Họp Hội đồng tư vấn tự đánh giá kết quả đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cấp Bộ
30/10/2024Ngày 30/10/2024, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã tổ chức họp Hội đồng tư vấn tự đánh giá kết quả đề tài cấp Bộ “Nghiên cứu giải pháp và công nghệ xây dựng trạm bơm hướng trục lưu lượng lớn, cột nước thấp phục vụ cấp, thoát nước (ngọt, lợ) kịp thời, hiệu quả cho vùng đồng bằng sông Cửu Long” do TS. Đỗ Hồng Vinh - Viện Bơm và Thiết bị Thủy lợi chủ nhiệm.
Tham dự buổi họp ngoài các thành viên Hội đồng còn có Ông Khổng Trung Duân - Đại diện Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Ông Nguyễn Mạnh Trường - Phó Viện trưởng Viện Bơm và Thiết bị Thủy lợi; Đại diện lãnh đạo và chuyên viên Ban Kế hoạch Tổng hợp, Ban Tài chính Kế toán và các thành viên nhóm thực hiện Đề tài.
TS. Đỗ Hồng Vinh cho biết trong những năm qua, Việt Nam đã có một số công trình nghiên cứu về bơm cột nước thấp như bơm chìm kiểu capsule, bơm chống ngập kết cấu hở… tuy nhiên giá thành các loại bơm này cao, tuổi thọ thấp nên chưa được ứng dụng nhiều trong thực tiễn. Thực tế với các khu vực địa hình có cột nước thấp, hiện nay sử dụng rất nhiều loại bơm với các mô hình trạm bơm khác nhau và chưa có loại nào thể hiện tính ưu việt vượt trội. Thậm chí nhiều trạm sử dụng sai chủng loại máy bơm chỉ dùng cho các trạm có cột nước cao, gây nên sự xáo trộn và lãng phí trong đầu tư.
Theo TS. Đỗ Hồng Vinh, với việc nghiên cứu ứng dụng trạm bơm lắp đặt bơm hướng trục lưu lượng lớn và cột nước thấp (ns cao), sẽ có thêm một giải pháp tưới tiêu động lực cho các khu vực địa hình cột nước thấp, đặc biệt thích hợp cho đồng bằng sông Cửu Long. Với đặc điểm chính là máy bơm có kết cấu nhỏ gọn, lưu lượng bơm lớn, tuổi thọ, hiệu suất cao và giá thành rẻ, việc xây dựng các trạm bơm điện này sẽ đêm lại hiệu quả kinh tế và lâu dài, phù hợp với các vùng có địa hình cột nước thấp như vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nhờ áp dụng công nghệ vật liệu tiên tiến, máy bơm này ngoài việc sử dụng để bơm nước ngọt còn có thể bơm nước lợ, thậm chí là nước mặn trong trường hợp cần thiết.
Chính vì vậy, TS. Đỗ Hồng Vinh cho rằng việc nghiên cứu giải pháp và công nghệ xây dựng trạm bơm hướng trục lưu lượng lớn, cột nước thấp phục vụ cấp, thoát nước (ngọt, lợ) kịp thời, hiệu quả cho vùng đồng bằng sông Cửu Long là nhu cầu hết sức cấp thiết.
Mục tiêu của Đề tài là đánh giá được thực trạng về yêu cầu cấp, thoát nước (ngọt, lợ) phục vụ đa mục tiêu vùng Đồng bằng Sông Cửu Long; Đề xuất được giải pháp, công nghệ chế tạo máy bơm và xây dựng trạm bơm hướng trục tỷ tốc cao, lưu lượng lớn, cột nước thấp nhằm chủ động, kịp thời cấp, thoát nước cho vùng ĐBSCL; Áp dụng thử nghiệm 01 tổ máy bơm hướng trục tỷ tốc (ns) cao, lưu lượng Q = 3000- 6000m3/h, cột áp H = 2,5 - 4,5m lắp đặt cho khu vực ĐBSCL.
Qua quá trình triển khai 07 nội dung nghiên cứu, Đề tài đã đạt được một số kết quả chính: Đã thu thập, đánh giá được thực trạng về tình hình cấp thoát nước ngọt, lợ ở ĐBSCL; Bộ hồ sơ về quy trình công nghệ và hướng dẫn thiết kế, chế tạo, vận hành, lắp đặt bơm hướng trục tỷ tốc (ns) cao, lưu lượng lớn, cột nước thấp; Bộ hồ sơ thiết kế, công nghệ chế tạo máy bơm hướng trục với các thông số: Công suất động cơ N =75KW, tỷ tốc ns = 1100-1200 v/ph, lưu lượng Q = 3000 - 6000m3/h, cột áp H = 2,5 - 4,5m, hiệu suất đạt tối thiểu h=70%; Đưa ra giải pháp xây dựng trạm bơm hướng trục lưu lượng lớn, cột nước thấp nhằm chủ động, kịp thời cấp, thoát nước cho vùng ĐBSCL; Xây dựng sổ tay hướng dẫn thiết kế, chế tạo, lắp đặt và vận hành máy bơm và trạm bơm hướng trục tỷ tốc (ns) cao, lưu lượng lớn và cột nước thấp.
Áp dụng lắp đặt máy bơm nguyên hình, loại bơm kiểu cánh cống có khả năng bơm 2 chiều tại Cống số 2 kênh Tân Vọng - Vọng Thê - Thoại Sơn - An Giang. Kết quả thử nghiệm cho thấy các thông số máy bơm đạt các yêu cầu thiết kế và đảm bảo các thông số kỹ thuật. Được đơn vị ứng dụng và Đoàn kiểm tra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đánh giá cao.
Phát biểu tại buổi họp, PGS.TS. Nguyễn Thanh Bằng - Chủ tịch Hội đồng đã đánh giá cao sự cố gắng của chủ nhiệm và nhóm thực hiện trong việc hoàn thiện các sản phẩm của Đề tài và các kết quả đạt được của Đề tài. Đề tài đáp ứng đầy đủ về mặt số lượng, khối lượng, chủng loại các sản phẩm khoa học theo đề cương đã được duyệt. Báo cáo tổng kết và báo cáo tóm tắt đã phản ánh đầy đủ những nội dung theo đề cương; Các phương pháp nghiên cứu được sử dụng trong đề tài phù hợp với nội dung và mục tiêu nghiên cứu, cách tiếp cận của Đề tài phù hợp.
Chủ tịch Hội đồng yêu cầu Chủ nhiệm Đề tài bố cục lại báo cáo tổng kết, báo cáo tóm tắt để tăng hàm lượng khoa học của Đề tài; bổ sung kết luận các Chương; chỉnh sửa phần kết luận trong báo cáo; Bổ sung đánh giá về hiệu suất của mô hình, kiểm định độc lập sản phẩm; Đăng ký sớm bản quyền sở hữu trí tuệ trước khi nộp nghiệm thu cấp Bộ; bổ sung thêm kiến nghị Bộ Nông nghiệp cho triển khai dự án sản xuất thử nghiệm vào kiến nghị của báo cáo tổng kết; chỉnh sửa lỗi chính tả, bảng biểu…
Chủ tịch Hội đồng yêu cầu Chủ nhiệm Đề tài chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện theo các ý kiến góp ý của Hội đồng.
Đề tài nghiệm thu đạt.
Ý kiến góp ý: