TextBody
Huy chương 2

Họp Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu cấp cơ sở đề tài thuộc Chương trình Tây Nguyên 2016 - 2020

01/06/2020

Sáng ngày 29/5/2020, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã tổ chức họp Hội đồng tư vấn đánh giá nhiệm thu cấp cơ sở Đề tài cấp Quốc gia “Nghiên cứu giải pháp nâng cao khả năng lưu giữ và khai thác hiệu quả tài nguyên nước mặt phục vụ phát triển bền vững khu vực Tây Nguyên” do GS.TS. Nguyễn Vũ Việt - Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam chủ nhiệm.

Đây là Đề tài nằm trong Chương  trình Khoa học công nghệ cấp Quốc gia giai đoạn 2016-2020 “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên trong liên kết vùng và hội nhập quốc tế”, mã số: KHCN-TN/16.

Tham dự buổi họp, về phía cơ quan quản lý có đại diện Văn phòng Chương trình Tây Nguyên 16-20; Về phía khách mời có PGS.TS. Nguyễn Thanh Bằng - Trưởng Ban Kế hoạch Tổng hợp và ThS. Nguyễn Thu Thảo - Trưởng Ban Tài chính Kế toán. Hội đồng do GS.TS. Trần Đình Hòa - Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam làm Chủ tịch.

Báo cáo kết quả đề tài trước Hội đồng, GS.TS. Nguyễn Vũ Việt cho biết Tây Nguyên là vùng có nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng và phong phú như tài nguyên rừng, tài nguyên đất đai,  khoáng sản... Ngoài thế mạnh về phát triển lâm nghiệp, Tây Nguyên còn có nhiều vùng chuyên canh các cây đặc sản có giá trị cao như cà phê, cao su, điều. Hiện tại, Tây Nguyên là một trong hai vùng sản xuất hàng hóa nông sản xuất khẩu lớn nhất của cả nước sau đồng bằng sông Cửu Long....

Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng thực sự còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt ngành nông nghiệp. Nguyên nhân là do yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nền kinh tế bước vào thời kỳ phát triển mới theo hướng chuyển đổi mạnh cơ cấu sản xuất và do thiếu nước sản xuất. Biến đổi khí hậu, mùa khô nắng nóng kéo dài, nguồn nước trữ ở các ao hồ, nước ngầm bị cạn kiệt, hạn hán liên tục xảy ra, đặc biệt từ năm 2012 trở lại đây đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất cuối vụ Đông Xuân, đầu vụ Hè Thu và nước sinh hoạt của nhân dân...

Vùng Tây Nguyên là nơi đầu nguồn của 4 hệ thống sông lớn, đó là sông Sê San, sông Ba, sông Srêpôk và sông Đồng Nai và còn nhiều nhánh sông suối nhỏ thuộc các lưu vực khác. Lượng mưa bình quân là 1847,2mm, hàng năm vùng Tây Nguyên nhận được 100,57 tỷ m3 nước mưa, sinh ra lượng dòng chảy mặt 4 hệ thống sông và các lưu vực phụ cận là 55,5 tỷ m3/năm. Ngoài nguồn nước mưa và nước mặt, Tây Nguyên còn có tiềm năng lớn về nước dưới đất với tổng trữ lượng động và trữ lượng tĩnh là 18,5 ngàn m3/ngày (6,75 tỷ m3/năm). Tổng lượng nước dùng cho các ngành kinh tế là khoảng 13 tỷ m3, chiếm 23,3% tổng lượng nước mặt nhưng Tây Nguyên vẫn bị hạn hán. Theo Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tính đến đầu tháng 6/2016, tổng diện tích cây công nghiệp, cây ăn quả bị ảnh hưởng do hạn hán là 110.766 ha, trong đó mất trắng 7.586ha.

GS.TS. Nguyễn Vũ Việt cho rằng Tây Nguyên không thiếu nguồn nước mà thiếu giải pháp lưu trữ và khai thác hiệu quả tài nguyên nước mặt. Do đó, cần thiết phải nghiên cứu các giải pháp khoa học công nghệ tạo nguồn lưu giữ tài nguyên nước mặt, khai thác hiệu quả, bền vững phù hợp với khu vực Tây Nguyên.

Qua quá trình triển khai các nội dung của đề tài, Đề tài đã đạt được một số kết quả như đã nghiên cứu, đánh giá được hiện trạng và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội đến năm 2030 của Tây Nguyên, đánh giá được tổng quan tài nguyên nước mặt, chất lượng nước mặt, phân tích đánh giá được ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên và hoạt động phát triển kinh tế xã hội đến tài nguyên nước mặt Tây Nguyên. Đánh giá và hiện trạng khai thác và quản lý vận hành các công trình khai thác tài nguyên nước mặt.

Đề tài đã phân tích trên cơ sở khoa học và phân vùng tài nguyên nước mặt Tây Nguyên, thành 23 tiểu vùng nghiên cứu thuộc 04 vùng nghiên cứu tương ứng với 4 lưu vực, đã tính toán được tài nguyên nước mặt, xây dựng được bản đồ đẳng trị mưa, bản đồ mô đuyn dòng chảy, tính toán nhu cầu sử dụng nước cho các ngành dùng nước ở các giai đoạn. Dựa vào mô hình MIKE BASIN, đề tài tính toán cân bằng nước, đưa ra lượng thiếu hụt nguồn nước theo thời gian, không gian ứng với các giai đoạn tính toán, nghiên cứu…

Đề tài đã nghiên cứu giải pháp khoa học công nghệ tạo nguồn lưu trữ tài nguyên nước mặt, khai thác hiệu quả, bền vững khu vực Tây Nguyên như nghiên cứu, khôi phục dung tích các hồ chứa hiện có (các hồ có dung tích từ 1 triệu  m3 trở lên) và giải pháp công nghệ chuyển nước hồ chứa; Nghiên cứu giải pháp nâng cấp các đập dâng hiện có tạo thành hồ chứa để lưu trữ và dùng nước cho mùa khô; Nghiên cứu tính toán giải pháp tăng dung tích các hồ chứa trong quy hoạch nhằm tăng khả năng trữ nước; Nghiên cứu, đề xất xây dựng kênh cấp nước cho các hồ chứa lớn đang xây dựng vùng nghiên cứu; Nghiên cứu, đề xuất giải pháp kết nối chuyển nước hồ chứa và bơm cột nước cao để khai thác nước phục vụ phòng chống thiên tai; Nghiên cứu đề xuất và ứng dụng các giải pháp xây dựng các ao, hồ vệ tinh quanh các hồ chứa lớn; Nghiên cứu, đề xuất giải pháp công nghệ đào ao dọc kênh tưới trữ nước mùa mưa tưới cho đầu mùa khô; Nghiên cứu giải pháp công nghệ và cơ chế chính sách để nhân rộng mô hình công nghệ xây dựng những đập nhỏ trên suối để lưu trữ nước (Check Dam); Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp lưu trữ nước mặt vào đới trầm tích bở dời mùa mưa và khai thác vào mùa khô; Nghiên cứu giải pháp tích hợp thu trữ với tưới tiết kiệm; Nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách và xã hội hóa để nhân rộng mô hình; Nghiên cứu, đề xuất các định hướng giải pháp quy hoạch thủy lợi cho vùng Tây Nguyên; Nghiên cứu thiết lập ngân hàng dữ liệu về các công trình lưu trữ nước  phục vụ quy hoạch khai thác tài nguyên nước mặt.

Đặc biệt, Đề tài đã xây dựng thành công mô hình thử nghiệm trình diễn công nghệ lưu giữ và sử dụng hiệu quả tài nguyên nước mặt tại Thị trấn Đắc Hà- huyện Đắc Hà- tỉnh Kon Tum với quy mô 01 hệ thống CT đầu mối bao gồm 01 Đập ngầm, hệ thống 4 ống thu nước; hệ thống cấp nước, trữ nước và tưới (01 máy bơm 03 pha, tuyến đường ống HDPE D90mm cấp lên bể chứa dài 310 m, được chôn chìm dưới đất; 01Bể trữ nước 600m3 BTTM); hệ thống tưới tiết kiệm (01 TB  cấp 2 và hệ thống đường ống, thiết bị tưới nhỏ giọt cho 03 ha tưới nhỏ giọt và hệ thống đường ồng, van tạo nguồn tưới cho 12 ha phun mưa cầm tay). Hiện tại mô hình đã được đưa vào vận hành, hoạt động tốt và đạt hiệu quả cao.

Chủ tịch Hội đồng GS.TS. Trần Đình Hòa - Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam phát biểu tại buổi họp

Tại buổi họp, các thành viên Hội đồng nghiệm thu đã trao đổi, thảo luận, đánh giá các kết quả đạt được của Đề tài và đã nhất trí đánh giá đề tài nghiệm thu đạt yêu cầu.

Ý kiến góp ý: