, sạt lở bờ, bồi lắng, giao thông thủy trên hệ thống sông Hồng; Đề xuất được các vị trí đập dâng vào quy hoạch tổng thể sông Hồng và lựa chọn các vị trí ưu tiên đầu tư trước. Toàn cảnh buổi họp Sau 03 năm thực hiện và triển khai các nội dung nghiên cứu, đề tài đã đạt được một số kết quả nổi bật như: - Tổng quan về thực trạng dòng chảy trên sông Hồng về mùa kiệt, đánh giá chung và đưa ra những nhận định, cảnh báo cho tương lai. - Kết quả tính toán nhu cầu dùng nước và cân bằng nước lưu vực sông Hồng - Sông Thái Bình cho hiện tại và tương lai. - Đưa ra được nguyên nhân chính của việc hạ thấp mực nước trên sông Hồng mùa kiệt, đồng thời đánh giá được các tác động của việc hạ thấp mực nước trên sông Hồng đến các ngành kinh tế, xã hội. Thông qua đó đề tài cũng phân tích, đánh giá được một số các giải pháp khắc phục tình trạng hạ thấp mực nước trên sông Hồng mùa kiệt. - Với kết quả tính toán thủy lực mạng một chiều cho kịch bản hiện trạng có xét đến biến đổi khí hậu và cập nhật các thông số về điều kiện biên mới nhất, đề tài đã đưa ra được đường mực nước thực tế trên sông Hồng mùa kiệt, từ đó có những kiến nghị về phân vùng nghiên cứu các công trình dâng, điều tiết nước trên dòng chính. Đồng thời đánh giá khả năng lấy nước của các công trình dọc trên dòng chính, từ đó kiến nghị và đề xuất nghiên cứu các vị trí vùng tuyến dự kiến xây dựng công trình điều tiết. - Trên cơ sở các vùng nghiên cứu hệ thống từ ngã ba Thao - Đà đến cửa biển đã chỉ ra, đề tài tiến hành xây dựng các tiêu chí đánh giá, so sánh, đề xuất lựa chọn tổ hợp các công trình dâng, điều tiết nước cho từng vùng và từng vị trí tuyến công trình. Từ đó đề tài đã đi sâu nghiên cứu và xác định mục tiêu, nhiệm vụ của hệ thống các công trình đối với từng vùng. Đề xuất bố trí tổng thể, dự kiến quy mô các hạng mục công trình trên sông Hồng và Sông Đuống nhằm đáp ứng được các mục tiêu đề ra. - Thu thập, tổng quan trong nước và trên thế giới về các dạng công trình dâng, điều tiết nước trên các dòng sông chính. Từ đó đưa ra những đánh giá, xem xét những điểm tương đồng và nhận định về việc ứng dụng đối với hệ thống sông Hồng. Cũng qua việc tổng quan này, đề tài một lần nữa khẳng định việc thiết kế và thi công các công trình trên dòng chính với nhiệm vụ đa mục tiêu thì trên thế giới đã làm nhiều và hoàn toàn có thể làm đối với công nghệ, thiết bị sẵn có ở Việt Nam. - Đề xuất bố trí tổng thể, dự kiến quy mô các hạng mục công trình trên sông Hồng và Sông Đuống nhằm đáp ứng được các mục tiêu đề ra. - Cùng với việc kế thừa các nghiên cứu đã có, đề tài còn đề xuất bổ sung các giải pháp kết cấu công trình dâng và điều tiết mới, có tính khả thi cao nhằm khai thác đa mục tiêu. - Trên cơ sở các tài liệu khảo sát về địa hình, thủy văn, bằng mô hình MIKE11, MIKE21, đề tài đã đi sâu tính toán, đánh giá tác động của hệ thống các công trình dâng, điều tiết nước về mùa lũ và mùa kiệt ứng với các giải pháp kết cấu đã lựa chọn, bao gồm: khả năng lấy nước, tiêu nước, khả năng bồi lắng, xói lở, sạt lở bờ sông, giao thông thủy... Từ đó đưa ra những khuyến cáo và đề xuất hoàn chỉnh phương án kết cấu công trình tối ưu nhất. - Với các kịch bản công trình dâng, điều tiết nước đề xuất lựa chọn, đề tài đã tiến hành phân tích, đánh giá Môi trường chiến lược ban đầu (ĐMC). Thông qua việc thực hiện ĐMC đã giúp cho quá trình xây dựng và hoàn thiện phương án chọn được tối ưu và ít ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Phương án chọn được tiếp cận đa ngành và liên ngành, gắn kết giữa phát triển kinh tế - xã hội - môi trường. Sau khi thực hiện ĐMC, một số thông số công trình được điều chỉnh cho phù hợp trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng. - Để so sánh với các giải pháp công trình và phi công trình khác, đề tài đã thực hiện việc đánh giá hiệu quả kinh tế, xã hội cho việc xây dựng các công trình theo 2 phương án: Phương án 1 là xây dựng toàn bộ các công trình từ hạ lưu sông Hồng (ngã ba Thao - Đà) đến cửa Ba Lạt và phương án 2 là chỉ xây dựng một số các vị trí công trình cấp bách và hiệu quả. - Trên cơ sở phân tích kinh tế và hiệu quả đối với hệ thống các công trình đập dâng, điều tiết nước trên sông Hồng, đề tài đưa ra các đánh giá, phân kỳ đầu tư, xây dựng kế hoạch và giải pháp thực hiện đối với từng vị trí công trình nhằm đáp ứng hiệu quả và phù hợp với nhu cầu và điều kiện kinh tế thực tế. - Để phát huy hiệu quả của hệ thống, đề tài đã tiến hành nghiên cứu xây dựng quy trình vận hành hợp lý nhằm khai thác hiệu quả nhất cho hệ thống công trình dâng, điều tiết nước trong hai trường hợp: Xây dựng đồng bộ tất cả các công trình và trường hợp chỉ xây dựng một số công trình cấp bách. - Từ các kết quả nghiên cứu và đánh giá trên các mặt về thủy văn, thủy lực, môi trường, địa chất, giao thông thủy…Đề tài đã lựa chọn và thiết kế sơ bộ cho phương án công trình điều tiết trên sông Hồng và Cụm công trình dâng, điều tiết tỷ lưu trên sông Đuống để làm cơ sở cho việc đánh giá và ước tính khái toán giá thành công trình. - Để thuận lợi cho công tác quản lý thông tin, dữ liệu, đề tài đã tiến hành xây dựng phần mềm dữ liệu phục vụ công tác quản lý, thuận lợi cho việc tra cứu, đồng thời hệ thống lại các cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác xem xét bổ sung quy hoạch các công trình đập dâng nước. Với những kết quả đạt được đó, Hội đồng nhất trí đánh giá nghiệm thu đề tài xếp loại xuất sắc. Tuy nhiên, Hội đồng yêu cầu Chủ nhiệm Đề tài chỉnh sửa hình vẽ, bảng biểu; bổ sung sơ đồ mạng sông, vị trí các đập dâng dự kiến xây dựng vào báo cáo tóm tắt; bổ sung giới thiệu về cách thiết lập mô hình WEAP; làm rõ đánh giá các tác động và lợi ích của việc xây dựng hệ thống đập dâng tới hệ thống giao thông thủy…
Ý kiến góp ý: