TextBody
Huy chương 2

Họp nghiệm cơ sở đề tài cấp Nhà nước. Mã số: ĐTĐL.2010 T/01

24/06/2013

Ngày 20/6/2013, tại Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã tổ chức họp nghiệm thu cơ sở đề tài cấp Nhà nước "Nghiên cứu giải pháp công nghệ và thiết bị xử lý nền móng dưới nước đập xà lan" do TS. Trần Văn Thái - Viện Thủy công làm chủ nhiệm đề tài. Mã số: ĐTĐL.2010 T/01

Việt Nam là một nước có hệ thống sông ngòi dày đặc trải dọc suốt từ Bắc vào Nam. Để đáp ứng yêu cầu của đời sống cũng như phát triển kinh tế xã hội, đã có nhiều công trình ngăn sông, đắp đập được xây dựng. Song cho đến nay, phần lớn các công trình đã được xây dựng ở Việt Nam đều áp dụng công nghệ truyền thống. Nhược điểm của công nghệ truyền thống là chiều rộng thoát nước qua công trình bị thu hẹp so với lòng sông tự nhiên, cửa van khẩu độ nhỏ. Kết cấu công trình dạng khối tảng bê tông cốt thép, dẫn tới trọng lượng bản thân lớn, nên nền móng công trình thường phải xử lý bằng bãi cọc. Mặt khác, công trình thường được thi công trong hố móng khô ráo và rộng ở trên bãi sông hoặc trong đê quai ngay dưới sông, bởi vậy chi phí xây dựng cao, ảnh hưởng lớn tới cảnh quan môi trường do phải đền bù giải phóng mặt bằng nhiều. Hơn nữa trong điều kiện sông rộng cột nước sâu thì phương pháp này khó thực hiện được. Để khắc phục những nhược điểm của công nghệ truyền thống, GS.TS Trương Đình Dụ và các cộng sự của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã có nhiều nghiên cứu, ứng dụng thành công công nghệ xây dựng công trình ngay trong lòng sông là đập xà lan. Đập xà lan chủ yếu đặt trên nền móng tự nhiên, đã ứng dụng thành công cho gần 100 công trình ở một số tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là dự án phân ranh mặn ngọt Sóc Trăng - Bạc Liêu với 63 công trình. Mặc dù vậy, đến nay, chưa có nghiên cứu chuyên sâu về ổn định đập xà lan trên nền đất yếu để trả lời câu hỏi trong phạm vi tải trọng nào thì đặt trên nền đất tự nhiên, phạm vi nào thì phải xử lý nền, xử lý nền theo giải pháp nào... Trong công tác thi công đập xà lan, giải pháp làm bằng hố móng đập xà lan đang được thực hiện bằng thủ công, nên cần thiết phải nghiên cứu dây chuyền máy móc thiết bị để thực hiện công tác này. Do đó, đề tài nghiên cứu giải pháp xử lý nền móng dưới nước đập xà lan là đề tài tiếp tục nghiên cứu, từng bước hoàn thiện nâng cao và phát triển công nghệ đập xà lan, một công nghệ đã được thực tiễn chấp nhận là có hiệu quả kinh tế xã hội cao.

Mục tiêu của Đề tài: Thiết kế và chế tạo được thiết bị làm phẳng nền móng dưới nước cho đập xà lan, năng suất, chất lượng cao hơn các giải pháp hiện hành; Đề xuất được giải pháp công nghệ xử lý nền móng dưới nước cho đập xà lan.

Đề tài đã đạt được kết quả sau: Chế tạo 01 thiết bị nạo vét làm phẳng; Đưa ra hướng dẫn sử dụng, vận hành khảo nghiệm ở Hà Nội và thi công công trình thực tế tại Sóc Trăng; Đề xuất công thức tính ổn định đập xà lan;  Đề xuất các giải pháp xử lý tiếp xúc tăng độ nhám đáy đập, tăng cường chống trượt; Xây dựng phương pháp tính ổn định đập xà lan khi gia cố cọc xi măng đất, cọc tram, cọc bê tông; Đề tài đã có 06 bài báo đăng trên các tạp chí chuyên ngành; đào tạo 3 thạc sỹ, 01 TS; Đã đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ 02 sản phẩm; Cập nhật kết quả nghiên cứu vào tiêu chuẩn thiết kế thi công đập xà lan.

Thay mặt Hội đồng, PGS.TS. Lê Mạnh Hùng - chủ tịch Hội đồng, Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã đánh giá cao kết quả đạt được của đề tài. Đề tài đã sử dụng phương pháp nghiên cứu phù hợp; đã hoàn thành khối lượng lớn các công việc, đảm bảo đầy đủ về số lượng, khối lượng và chủng loại như đã đăng ký trong thuyết minh và hợp đồng; đã xây dựng được giải pháp công nghệ và thiết bị phù hợp để thi công móng đập xà lan, các kết quả có thể tin cậy được thông qua tính toán, thiết kế và chế tạo tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Chủ tịch Hội đồng yêu cầu Chủ nhiệm Đề tài chỉnh sửa lại báo cáo tổng quan và bổ sung thêm một số vấn đề về điều kiện địa chất, các giải pháp xử lý nền cho đập xà lan;  bổ sung về tiêu năng cho đập có kết hợp với cầu giao thông có độ chênh mực nước cao; bổ sung tính toán trọng tâm của thiết bị làm phẳng hố móng; bổ sung bản vẽ tổng thể; làm rõ thêm thông số kỹ thuật của thiết bị và phạm vi sử dụng; xem xét việc tính toán độ ổn định của thiết bị, tuổi thọ của thiết bị trong quá trình làm việc.... Chủ tịch Hội đồng yêu cầu Chủ nhiệm Đề tài bổ sung, chỉnh sửa theo các ý kiến góp ý của Hội đồng.

Đề tài nghiệm thu đạt yêu cầu.

 

Ý kiến góp ý: