Họp Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Quốc gia
22/10/2018Ngày 17/10, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức họp Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Quốc gia với Đề tài “Nghiên cứu tổng thể giải pháp công trình đập dâng nước nhằm ứng phó tình trạng hạ thấp mực nước, đảm bảo an ninh nguồn nước cho vùng hạ du sông Hồng” do GS.TS. Trần Đình Hòa - Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam chủ nhiệm. Mã số: ĐTĐL.CN-58/15
Theo Chủ nhiệm Đề tài, trong những năm gần đây, dòng chảy sông Hồng đã và đang có những biến động mạnh, mực nước ngày càng bị hạ thấp, chế độ dòng chảy thay đổi, ô nhiễm môi trường trầm trọng.. gây ảnh hưởng nặng nề đến dân sinh, kinh tế, xã hội của toàn vùng. Tỷ lệ phân lưu nước từ sông Hồng vào sông Đuống có sự gia tăng đột biến so với giai đoạn trước 1998. Về mùa lũ, sự gia tăng tỷ lệ phân lưu vào sông Đuống sẽ làm tăng nguy cơ cho hệ thống đê điều và công trình kè khi xảy ra lũ lớn. Về mùa kiệt, mực nước lại có xu thế ngày càng hạ thấp đã gây ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động bình thường của công trình lấy nước lớn trên sông Đuống và sông Hồng, yêu cầu lượng nước xả về hạ du trong thời kỳ đổ ải từ các hồ chứa nguồn nước ngày càng gia tăng. Thay mặt cơ quan chủ trì Đề tài, PGS.TS. Nguyễn Vũ Việt - Giám đốc Viện phát biểu tại buổi họp Đối với an ninh nguồn nước vùng hạ du sông Hồng, ngoài vấn đề hạ thấp lòng dẫn, vùng ven biển cũng đã đồng thời chịu tác động mạnh mẽ của việc xâm nhập mặn. Sự giảm sút mực nước về mùa kiệt đã làm cho vấn đề xâm nhập mặn vùng ven biển khó kiểm soát hơn. Vấn đề ô nhiễm môi trường nặng nề trên toàn hệ thống thủy lợi nội đồng cũng như nội đô các thành phố lớn, đặc biệt là TP. Hà Nội ngày càng có xu hướng gia tăng một cách trầm trọng mà một trong những nguyên nhân quan trọng là không chủ động được nguồn nước để xử lý. Do vậy, Chủ nhiệm Đề tài cho rằng nếu chúng ta không hành động ngay, không có những giải pháp căn cơ, lâu dài thì vấn đề an ninh nguồn nước cho vùng hạ du sông Hồng sẽ không thể được đảm bảo và vấn đề xâm nhập mặn. Trong nhiều năm qua, Bộ NN&PTNT đã cùng các Bộ ngành liên quan đề xuất một số giải pháp tháo gỡ nhưng các giải pháp mới chỉ mang tính ứng phó mà chưa có tính căn cơ lâu dài. Việc nghiên cứu đề xuất các giải pháp công trình tổng thể, đa mục tiêu nhằm giải quyết vấn đề này là nhiệm vụ khó khăn nhưng rất cấp bách. Do đó, việc đề xuất, lựa chọn nghiên cứu tổng thể giải pháp công trình dâng, điều tiết nước nhằm ứng phó tình trạng hạ thấp mực nước, đảm bảo an ninh nguồn nước cho vùng hạ du Sông Hồng, theo Chủ nhiệm Đề tài là một trong những nhiệm vụ cấp bách có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao. Mục tiêu của đề tài đó là (1) Đề xuất được tổng thể các giải pháp công trình đập dâng (vị trí, quy mô, mục tiêu của từng đập và cả hệ thống đập dâng nước trên sông Hồng) ứng phó tình trạng hạ thấp mực nước về mùa khô và mất cân bằng thoát lũ (phân lưu qua sông Đuống) vùng hạ du sông Hồng, đảm bảo khai thác đa mục tiêu; (2) Đánh giá các tác động của từng đập và của cả hệ thống đập đến dòng chảy (mùa kiệt, mùa lũ), môi trường sinh thái và kinh tế xã hội, sạt lở bờ, bồi lắng, giao thông thủy trên hệ thống sông Hồng; (3) Đề xuất được các vị trí đập dâng vào quy hoạch tổng thể sông Hồng và lựa chọn các vị trí ưu tiên đầu tư trước. Chủ nhiệm Đề tài GS.TS. Trần Đình Hòa - Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam báo cáo kết quả của Đề tài Sau 30 tháng thực hiện, Đề tài đã đạt được các quả chính sau: - Đã tổng quan về thực trạng dòng chảy trên sông Hồng về mùa kiệt, đánh giá chung và đưa ra những nhận định, cảnh báo cho tương lai. - Kết quả tính toán nhu cầu dùng nước và cân bằng nước lưu vực sông Hồng - Sông Thái Bình cho hiện tại và tương lai - Nêu được nguyên nhân chính của việc hạ thấp mực nước trên sông Hồng mùa kiệt, đồng thời đánh giá được các tác động của việc hạ thấp mực nước trên sông Hồng đến các ngành kinh tế, xã hội; phân tích, đánh giá được một số các giải pháp khắc phục tình trạng hạ thấp mực nước trên sông Hồng mùa kiệt. - Với kết quả tính toán thủy lực mạng một chiều cho kịch bản hiện trạng có xét đến biến đổi khí hậu và cập nhật các thông số về điều kiện biên mới nhất, đề tài đã đưa ra được đường mực nước thực tế trên sông Hồng mùa kiệt, từ đó có những kiến nghị về Phân vùng nghiên cứu, các vị trí vùng tuyến dự kiến xây dựng công trình điều tiết trên dòng chính; đánh giá khả năng lấy nước của các công trình. - Trên cơ sở đề xuất lựa chọn tổ hợp các công trình dâng, điều tiết nước; đề tài đã nghiên cứu đề xuất bố trí tổng thể, xác định mục tiêu, nhiệm vụ của các công trình đối với từng vùng nhằm đáp ứng được các mục tiêu đề ra. - Đã đề xuất các giải pháp kết cấu công trình dâng và điều tiết có tính khả thi cao nhằm khai thác đa mục tiêu. - Bằng mô hình MIKE11, MIKE21, đề tài đã tính toán, đánh giá tác động của hệ thống các công trình dâng, điều tiết nước về mùa lũ và mùa kiệt ứng với các giải pháp kết cấu đã lựa chọn, bao gồm: khả năng lấy nước, tiêu nước, khả năng bồi lắng, xói lở, sạt lở bờ sông, giao thông thủy... Từ đó đưa ra những khuyến cáo và đề xuất hoàn chỉnh phương án kết cấu công trình tối ưu nhất - Đề tài đã đánh giá Môi trường chiến lược ban đầu (ĐMC), nhằm điều chỉnh một số thông số công trình cho phù hợp trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng. - Đã thực hiện việc đánh giá hiệu quả kinh tế, xã hội cho các phương án đầu tư xây dựng công trình - Trên cơ sở phân tích kinh tế và hiệu quả đối với hệ thống các công trình đập dâng, điều tiết nước trên sông Hồng, đề tài đưa ra các đánh giá, phân kỳ đầu tư, xây dựng kế hoạch và giải pháp thực hiện đối với từng vị trí công trình nhằm đáp ứng hiệu quả và phù hợp với nhu cầu và điều kiện kinh tế thực tế. - Đề xuất bố trí tổng thể, dự kiến quy mô các hạng mục công trình trên sông Hồng và Sông Đuống nhằm đáp ứng được các mục tiêu đề ra. - Để phát huy hiệu quả của hệ thống, đề tài đã tiến hành nghiên cứu xây dựng quy trình vận hành hợp lý nhằm khai thác hiệu quả nhất cho hệ thống công trình dâng, điều tiết nước trong hai trường hợp: Xây dựng đồng bộ tất cả các công trình và trường hợp chỉ xây dựng một số công trình cấp bách. - Đề tài đã lựa chọn và thiết kế sơ bộ cho phương án công trình điều tiết trên sông Hồng và Cụm công trình dâng, điều tiết tỷ lưu trên sông Đuống để làm cơ sở cho việc đánh giá và ước tính khái toán giá thành công trình - Để thuận lợi cho công tác quản lý thông tin, dữ liệu, đề tài đã tiến hành xây dựng phần mềm dữ liệu phục vụ công tác quản lý, thuận lợi cho việc tra cứu, đồng thời hệ thống lại các cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác xem xét bổ sung quy hoạch các công trình đập dâng nước. Cũng theo Chủ nhiệm Đề tài, GS.TS. Trần Đình Hòa cho biết, bên cạnh các kết quả nghiên cứu chính, Đề tài đã và đang đào tạo 03 học viên cao học, trong đó 01 học viên đã nhận bằng Thạc sỹ và 02 học viên đang làm luận văn; Các kết quả nghiên cứu đã được công bố trong 04 bài báo trên các tạp chí chuyên ngành; báo cáo khoa học tại 05 cuộc hội thảo; Sản phẩm của đề tài cũng đưa ra được 02 giải pháp hữu ích, các giải pháp này đã được Cục sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) chấp nhận đơn. Ông Nguyễn Đình Hậu - Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành Kinh tế - Kỹ thuật phát biểu tại buổi họp Sau khi nghe các ý kiến phản biện, các thành viên trong Hội đồng, Chủ tịch Hội đồng GS.TS. Trần Viết Ổn kết luận: Báo cáo tổng hợp đã đề cập được đầy đủ các nội dung nghiên cứu với tính logic; các phương pháp nghiên cứu hiện đại, thông dụng và phù hợp với các nội dung nghiên cứu; Báo cáo tóm tắt đã nêu được các sản phẩm chính của Đề tài, hình thức và nội dung phù hợp với yêu cầu. Về các nội dung nghiên cứu, Đề tài đã đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ khoa học công nghệ, các nội dung có tính logic, khoa học, chặt chẽ, các kết quả nghiên cứu có độ tin cậy cao; các sản phẩm nghiên cứu đáp ứng đầy đủ về chủng loại, khối lượng, số lượng so với yêu cầu, chất lượng đạt mức xuất sắc, sản phẩm đào tạo vượt yêu cầu, có 2 giải pháp hữu ích. Chủ tịch Hội đồng cũng yêu cầu Chủ nhiệm Đề tài chỉnh sửa lại báo cáo tổng hợp, lỗi chính tả; xem xét trong tính toán cân bằng nước; dòng chảy môi trường và đề nghị Chủ nhiệm Đề tài xem xét, tiếp thu, chỉnh sửa, bổ sung theo các ý kiến của phản biện và các thành viên Hội đồng. Qua bỏ phiếu kín, Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Quốc gia kết luận Đề tài đạt yêu cầu nghiệm thu.
Ý kiến góp ý: