Họp kiểm tra mô hình vật lý “Đánh giá hiệu quả giảm sóng và khả năng trao đổi bùn cát của cấu kiện bê tông lắp ghép - CT3N.WIP1”
14/05/2020Sáng ngày 13/5/2020, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã tổ chức buổi họp kiểm tra mô hình vật lý “Đánh giá hiệu quả giảm sóng và khả năng trao đổi bùn cát của cấu kiện bê tông lắp ghép-CT3N.WIP1”. Đây là mô hình vật lý trong khuôn khổ đề tài “Nghiên cứu giải pháp mềm bảo vệ bờ vùng cửa sông, ven biển bán đảo Cà Mau”. Mã số: ĐTĐL.CN-49/18 do ThS. Mai Trọng Luân - Viện Sinh thái và Bảo vệ Công trình chủ nhiệm.
Tham dự buổi họp kiểm tra có Ông Lê Quang Thành - Vụ trưởng Vụ Khoa học Xã hội, Nhân văn và Tự nhiên và Ông Lê Văn Chính - Chuyên viên chính của Vụ - Bộ Khoa học và Công nghệ; GS.TS. Nguyễn Vũ Việt - Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, PGS.TS. Nguyễn Thanh Bằng - Trưởng Ban Kế hoạch Tổng hợp và các chuyên gia, nhà khoa học trong Hội đồng. Về phía cơ quan thực hiện có TS. Phạm Văn Động - Phó Viện trưởng, chủ nhiệm đề tài và các thành viên tham gia thực hiện.
Tại buổi họp kiểm tra, Đoàn kiểm tra đã được nghe ThS. Mai Trọng Luân - Chủ nhiệm Đề tài đã báo cáo kết quả thực hiện mô hình vật lý “Đánh giá hiệu quả giảm sóng và khả năng trao đổi bùn cát của cấu kiện bê tông lắp ghép - CT3N.WIP1”. Đồng thời đã được nghe GS.TS. Thiều Quang Tuấn - thành viên nhóm thực hiện trả lời các câu hỏi của các chuyên gia về xuất xứ của mô hình, điều kiện biên, hiệu quả giảm sóng, kích thước của kết cấu, tính ổn định của mô hình, thời gian tồn tại của mô hình ngoài thực tế…
GS.TS. Thiều Quang Tuấn - thành viên nhóm thực hiện cho biết khối này được sử dụng rộng rãi nhiều ở Mỹ, có giá trị sinh thái cao, có thể nuôi cấy hàu bên trong, khối có kết cấu rỗng, rời rạc, được xếp theo hình so le, có nhiều cách sắp xếp, khi chuyển dịch kết cấu tự thay đổi,không gây ra hiện tượng nứt gãy hay những vấn đề kết cấu khác, khả năng tiêu giảm sóng cao. Chính vì những hiệu quả ở trên mà khối này mang lại, Nhóm thực hiện đã nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam và áp dụng cho vùng cửa sông, ven biển bán đảo Cà Mau.
Ông Lê Quang Thành - Vụ trưởng Vụ Khoa học Xã hội, Nhân văn và Tự nhiên cho rằng việc đánh giá tính ổn định, tính bền vững lâu dài của mô hình là rất quan trọng khi chuyển giao các công trình bảo vệ bờ cho các địa phương. Ông đề nghị nhóm thực hiện Đề tài cần cung cấp đầy đủ các tài liệu liên quan cho các chuyên gia, nhà khoa học trong đó có báo cáo phần mô hình.
Thay mặt Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam và nhóm thực hiện đề tài, GS.TS. Nguyễn Vũ Việt - Giám đốc Viện đã gửi lời cảm ơn các ý kiến của đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, các chuyên gia, nhà khoa học và hứa sẽ tiếp thu toàn bộ ý kiến đã trao đổi tại các buổi họp kiểm tra không chỉ mô hình mà tất cả các công việc tiếp theo của đề tài.
Tiếp theo đó, Đoàn kiểm tra đã đi thăm mô hình vật lý tại Phòng Thí nghiệm của Trường Đại học Thủy lợi.
Ý kiến góp ý: