Họp Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu cấp cơ sở đề tài độc lập cấp Nhà nước
25/04/2019Ngày 22/4/2019, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã tổ chức họp Hội đồng tư vấn đánh giá nhiệm thu cấp cơ sở Đề tài cấp Quốc gia “Nghiên cứu tổng thể sông Trường Giang và vùng phụ cận phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Nam” do PGS.TS. Nguyễn Quốc Huy - Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình chủ nhiệm. Mã số ĐTĐL.CN-15/16.
Báo cáo trước Hội đồng, thay mặt nhóm thực hiện, PGS.TS. Nguyễn Quốc Huy - Chủ nhiệm Đề tài cho biết trong những năm gần đây do sức ép gia tăng dân số và phát triển kinh tế đã làm ảnh hưởng đến sông Trường Giang, người dân tự ý lấn chiếm lòng sông để nuôi trồng thủy sản khiến cho mất đi sự nguyên trạng vốn có của nó, nhiều đoạn sông thậm chí bị thu nhỏ lại như một con lạch. Mặt khác, do hệ thống giao thông đường bộ phát triển nên vai trò giao thông thủy của sông Trường Giang theo đó mờ nhạt dần.
Cũng theo PGS.TS. Nguyễn Quốc Huy - Chủ nhiệm Đề tài, tác dụng điều hòa lũ, cung cấp nước nuôi trồng thủy sản thì việc giữ nguồn nước sạch sông Trường Giang vẫn còn nguyên giá trị. Đặc biệt, Quảng Nam đã có nhiều đề án, chương trình phát triển du lịch biển, du lịch văn hóa, du ngoạn sông nước làng quê... Du lịch sẽ trở thành nền kinh tế mũi nhọn, là động lực phát triển kinh tế vùng duyên hải thì việc thông thương sông Trường Giang càng quan trọng. Sông Trường Giang có Từ thực tiễn cấp bách nêu trên, UBND tỉnh Quảng Nam đã đề xuất nhiệm vụ đặt hàng với Bộ Khoa học và Công nghệ và Viện Khoa học Thuỷ lợi Việt Nam được giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia: “Nghiên cứu tổng thể sông Trường Giang và vùng phụ cận phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Nam”, PGS.TS. Nguyễn Quốc Huy - Chủ nhiệm Đề tài cho biết thêm. Mục tiêu của Đề tài nhằm xác định được nguồn gốc, đặc điểm hình thành sông Trường Giang; đánh giá được đặc điểm điều kiện tự nhiên, hiện trạng tài nguyên, môi trường, kinh tế - xã hội sông Trường Giang và vùng phụ cận; Xác định được nguyên nhân và mức độ suy thoái tài nguyên, môi trường, các dạng thiên tai tại khu vực nghiên cứu; Đề xuất định hướng và giải pháp tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai khu vực nghiên cứu. Qua khảo sát, nghiên cứu từ năm 2016-2019, tại khu vực sông Trường Giang và vùng phụ cận thuộc tỉnh Quảng Nam, Đề tài đạt được một số kết quả chính có thể kể đến như đã xác định được nguồn gốc, đặc điểm hình thành, điều kiện tự nhiên, hiện trạng tài nguyên, đất nước, khoáng sản, kinh tế - xã hội sông Trường Giang và vùng phụ cận; đã xác định được hiện trạng tài nguyên sinh vật, nguồn lợi thủy sản với 675 loài thuộc 437 giống, 246 họ, 126 bộ thuộc 7 nhóm sinh vật bao gồm thực vật nổi, thực vật bậc cao, động vật nổi, động vật đáy, cá, côn trùng, chim, thú, lưỡng cư, bò sát, các loài có giá trị kinh tế và các loài ngoại lai xâm hại và có nguy cơ xâm hại…. Đề tài xây dựng được 5 bản đồ tỷ lệ 1/25.000: (1) Bản đồ thảm thực vật khu vực sông Trường Giang và vùng phụ cận; (2) Bản đồ phân bố các hệ sinh thái khu vực sông Trường Giang và vùng phụ cận; (3) Bản đồ khu vực phân bố các loài động, thực vật quý hiếm khu vực sông Trường Giang và vùng phụ cận; (4) Bản đồ khu vực phân bố các loài thủy sản có giá trị kinh tế khu vực sông Trường Giang và vùng phụ cận; (5) Bản đồ khu vực phân bố các loài sinh vật ngoại lai xâm hại khu vực sông Trường Giang và vùng phụ cận. Xác định được các nhóm nguyên nhân, mức độ suy thoái tài nguyên, môi trường, các loại thiên tai và dự báo xu thế biến động tài nguyên, môi trường và kinh tế - xã hội khu vực sông Trường Giang và vùng phụ cận. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu sông Trường Giang và vùng phụ cận, bao gồm các dữ liệu về: điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên; đặc điểm kinh tế - xã hội; tài nguyên sinh vật và hiện trạng môi trường khu vực sông Trường Giang và vùng phụ cận tích hợp trên website. Đề xuất được quy hoạch tổng thể và giải pháp quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tại khu vực sông Trường Giang và vùng phụ cận. Xây dựng được 01 mô hình phục hồi rừng ngập mặn, diện tích 02 ha và 01 mô hình nuôi sá sùng, diện tích 02 ha tại xã Tam Giang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Các kết quả nghiên cứu của đề tài đã hoàn thành việc đào tạo 6 thạc sĩ (vượt chỉ tiêu 2 thạc sĩ), góp phần đạo tạo 1 tiến sĩ; Xuất bản 4 bài báo, trong đó vượt chỉ tiêu 1 bài báo đăng trên tạp chí quốc tế, 1 báo cáo khoa học tại hội thảo quốc tế tổ chức tại Nam Kinh, Trung Quốc. Sau khi nghe nhận xét của các thành viên trong Hội đồng, thay mặt Hội đồng, GS.TS. Trần Đình Hòa kết luận: Đây là một đề tài lớn, có nhiều nội dung nghiên cứu, chủ nhiệm Đề tài đã hoàn thành đúng tiến độ đề ra. Đề tài đầy đủ về mặt số lượng, khối lượng, chủng loại các sản phẩm khoa học theo đề cương đã được duyệt, khối lượng thực hiện; hồ sơ nhiệm vụ chuẩn bị nghiêm túc, đúng quy định; các báo cáo khoa học, mô hình và các bài báo có nội dung phong phú, chất lượng tốt; phương pháp nghiên cứu đúng và phù hợp với nội dung nghiên cứu; kết quả nghiên cứu đầy đủ những nội dung đã đặt ra và một số kết quả có thể chuyển giao ngay cho địa phương. Chủ tịch Hội đồng yêu cầu Chủ nhiệm đề tài và nhóm thực hiện Đề tài chỉnh sửa báo cáo tổng hợp, báo cáo tóm tắt, lỗi chính tả, phần tổng quan, kết luận, kiến nghị, tài liệu tham khảo; bổ sung các tài liệu đã được nghiên cứu trước đây vào phần tổng quan ở những dòng sông trên thế giới và ở Việt Nam; làm rõ hơn đối tượng, phạm vi nghiên cứu; bổ sung chi tiết hơn các phương pháp nghiên cứu và kết quả nghiên cứu liên quan đến rừng ngập mặn; đa dạng hệ sinh thái cần phân tích cụ thể hơn, bổ sung phân tích hệ sinh thái rừng trồng, hệ sinh thái bãi cát và cây bụi rải rác trong đó bổ sung phân tích hệ sinh thái rừng trồng, hệ sinh thái bãi cát và cây bụi rải rác; bổ sung thêm các giải pháp quản lý khai thác tài nguyên nước, giải pháp canh tác nông nghiệp… Chủ tịch Hội đồng yêu cầu Chủ nhiệm Đề tài chỉnh sửa, bổ sung theo những ý kiến góp ý của các thành viên Hội đồng. Đề tài được đánh giá đạt yêu cầu để trình Bộ Khoa học và Công nghệ nghiệm thu chính thức.
Ý kiến góp ý: