Họp Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu cấp cơ sở nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Quốc gia KHCN-TB.14C/13-18
24/12/2018Ngày 22/12/2018, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã tổ chức họp Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu cấp cơ sở nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Quốc gia “Nghiên cứu đề xuất và ứng dụng các giải pháp khoa học, công nghệ phù hợp nâng cao hiệu quả các công trình đập dâng vùng Tây Bắc”. Mã số: KHCN-TB.14C/13-18 do TS. Nguyễn Chí Thanh - Viện Thủy công chủ nhiệm.
Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu do GS.TS. Trần Đình Hòa - Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam làm chủ tịch Hội đồng. Báo cáo kết quả của Đề tài, thay mặt nhóm nghiên cứu TS. Nguyễn Chí Thanh cho biết qua điều tra khảo sát trên địa bàn vùng Tây Bắc có khoảng 11.339 đập dâng đang hoạt động với nhiệm vụ đảm bảo tưới cho 279.328,5 ha lúa. Các công trình đập dâng tại đây có quy mô nhỏ, lấy nước tại chỗ bằng dòng chảy tự nhiên, không có khả năng điều tiết dòng chảy nên trong mùa lũ thường xuyên phải chịu tác động rất lớn vì lũ và dòng chảy bùn cát đổ về công trình. Nhiều đập được xây theo hình thức tạm thời hoặc bán kiên cố dùng vật liệu tại chỗ (cọc, gỗ, tre, nứa, xếp đá...) do vạy, hàng năm khi lũ về đập thường bị hư hưởng, bị bồi lấp, cuốn trôi... dẫn đến hiệu quả cấp nước của các công trình này bị suy giảm nghiêm trọng. Mặt khác, theo kết quả thống kê của tỉnh trên địa bàn vùng Tây Bắc, hầu hết các công trình đập dâng chỉ đảm bảo 50 - 60% năng lực so với thiết kế, thậm chí có rất nhiều công trình không còn khả năng cấp nước. Đứng trước thực trạng đó, Chương trình “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc” đã đưa ra đơn đặt hàng nhiệm vụ khoa học công nghệ theo Quyết định của Đại học Quốc gia Hà Nội, trong đó Đề tài “Nghiên cứu đề xuất và ứng dụng các giải pháp khoa học, công nghệ phù hợp nâng cao hiệu quả các công trình đập dâng vùng Tây Bắc” được giao cho Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam là đơn vị chủ trì thực hiện. Mục tiêu của đề tài là đánh giá được thực trạng hoạt động và vận hành của hệ thống đập dâng trên địa bàn các tỉnh vùng Tây Bắc; Đề xuất các giải pháp khoa học công nghệ tiên tiến phục vụ sửa chữa, nâng cao hiệu quả tưới của các công trình đập dâng trên địa bàn Tây Bắc; Áp dụng kết quả nghiên cứu cho công trình cụ thể. Qua quá trình triển khai nghiên cứu, Đề tài đã đạt được một số kết quả chính: Đã nghiên cứu, đánh giá hiện trạng và hiệu quả các công trình đập dâng khu vực Tây Bắc; Nghiên cứu đánh giá các nguyên nhân gây suy giảm hiệu quả và các tồn tại của các công trình đập dâng khu vực Tây Bắc; Nghiên cứu đề xuất các giải pháp công nghệ tiên tiến phù hợp với điều kiện kinh tế và trình độ quản lý, vận hành để nâng cao hiệu quả của các công trình đập dâng với 05 giải pháp đó là (1) Giải pháp hệ thống lấy nước kiểu ngầm, thay thế cho hệ thống lấy nước kiểu truyền thống; (2) Giải pháp đập dâng kết hợp cửa phai xả bùn cát ở dòng chính; (3) Giải pháp ứng dụng thiết kế thi công kết cấu bê tông vỏ mỏng để khôi phục và nâng cấp thân đập dâng; (4) Giải pháp ứng dụng thiết kế thi công bê tông tự lèn để nâng cấp thân đâph dâng có kết cấu dạng rọ đó; (5) Giải pháp chống kết hợp gia cố nền cuội sỏi; Thiết kế và thi công thành công mô hình thu nước kiểu ngầm thay thế cửa lấy nước truyền thống tại xã Cốc San - Bát Xát - Lào Cai đạt hiệu quả cao và được đánh giá có khả năng nhân rộng... Đặc biệt, Đề tài đã xây dựng bộ tiêu chí đánh giá được hiệu quả của các đập dâng trong khu vực Tây Bắc. Bộ tiêu chí có sự tham giam, đóng góp của nhiều chuyên gia đầu ngành. Bộ tiêu chí không chỉ đánh giá được hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội mà còn đánh giá được tính dễ bị tổn thương của đập dâng. Thay mặt Hội đồng, GS.TS. Trần Đình Hòa - Chủ tịch Hội đồng - Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã đánh giá cao nỗ lực của nhóm thực hiện và các kết quả đạt được của Đề tài; đề tài có ý nghĩa khoa học, ý nghĩa thực tiễn cao, thi công triển khai áp dụng cho công trình thử nghiệm ngoài thực tế. Đề tài đầy đủ về mặt số lượng, khối lượng, chủng loại các sản phẩm khoa học , mục tiêu đề ra theo đề cương đã được duyệt; cách tiếp cận, phương pháp nghiên cứu đúng hướng. Chủ nhiệm Đề tài cần hoàn thiện các báo cáo theo đúng quy định của Nhà nước; chỉnh sửa phần tổng quan; bổ sung thêm phương pháp tính toán, thiết kế, điều kiện áp dụng từng giải pháp, bản vẽ và sản phẩm liên quan đến các giải pháp; bổ sung thêm giải pháp mềm, giải pháp phi công trình; cần có đánh giá tổng hợp, xác định lại các tên, nhóm bộ tiêu chí để người đọc dễ sử dụng; các công thức, phương pháp tính toán cần thống nhất theo quy phạm thiết kế thi công hiện hành; bổ sung báo cáo thống kê; giải pháp được áp dụng ngoài thực tế cần bổ sung thêm phân tích, tổng hợp, đánh giá sau khi ứng dụng để làm nổi bật giá trị kết quả nghiên cứu từ đó thấy được hiệu quả làm cơ sở cho việc nhân rộng, chỉnh sửa kết luận và kiến nghị... Chủ tịch Hội đồng yêu cầu Chủ nhiệm Đề tài chỉnh sửa, bổ sung theo những ý kiến góp ý của các thành viên Hội đồng. Đề tài xếp loại đạt.
Ý kiến góp ý: