TextBody
Huy chương 2

Họp kỹ thuật về quản lý tổng hợp tài nguyên nước Đồng bằng sông Hồng

04/10/2024

Sáng ngày 30/9/2024, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã phối hợp với Cơ quan trao đổi hàn lâm Công hòa liên bang Đức, Trường Đại học Khoa học Ứng dụng Cologne, Đại học Bochum (CHLB Đức) tổ chức hội thảo-tọa đàm về “River Delta at Risk- Các nguy cơ rủi ro tại các đồng bằng”

Chúng ta đều biết rằng các đồng bằng trên thế giới nói chung và đồng bằng sông Hồng nói riêng là khu vực tập trung dân cư đông đúc và dễ bị tổn thương do các tác động của con người, cũng như tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) đã và đang phải đối mặt với nhiều thách thức về môi trường, biến đổi khí hậu, nhất là ô nhiễm không khí và suy giảm chất lượng môi trường nước.

Ngoài ra tình trạng thiếu nước trong mùa khô liên tục xảy ra ở vùng hạ du. Đặc biệt là trong những năm gần đây, mực nước tại một số vị trí quan trắc ở hạ du đã có thời điểm xuống tới mức thấp nhất trong lịch sử. Cạnh tranh trong sử dụng nước giữa các ngành, đặc biệt là giữa phát điện và sản xuất nông nghiệp trong mùa khô ngày càng tăng. Áp lực về dân số cộng với các mục tiêu tăng trưởng và những thay đổi mạnh về cơ cấu kinh tế, gia tăng phát triển các ngành công nghiệp – dịch vụ, sự hình thành các trung tâm dân cư, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng ở lưu vực sông Hồng – Thái Bình sẽ làm thay đổi mạnh mẽ cơ cấu trong nhu cầu khai thác, sử dụng nước, kể cả về chất lượng và số lượng. Nếu không phân bổ nguồn nước hợp lý, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các vùng, các tiểu lưu vực và các ngành dùng nước trên lưu vực sông thì việc khai thác, sử dụng nguồn nước sông Hồng – Thái Bình sẽ không bảo đảm hiệu quả tổng hợp về kinh tế – xã hội và môi trường.

Để bảo đảm quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên nước vùng ĐBSH, đáp ứng các yêu cầu chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế, xã hội theo hướng phù hợp với quy luật tự nhiên, hài hòa giữa các ngành, địa phương và bảo quản lý tổng hợp, thống nhất tài nguyên nước trên toàn vùng, trong thời gian tới cần tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung các chính sách, pháp luật về tài nguyên nước cho phù hợp. Đồng thời, xây dựng và vận hành mạng quan trắc, giám sát tài nguyên nước, xây dựng cơ sở dữ liệu tích hợp dùng chung cho cả vùng; xây dựng quy hoạch tài nguyên nước.... Cùng với đó cần phải đổi mới cơ chế điều phối, giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước vùng ĐBSH, gắn với các hoạt động khai thác, sử dụng nước ở thượng nguồn.

Qua hội thảo-tọa đàm này có thể trao đổi học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau về các vấn đề trong quản lý tài nguyên nước đặc biệt là quản lý nước ở các đồng bằng khác nhau.

P.H

Ý kiến góp ý: