TextBody
Huy chương 2

Họp Hội đồng tư vấn tự đánh giá kết quả đề tài khoa học công nghệ cấp quốc gia

14/03/2022

Vừa qua, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã tổ chức họp Hội đồng Tư vấn tự đánh giá kết quả đề tài cấp quốc gia “Nghiên cứu đề xuất công nghệ phù hợp xử lý chất thải chăn nuôi quy mô trang trại vừa và nhỏ thành phân bón hữu cơ” do ThS. Phạm Chí Trung chủ nhiệm. Đây là Đề tài thuộc Chương trình KHCN phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020.

Tham dự buổi họp có GS.TS. Nguyễn Tùng Phong - Phó Giám đốc Viện - Chủ tịch Hội đồng và các thành viên trong Hội đồng; ThS. Trần Mạnh Trường - Phó Trưởng Ban Kế hoạch Tổng hợp và nhóm nghiên cứu đề tài.

Báo cáo kết quả của Đề tài, ThS. Phạm Chí Trung - Chủ nhiệm Đề tài cho biết: cùng với sự gia tăng của sản xuất, vấn đề chất thải chăn nuôi đã và đang tạo áp lực lớn đến vấn đề ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh đã ảnh hưởng ngược lại đến hiệu quả kinh tế và phát triển của ngành chăn nuôi. Trên 80% chất thải chăn nuôi được sử dụng trực tiếp hoặc xả vào môi trường đã gây ô nhiễm nghiêm trọng và luôn là nguy cơ tác động đến sự bền vững với sản xuất nông nghiệp nói chung và ngành chăn nuôi nói riêng. Tốc độ phát triển của ngành chăn nuôi như hiện nay, lượng phát thải chất thải rắn của chăn nuôi tăng tỷ lệ thuận với tốc độ tăng trưởng quy mô. Tuy vậy việc quản lý và xử lý chất thải chăn nuôi chưa được quan tâm đúng mức. Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức và ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường của các chủ trang trại, gia trại chưa cao.

Bên cạnh đó, để đạt được tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm trong xây dựng nông thôn mới, yêu cầu đặt ra đối với bảo vệ môi trường trong chăn nuôi đó là tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường đạt từ 60% trở lên, chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định,... Mặc dù, các hộ gia đình và các chủ trang trại đã lắp đặt, xây dựng hầm biogas hay áp dụng công nghệ xử lý chất thải để sử dụng, góp phần giảm thiểu phần lớn chất thải, rác thải làm suy giảm môi trường. Tuy nhiên, việc sử dụng bể Biogas, ủ phân compost, dùng hồ lắng đều chưa xử lý được chất thải chăn nuôi một chách triệt để về mùi (ô nhiễm không khí), gây phì dưỡng cho nước, ô nhiễm đất. Các chi phí để xử lý môi trường chăn nuôi đã làm gia tăng chi phí sản xuất của người chăn nuôi, dẫn đến việc ứng dụng các công nghệ xử lý môi trường trong chăn nuôi trở nên không bền vững. Việc ban hành các văn bản quy định và hướng dẫn bảo vệ môi trường trong chăn nuôi còn hạn chế, đồng thời công tác triển khai, giám sát, thanh kiểm tra và đánh giá môi trường chăn nuôi chưa được quan tâm đúng mức… 

Do vậy, việc nghiên cứu đề xuất công nghệ phù hợp xử lý chất thải chăn nuôi lợn quy mô trang trại vừa và nhỏ thành phân bón hữu cơ nhằm phục vụ cho ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn ở Việt Nam là phù hợp và cần thiết, công nghệ nêu trên sẽ làm giảm ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi đồng thời tận dụng được nguồn chất thải trong chăn nuôi làm nguồn phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp bền vững, phù hợp với xu hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ và góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Mục tiêu của đề tài nhằm lựa chọn được công nghệ thu gom, xử lý chất thải rắn và nước thải từ các trang trại chăn nuôi lợn quy mô vừa và nhỏ thành phân bón hữu cơ đạt tiêu chuẩn QCVN01-189:2019/BNNPTNT, tạo giá trị gia tăng cho người sản xuất và bảo vệ môi trường chăn nuôi.

Qua thời gian triển khai nghiên cứu, Đề tài đã đạt được một số kết quả chính như: Đã xây dựng phiếu điều tra, đã tiến hành khảo sát, đánh giá, tham vấn các bên liên quan và hộ chăn nuôi tại các huyện Cẩm Giàng, Kim Thành tỉnh Hải Dương, huyện Nga Sơn, Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá, huyện Việt Yên và Hiệp Hoà tỉnh Bắc Giang.

Dựa trên kết quả phân tích so sánh các công nghệ, thiết bị trong nước và trên thế giới cho thu gom, xử lý, tách ép phân, Đề tài đã nghiên cứu, cải tiến, hoàn thiện sơ đồ thiết kế thiết bị và tổ chức gia công chế tạo hoàn chỉnh hệ thống tách, ép phân bằng các vật liệu, động cơ có sẵn tại thị trường Việt Nam để nghiên cứu cải tiến, thiết kế thiết bị tách chất thải rắn trong phân lợn phù hợp cho quy mô chăn nuôi vừa và nhỏ. Hệ thống thiết bị được nghiên cứu tích hợp giữa công nghệ sàng rung và công nghê trục vít để khắc phục nhược điểm của mỗi công nghệ trong hoạt động tách pha rắn và pha lỏng, công suất tối thiểu 03-05m3/h (phù hợp quy mô trạng trại vừa và nhỏ). Chi phí thành phẩm khoảng 100 triệu đồng/hệ thống thiết bị. Sơ đồ thiết kế cho phép chuyển giao để sản xuất trên quy mô công nghiệp.

Đã nghiên cứu lựa chọn giải pháp công nghệ phù hợp thu gom, tách và xử lý chất thải chăn nuôi lợn áp dụng cho các trang trại chăn nuôi lợn quy mô vừa và nhỏ. Quy trình này đã tận dụng triệt để hệ thống thu gom chất thải, các hồ thuỷ sinh (ao cá), các hầm Biogas hiện có của trang trại, rút ngăn thời gian xử lý chất thải, hạn chế việc mất đất cho việc tăng quy mô các hầm Biogas khi áp dụng duy nhất giải pháp xử lý khí sinh học. Tận dụng được nguồn chất thải để sản xuất phân bón hữu cơ đạt QCVN01-189:2019/BNNPTNT

Đề tài đã lắp đặt và vận hành tài hộ chăn nuôi Phạm Thị Mây xã Cẩm Hoàng, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Nguồn chất thải sau tách ép sẽ là nguyên liệu đầu vào của dây chuyền sản xuất phân bón hữu cơ dạng rắn và dạng lỏng từ nguồn phân tại các trang trại quy mô vừa và nhỏ phù hợp với quy chuẩn QCVN01-189:2019/BNNPTNT, vừa giảm được thời gian, kinh phí xử lý chất thải chăn nuôi, giúp bảo vệ môi trường, tạo thêm giá trị gia tăng của các trang trại chăn nuôi.

Từ nguồn chất thải được thu gom, Đề tài đã tiến hành các thí nghiệm phân tích để lựa chọn các loại chế phẩm vi sinh vật, các nguyên liệu, phụ gia để ủ, phối trộn với chất thải chăn nuôi lợn, qua đó hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ dạng rắn, dạng lỏng từ nguồn chất thải chăn nuôi lợn.

Đề tài đã phối hợp với Công ty Cổ phần Công nghệ Vi sinh và môi trường, Công ty cổ phần phân bón FUSA tại tỉnh Hải Dương để Xây dựng mô hình sản xuất phân bón hữu cơ dạng rắn, dạng lỏng, quy mô công suất 30 tấn/tháng, đóng gói sản phẩm, xây dựng bao bì, tiến hành đăng ký mã sản phẩm phân bón.

Tập huấn, chuyển giao về  Quản lý môi trường và xử lý chất thải chăn nuôi cho 200 cán bộ thú y và hộ chăn nuôi tại 03 tỉnh đã nâng cao nhận thức cho các hộ chăn nuôi và các bên liên quan về vấn đề tác động môi trường, yêu cầu chất lượng môi trường, các vấn đề ô nhiễm và lợi ích của hộ chăn nuôi khi áp dụng giải pháp công nghệ phù hợp thu gom, tách và xử lý chất thải chăn nuôi lợn áp dụng cho các trang trại chăn nuôi lợn quy mô vừa và nhỏ do đề tài nghiên cứu và đề xuất. Các tài liệu hướng dẫn được xây dựng đơn giản, rõ ràng, và dễ ứng dụng, các lớp tập huấn sẽ giới thiệu dây truyền công nghệ, hướng dẫn xây dựng, lắp đặt cho các hộ nông dân, dẫn đến khả năng ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào sản xuất kinh doanh trên thị trường là rất cao.

Cung cấp số liệu phục vụ đào tạo 01 học viên cao học làm luận văn tốt nghiệp về xử lý môi trường và đã công bố 01 bài báo trên tạp chí khoa học; xây dựng 01 video clip giới thiệu về kết quả dự án phục vụ công tác tuyên truyền phổ biến nhân rộng.

Sau khi nghe ý kiến phát biểu của các thành viên Hội đồng, GS.TS. Nguyễn Tùng Phong - Chủ tịch Hội đồng - Phó Giám đốc Viện kết luận: Đề tài đã đáp ứng về mặt số lượng, khối lượng, chủng loại các sản phẩm khoa học theo đề cương đã được duyệt, khối lượng thực hiện; chất lượng của sản phẩm phẩm đáp ứng được các chỉ tiêu theo đặt hàng. Đã tổng quan được các vấn đề nghiên cứu có liên quan để từ đó tham khảo định hướng đề xuất công nghệ trong công tác thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi lợn ở trang trại quy mô vừa và nhỏ. Các phương pháp và kỹ thuật sử dụng có tính logic, hiện đại, có độ tin cậy đáp ứng được yêu cầu giải quyết đối với các nội dung nghiên cứu.

Chủ nhiệm Đề tài cần chỉnh sửa lại kết cấu của báo cáo, tăng hàm lượng khoa học, tính phân tích và kết nối giữa các phần; làm rõ các đóng góp mới của đề tài, cơ sở khoa học các đề xuất; bổ sung cơ sở khoa học cải tiến quy trình thu gom và sản xuất; nêu rõ khái niệm về “trang trại vừa và nhỏ” và công nghệ phù hợp; bổ sung các thông tin về mô hình tại các địa điểm áp dụng, hiệu quả môi trường; bổ sung bản vẽ của thiết bị, chứng minh thiết bị cải tiến NTM-VTL21 phù hợp với quy mô trang trại vừa và nhỏ; chỉnh sửa phần kết luận, chính tả, trích dẫn tài liệu

Chủ tịch Hội đồng đề nghị Chủ nhiệm Đề tài cần chỉnh sửa, bổ sung theo các ý kiến góp ý của Hội đồng, thông qua phản biện và chủ tịch hội đồng.

Đề tài nghiệm thu đạt.

Ý kiến góp ý: