TextBody
Huy chương 2

Họp Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu cấp cơ sở nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Quốc gia ĐTĐL-CN.66/15

22/01/2019

Ngày 18/1/2019, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã tổ chức họp Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu cấp cơ sở nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Quốc gia “Nghiên cứu công nghệ và giải pháp kỹ thuật để xử lý các giếng khoan có hiệu suất thấp và mực nước động nằm sâu phục vụ cấp nước sạch bền vững cho các vùng khan hiếm nước khu vực Nam Bộ” TS. Lương Văn Thanh - Viện Kỹ thuật Biển  chủ nhiệm.

Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu do PGS.TS. Nguyễn Vũ Việt - Giám đốc Viện làm chủ tịch Hội đồng

Thay mặt nhóm thực hiện đề tài, TS. Phạm Văn Tùng đã báo cáo kết quả của Đề tài trước Hội đồng. Theo báo cáo,

hiện nay, việc khai thác nước ngầm ở Việt Nam chủ yếu dưới hai hình thức là giếng đào và giếng khoan. Hiện nay, việc sử dụng giếng khoan chưa được quản lý triệt để, một số khu vực tiến hành khai thác nước một cách ồ ạt dẫn đến sự suy giảm nhanh chóng của mực nước ngầm. Ở khu vực Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung tình trạng khan hiếm nguồn nước ngầm do quá trình khai thác, sử dụng nguồn nước quá mức, nước ngầm không những được khai thác để phục vụ cho sinh hoạt mà còn khai thác sử dụng phục vụ cho sản xuất. Chính vì vậy làm cho nước ngầm đang có xu hướng ngày một suy giảm về trữ lượng, về mực nước, ngoài ra còn có dấu hiệu suy giảm cả về chất lượng như là nguồn nước bị ô nhiễm chất hữu cơ, mặn...

Do vậy, theo TS. Phạm Văn Tùng việc thực hiện Đề tài này là nhiệm vụ cấp thiết nhằm cung cấp cơ sở lý luận cho việc quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước dưới đất và hệ thống các giếng khoan khai thác trên địa bàn vùng nghiên cứu.

Mục tiêu của đề tài nghiên cứu nhằm Đánh giá được thực trạng và nguyên nhân suy thoái các giếng khoan khai thác nước trong vùng nghiên cứu; Đề xuất được giải pháp khoa học công nghệ phục hồi năng suất giếng khoan khai thác nước trong vùng nghiên cứu.

 

Nhóm thực hiện đã triển khai các nội dung nghiên cứu đó là Tổng quan các vấn đề cần NC về công nghệ và giải pháp kỹ thuật để xử lý các giếng khoan có hiệu suất thấp và mực nước động nằm sâu khu vực Nam Bộ; Nghiên cứu hiện trạng khai thác sử dụng nước ngầm vùng nghiên cứu cụ thể là vùng khan hiếm nước thuộc 2 tỉnh Long An và Bình Phước; Nghiên cứu đánh giá hiện trạng, nguyên nhân các giếng khoan khai thác có hiệu suất thấp và mực nước động nằm sâu; Nghiên cứu đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu suất giếng khoan; Xây dựng mô hình thí điểm về 3 giải pháp đặc trưng ứng dụng vào công trình cải tạo phục hồi và nâng cao hiệu suất giếng khoan. Tính toán hiệu quả kinh tế, kỹ thuật và môi trường của 3 giải pháp mang lại; Xây dựng quy trình thiết kế, thi công và hướng dẫn về công tác vận hành, quản lý, bảo dưỡng và sửa chữa…

 

Đề tài đã ứng dụng kết quả nghiên cứu, lựa chọn vị trí và xây dựng 03 mô hình thí điểm (thuộc vùng khan hiếm nước theo Quyết định số 264/QĐ-TTg ngày 02 tháng 03 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ) ứng dụng vào công trình cải tạo, phục hồi và nâng cao giải pháp giếng khoan, trong đó có 02 mô hình là cải tạo phục hồi giếng khoan bị suy thoái năng suất khai thác trong vùng có địa chất thành tạo bở rời và địa chất đá cứng nứt nẻ, và 01 mô hình sử dụng biện pháp thi công mới để thi công giếng khoan vùng có địa chất thành tạo bở rời:

Mô hình thí điểm 01: Xử lý giếng khoan có hiệu suất thấp và mực nước động nằm sâu vùng địa chất thành tạo bở rời, thuộc trạm cấp nước sinh hoạt tập trung Ấp Chánh, xã Bình Hòa Bắc, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An (thuộc vùng khan hiếm nước tỉnh Long An). Kết quả cụ thể đã cải tạo 01 giếng khoan bằng cách bơm sục rửa, loại bỏ bùn cát lấp trong giếng, khôi phục chiều sâu lỗ khoan và chiều dài phần ống lọc bị lấp nhét; và thiết kế thi công 01 giếng khoan mới có kết cấu phù hợp (thiết kế và thi công giếng “mẫu”) cho những khu vực khan hiếm nước.

Mô hình thí điểm 02: Khoan khai thác bằng biện pháp thi công tiên tiến một giếng khoan ở vùng địa chất thành tạo bở rời thuộc vùng khan hiếm nước phía Tây tỉnh Long An, địa điểm nằm cạnh trường tiểu học Vĩnh Đại, ấp Vàm Gừa, xã Vĩnh Bửu, huyện Tân Hưng tỉnh Long An (thuộc khuôn viên trạm cấp nước Vàm Gừa, vùng khan hiếm nước tỉnh Long An). Kết quả cụ thể là khoan một giếng khoan mới bằng công nghệ cải tiến có thể khoan đến tầng chứa nước có thể khai thác tốt, giếng khoan mới sâu hơn nhiều so với giếng khoan hiện tại; máy khoan nhỏ, gọn và có thể tháo lắp rời từng bộ phận để vận chuyển đến vị trí khoan bằng thủ công dễ dàng. Công nghệ máy khoan tuần hoàn thuận cải tiến, tự chế để thực hiện công tác khoan. Giếng khoan thăm dò đến độ sâu 400m, đo carota lỗ khoan và sau đó gia cố lỗ khoan thăm dò làm giếng khai thác đến độ sâu 366m.

 

Mô hình thí điểm 03: Xử lý giếng khoan có hiệu suất thấp và mực nước động nằm sâu vùng địa chất đá cứng nút nẻ, Ấp Vườn Bưởi, xã Lộc Thiện, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước (thuộc vùng khan hiếm nước tỉnh Bình Phước). Kết quả đáp ứng nhu cầu nước cho 45 hộ dân đồng bào dân tộc S’Tiêng và 01 trường tiểu học tập trung khoảng 30-40 học sinh. Nhiệm vụ đã thực hiện là: (1) Khoan doa mở rộng đường kính toàn bộ lỗ khoan độ sâu (20-115)m trong đá cứng nứt nẻ từ đường kính phi110 lên phi140; (ii) Khoan sâu thêm lỗ khoan từ 115m lên 120m; (iii) Sau khi khoan xong, dùng máy nén khí thổi làm sạch giếng khoan; và (iv) Lắp đặt máy bơm và tiến hành bơm hút nước thí nghiệm, bơm hút nước liên tục trong 10 giờ cho lưu lượng ổn định Q = 2,3 m3/giờ.

 

Sau khi nghe ý kiến của các phản biện, các thành viên Hội đồng. Thay mặt Hội đồng, Chủ tịch Hội đồng PGS.TS. Nguyễn Vũ Việt đã đánh giá cao các sản phẩm thực tiễn của Đề tài. Nhóm thực hiện đề tài đã nghiêm túc triển khai thực hiện và hoàn thành đầy đủ về mặt số lượng, khối lượng, chủng loại các sản phẩm khoa học theo đề cương đã được duyệt, khối lượng thực hiện; Báo cáo có nhiều thông tin, phản ánh cơ bản nội dung nghiên cứu của đề tài; Đề tài đã kết hợp nhiều phương pháp nghiên cứu phù hợp với nội dung của đề tài. Hội đồng cũng đề nghị nhóm thực hiện Đề tài chỉnh sửa báo cáo tổng hợp, báo cáo tóm tắt, bản đồ; nêu rõ tính mới, tính sáng tạo ở phần mở đầu; bổ sung báo cáo thống kê, bám sát các mục tiêu của đề tài; chi tiết hơn đối tượng nghiên cứu; phạm vi nghiên cứu cần giới hạn về nội dung. nên chỉ ra được các địa chỉ hố khoan cụ thể để áp dụng đối với những xã khan hiếm nước.

 

Chủ tịch Hội đồng yêu cầu Chủ nhiệm Đề tài chỉnh sửa, bổ sung theo những ý kiến góp ý của các thành viên Hội đồng.

Đề tài được đánh giá đạt yêu cầu để trình Bộ Khoa học và Công nghệ nghiệm thu chính thức.

Ý kiến góp ý: