TextBody
Huy chương 2

Họp Hội đồng tư vấn đánh giá nghiệm thu cấp cơ sở đề tài Độc lập cấp Nhà nước ĐTĐL.CN-64/15

06/06/2018

Ngày 4/6/2018, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã tổ chức họp Hội đồng tư vấn đánh giá nghiệm thu cấp cơ sở nhiệm vụ nghiên cứu KHCN Độc lập cấp Nhà nước “Nghiên cứu đề xuất các mô hình thu gom khai thác bền vững nguồn nước mạch lộ phục vụ cấp nước sạch cho các vùng núi cao, khan hiếm nước khu vực Tây Nguyên” do ThS. Phạm Thế Vinh - Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam làm chủ nhiệm.

Theo Chủ nhiệm Đề tài cho biết nhằm đảm bảo nguồn nước cho đồng bào dân tộc, Nhà nước đã đầu tư xây dựng trên 500 công trình khai thác nguồn nước mạch lộ theo các nguồn vốn khác nhau. Hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên đã có trên 2,93 triệu dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước hợp vệ sinh, từng bước góp phần nâng cao đời sống cho đồng bào đạt trên 72%, tại những vùng khan hiếm nước số dân thiếu nước sạch cao hơn khoảng 37%. Tuy nhiên, cho đến nay do nhiều tác động khách quan, dòng chảy trên các nguồn lộ này đang có nguy cơ suy giảm, những khu vực xây dựng công trình bến nước cũng có nguy cơ giảm năng lực thiết kế.

Vì vậy, Chủ nhiệm cho rằng cần phải nghiên cứu nguy nhân suy giảm nguồn nước mạch lộ và đề xuất được mô hình thu gom khai thác hợp lý.

Sau thời gian 30 tháng triển khai, Đề tài đã góp phần xây dựng đầy đủ hơn bộ cơ sở dữ liệu về hiện trạng các mạch lộ, các công trình khai thác nguồn nước mạch lộ trong 04 tỉnh Tây Nguyên (Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai và Kon Tum).

Trên cơ sở phân tích các tài liệu thu thập như điều kiện địa chất thủy văn, hiện trạng khai thác nguồn nước mạch lộ trong vùng khan hiếm nước nói riêng và trên 4 tỉnh Tây nguyên đã xây dựng được các mô hình thu gom, khai thác và bảo vệ nguồn nước mạch lộ.

Dựa vào các giải pháp này, Đề tài cũng đã xây dựng 02 mô hình thu gom, khai thác và bảo vệ nguồn nước mạch lộ tại hai tỉnh Đắk Nông và Gia Lai đó là (1) Mô hình thu gom nguồn nước mạch lộ sử dụng công nghệ tường chắn kết hợp băng thu nước và mô hình này sẽ cung cấp với lưu lượng khoảng 0,93 l/s đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho 160 hộ với 1000 nhân khẩu; (2) Mô hình sử dụng công nghệ băng thu nước phân tán, cung cấp với lưu lượng khoảng 0,74 l/s đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho 165 hộ với 800 nhân khẩu.

Bên cạnh đó, Đề tài cũng đã xây dựng Sổ tay hướng dẫn khai thác nguồn nước mạch lộ cung cấp cho các nhà quản lý, thiết kế và người sử dụng những thông tin cần thiết để đưa ra những định hướng cũng như khảo sát, thiết kế, thi công và vận hành mô hình thu  gom, khai thác và bảo vệ nguồn nước mạch lộ.

Thay mặt Hội đồng, Chủ tịch Hội đồng PGS.TS. Nguyễn Vũ Việt - Giám đốc Viện kết luận: Đề tài đầy đủ số lượng, khối lượng sản phẩm so với Đề cương được duyệt; Báo cáo tổng hợp, báo cáo tóm tắt đã nêu được tổng thể các nhiệm vụ, các kỹ thuật sử dụng, các nghiên cứu theo các nội dung được giao; Đã nêu được đặc điểm vùng Tây Nguyên và vai trò của các mạch lộ trong việc khai thác, cung cấp nước cho Tây Nguyên; Hiện trạng khai thác, sử dụng mạch lộ trong việc đảm bảo an sinh xã hội về tài nguyên nước đối với Tây Nguyên được trình bày rõ ràng; nêu được các mô hình thu gom khai thác bền vững mạch lộ trên thế giới cũng như ở Việt Nam từ đó đề xuất các mô hình cho khu vực nghiên cứu, gồm 2 mô hình.

Chủ nhiệm Đề tài cần chỉnh sửa lại báo cáo tổng hợp, báo cáo tóm tắt, báo cáo thống kê, báo cáo tự đánh giá, bản vẽ thiết kế mẫu,sổ tay hướng dẫn, trích dẫn tài liệu, lỗi chính tả, việt hóa;  kiến nghị cụ thể và rõ ràng hơn; luận giải về các nguyên nhân và giải pháp chống suy thoái các mạch lộ sâu sắc hơn; làm rõ nội dung khai thác bền vững; phân tích chi tiết hơn về các tiêu chí của mạch lộ để có cơ sở khai thác trong tương lai…

Chủ tịch Hội đồng yêu cầu Chủ nhiệm Đề tài chỉnh sửa, bổ sung theo những ý kiến góp ý của các thành viên Hội đồng. Đề tài nghiệm thu mức đạt. 

Ý kiến góp ý: