TextBody
Huy chương 2

Họp Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu cấp cơ sở nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Quốc gia

10/12/2018

Chiều ngày 7/12/2018, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã tổ chức họp Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu cấp cơ sở nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Quốc gia “Nghiên cứu đề xuất các mô hình, giải pháp công nghệ khai thác và bảo vệ nguồn nước trong các thành tạo bazant phục vụ cấp nước sinh hoạt bền vững tại các vùng núi cao, khan hiếm nước khu vực Tây Nguyên”, mã số ĐTĐL.CN-65/15 do TS. Hà Hải Dương - Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường chủ nhiệm.

Báo cáo kết quả của Đề tài trước Hội đồng, TS. Hà Hải Dương cho biết giếng đào, giếng đào có khoan ngang, giếng đào có khoan sâu thẳng đứng, khoan đường kính nhỏ, giếng khoan sâu, khơi dọn điểm lộ đầu nguồn và đào hồ lưu nước ở mạch lộ đầu nguồn là các giải pháp khai thác nước dưới đất đang được sử dụng phổ biến ở khu vực Tây Nguyên. Các giải pháp này mặc dù đã chứng tỏ được hiệu quả sử dụng cho những vùng khan hiếm nước tuy vậy hiện tại có rất ít các mô hình khai thác bền vững, vừa khai thác vừa bổ sung nguồn nước cho nước dưới đất. Ngoài ra, một trong những vấn đề quan trọng nhất trong việc khai thác sử dụng nước ở Tây Nguyên là làm sao giữ được nguồn nước mùa mưa và chống thất thoát nước ngầm để khai thác và sử dụng vào mùa khô.

Do vậy, theo Chủ nhiệm cần thiết phải xem xét đánh giá lại hiện trạng các giải pháp đang được áp dụng và tập trung nghiên cứu các giải pháp khai thác và sử dụng nước dưới đất một cách bền vững, vừa phải có giải pháp thu, trữ nước mưa, nước mặt bổ sung ngược lại cho nguồn nước dưới đất bằng các biện pháp bổ sung nhân tạo.

Xuất phát từ thực tế đó, Chủ nhiệm Đề tài đã nghiên cứu đề xuất các mô hình, giải pháp công nghệ khai thác và bảo vệ nguồn nước trong các thành tạo bazant phục vụ cấp nước sinh hoạt bền vững tại các vùng núi cao, khan hiếm nước khu vực Tây Nguyên với mục tiêu đánh giá được thực trạng và hiệu quả hoạt động của các mô hình giải pháp khai thác nước trong các thành tạo bazant ở Tây Nguyên; đề xuất được các mô hình, giải pháp công nghệ khai thác và bảo vệ nguồn nước trong thành tạo bazant trong các vùng núi cao, khan hiếm nước khu vực Tây Nguyên. Trong đó,phạm vi nghiên cứu của Đề tài tập trung vào tầng chứa nước dưới đất tầng bazant khu vực Tây Nguyên và tỉnh Đắk Nông, Gia Lai là 02 tỉnh được chủ nhiệm lựa chọn là 02 vùng nghiên cứu cụ thể.

Qua quá trình triển khai thực hiện, Đề tài đã đạt được một số kết quả chính như đã điều tra, thu thập số liệu hơn 500 lỗ khoan khai thác nước dưới đất toàn vùng Tây Nguyên; Tổng quan các giải pháp, mô hình khai thác nước dưới đất trên thế giới và ở vùng Tây Nguyên Việt Nam; Đánh giá, tính toán và xây dựng bản đồ tài nguyên nước mưa, dòng chảy mặt theo các lưu vực sông vùng Tây Nguyên; Tính toán được nguồn trữ lượng tĩnh tự nhiên vùng Tây Nguyên; Đã xây dựng bộ bản đồ bao gồm bản đồ hiện trạng và tiềm năng nước dưới đất khu vực Tây Nguyên; bộ bản đồ hiện trạng và tiềm năng nước dưới đất 02 tỉnh Đắk Nông và Gia Lai. Đề tài đã đề xuất được 05 giải pháp bao gồm giải pháp đập ngăn kết hợp băng thu nước BTC; giải pháp làm giảm tốc độ dòng chảy mặt tăng thời gian bổ sung của dòng chảy mặt cho nước dưới đất; dùng hào thu giữ nước mưa trên các sườn dốc bổ sung cho nước dưới đất; bồn thấm kết hợp lỗ khoan hấp phụ nước bổ sung cho nước dưới đất và giải pháp công nghệ dùng giếng bổ sung cho nước dưới đất.

Đặc biệt, Đề tài đã triển khai, ứng dụng thành công 02 công trình thí điểm khai thác kết hợp bảo vệ, phát triển nguồn nước dưới đất với các giải pháp khác nhau tại 02 khu vực khan hiếm nước ở Đắk Nông và Gia Lai đó là (1) Giải pháp sử dụng đập ngầm để thu gom nguồn thất thoát nước dưới đất ra sông để lưu trữ nước đưa về lỗ khoan khai thác phục vụ nhu cầu sử dụng cho sinh hoạt với lưu lượng lỗ khoan khai thác 7,6m3/h, số hộ được cấp nước 115 hộ với 538 nhân khẩu, mỗi nhân khẩu sử dụng 80 lít/người/ngày đêm, hệ thống nano với công suất 1m3/h đảm bảo chất lượng nước theo tiêu chuẩn Bộ Y tế; (2) Giải pháp khoan giếng kết hợp với lỗ khoan nhằm tăng khả năng khai thác nước đới phong hóa Bazant phục vụ cấp nước sinh hoạt với lưu lượng lỗ khoan khai thác 7,6m3/h, lưu lượng hấp thụ của 02 lỗ khoan bổ cập 7,2m3/h, hệ thống nano với công suất 1m3/h đảm bảo chất lượng nước theo tiêu chuẩn Bộ Y tế.

Thay mặt Hội đồng, Chủ tịch Hội đồng PGS.TS. Nguyễn Vũ Việt - Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam kết luận: Đề tài đầy đủ về mặt số lượng, khối lượng, chủng loại các sản phẩm khoa học theo đề cương đã được duyệt, khối lượng thực hiện; phương pháp nghiên cứu tiên tiến, hiện đại và có độ tin cậy; báo cáo tổng hợp  bố cục chặt chẽ, chi tiết, rõ ràng phản ánh đầy đủ nội dung nghiên cứu của Đề tài; các sản phẩm của đề tài đầy đủ, đáp ứng mục tiêu đề ra và có thể áp dụng ngay cho các địa phương có điều kiện tương tự.

Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Đề tài cần chỉnh sửa phần tổng quan, thuật ngữ, hình vẽ, bản đồ, trích dẫn tài liệu, lỗi chính tả; bổ sung thêm thông tin của Đề tài, tóm tắt các kết quả chính,đánh giá về nguồn nước, tiềm năng ô nhiễm nguồn nước, các phương án bảo vệ nguồn nước, tính bền vững của công trình, ảnh hưởng của các hồ chứa, nước ngầm xuyên biên giới, các vùng cụ thể có khả năng áp dụng mô hình đề tài đã đề xuất và có khuyến cáo khi áp dụng, minh chứng bài báo khoa học và đào tạo…; nêu rõ số liệu bơm như lưu lượng, trị số hạ thấp, mực nước động, mực nước tĩnh…

Chủ tịch Hội đồng yêu cầu Chủ nhiệm Đề tài chỉnh sửa, bổ sung theo những ý kiến góp ý của các thành viên Hội đồng.

Đề tài xếp loại đạt.

Ý kiến góp ý: