TextBody
Huy chương 2

Họp nghiệm thu cấp cơ sở kết quả đề tài khoa học công nghệ cấp Nhà nước. Mã số: ĐTĐL.2011-T/08

11/08/2014

Ngày 08/8/2014, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã tổ chức họp nghiệm thu cấp cơ sở đề tài khoa học công nghệ cấp Nhà nước "Nghiên cứu giải pháp nhằm đảm bảo lấy nước tưới chủ động cho hệ thống các trạm bơm ở hạ du hệ thống sông Hồng-Thái Bình trong điều kiện mực nước sông xuống thấp". Mã số: ĐTĐL.2011-T/08 do GS.TS. Lê Danh Liên - Viện Bơm và Thiết bị Thủy lợi chủ nhiệm.

Trong nhiều năm qua, không chỉ mực nước sông Hồng - Thái Bình xuống thấp vào mùa kiệt mà cả các sông khác như sông Chu, sông Mã, sông Lam... cũng đều bị hiện tượng tương tự. Các trạm bơm ven sông vào mùa kiệt đa phần bị hở trõ không hoạt động bơm nước được. Vì vậy cần có các giải pháp để cấp nước cho bể hút để cho bơm hoạt  động. Việc nghiên cứu thành công giải pháp bổ sung nước vào bể hút cho các trạm bơm ven sông vào mùa kiệt không chỉ giải quyết được việc cấp nước tưới của đồng bằng ven sông Hồng - Thái Bình mà còn giải quyết được cho các trạm bơm ven sông của hạ du lưu vực các sông khác ở đồng bằng Bắc Bộ và Bắc khu Bốn cũ. Bên cạnh đó việc nghiên cứu giải pháp bổ sung mực nước bể hút cho các trạm bơm tưới ven sông sẽ mang lại được nhiều lợi ích cho canh tác nông nghiệp, phát điện và dân sinh; phát huy được hiệu quả của hơn 500 trạm bơm lớn nhỏ đã được xây dựng của hạ du ven sông Hồng và Thái Bình.

Nghiên cứu thành công các giải pháp bổ sung mực nước bể hút trong đó cả giải pháp nghiên cứu lấy nước của các trạm bơm vùng triều và giải pháp nghiên cứu bổ sung mực nước bể hút bằng động lực bao gồm việc nghiên cứu loại bơm cột nước thấp lắp trên kênh hút, kết cấu bơm, công trình, hệ thống điều khiển và phụ trợ phù hợp vừa đảm bảo cấp nước khi mùa kiệt, vừa không làm cản trở dòng chảy ở kênh hút khi mực nước sông lên cao của trạm bơm chính là vấn đề chưa từng được nghiên cứu ở Việt Nam. Vì vậy việc “Nghiên cứu giải pháp nhằm đảm bảo lấy nước tưới chủ động cho hệ thống các trạm bơm ở hạ du hệ thống sông Hồng - Thái Bình trong điều kiện mực nước sông xuống thấp” là nhu cầu cấp thiết, có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao.

Mục tiêu nghiên cứu của Đề tài: Đề xuất các giải pháp đảm bảo lấy nước tưới chủ động cho hệ thống các trạm bơm ở hạ du hệ thống sông Hồng - Thái Bình trong điều kiện mực nước sông xuống thấp.

Các sản phẩm chính của Đề tài: (1) Bơm mô hình MH, công suất N= 22KW, hiệu suất 72%. Đăng ký nghiên cứu 2 mẫu, đã thiết kế, chế tạo và nghiên cứu thử nghiệm 4 mẫu với tỷ tốc khá cao, có hiệu suất đỉnh đạt trên dưới 75%, các loại mẫu này chưa được nghiên cứu và ứng dụng ở Việt Nam; Bơm HT8000-1,7, lưu lượng Q= 8000m3/h, cột áp H=1,7m, hiệu suất 72%; Bộ điều khiển giám sát vận hành (Tủ V&D), công suất 65KW, làm việc ổn định tin cậy, vận hành dễ dàng; Mô hình mẫu cải tạo trạm bơm 12LTx-40 vùng sát hồ chứa đã áp dụng cho trạm bơm Trị Quận; Mô hình mẫu cải tạo trạm bơm vùng triều, đã áp dụng cho trạm bơm Hoàng Lồ, Tiên Lãng, Hải Phòng. (2) Các báo cáo, tập bản vẽ thiết kế bơm, quy trình công nghệ chế tạo bơm, quy trình lắp đặt vận hành bơm HT8000-1,7; báo cáo kết quả ứng dụng 3 trạm bơm vào thực tế; bản vẽ thiết kế cải tạo trạm bơm Sơn Đà; báo cáo hiệu quả áp dụng giải pháp lấy nước tưới cho trạm bơm vùng triều ở Tiên Lãng; Quy trình lấy nước vào mùa kiệt trên cơ sở có tác động của triều; báo cáo ứng dụng giải pháp lấy nước tưới chủ động cho trạm bơm vùng sau hồ ở Phú Thọ; Quy trình cải tạo trạm bơm 12LTx-40 vùng sát hồ chứa và các báo cáo tổng kết, báo cáo chuyên đề; (3) 04 bài báo đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Thủy lợi; đào tạo được 02 thạc sỹ.

Thay mặt Hội đồng, GS.TS. Trần Đình Hòa - Chủ tịch Hội đồng, Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã đánh giá cao các kết quả nghiên cứu của Đề tài. Đề tài đã thực hiện khối lượng lớn các các công việc đảm bảo thực hiện đầy đủ về số lượng, khối lượng, chủng loại các sản phẩm khoa học. Chất lượng báo cáo của Đề tài tốt, rõ ràng, đầy đủ; báo cáo tổng hợp của Đề tài được trình bày công phu, khoa học, dễ hiểu; đề tài sử dụng phương pháp điều tra, khảo sát, tính toán phù hợp, sát thực và đầy đủ; số liệu, mẫu thí nghiệm chọn đại diện phù hợp với nội dung của Đề tài; giải pháp của Đề tài đưa ra có giá trị, đặc biệt trong vấn đề chống hạn; các sản phẩm của Đề tài đạt chất lượng tốt, đảm bảo tính ổn định và  đáp ứng đầy đủ các yêu cầu khoa học so với thuyết minh và hợp đồng đã đăng ký; tài liệu công nghệ và tài liệu tham khảo được trích dẫn đầy đủ, rõ ràng, logic và có thể dùng làm tài liệu tham khảo; đã đào tạo được 02 thạc sỹ và đăng nhiều bài báo về kết quả nghiên cứu của Đề tài trên Tạp chí có uy tín. Chủ nhiệm Đề tài cần bổ sung thêm phần tổng quan các kết quả nghiên cứu về các giải pháp chống hạn cho hệ thống sông Hồng - Thái Bình về mùa kiệt; bổ sung đánh giá thông số, mở rộng phạm vi ứng dụng kết quả nghiên cứu của Đề tài; phân tích, đánh giá làm nổi bật hơn tình trạng hệ thống mực nước ở hạ du sông Hồng - Thái Bình về mùa kiệt để thấy rõ tính cấp thiết của đề tài; chuẩn hóa, định dạng bản vẽ để bộ bản vẽ thiết kế kỹ thuật được hoàn thiện hơn...

Chủ tịch Hội đồng yêu cầu Chủ nhiệm Đề tài chỉnh sửa, bổ sung theo các ý kiến góp ý của Hội đồng.

Đề tài đạt yêu cầu nghiệm thu.

 

Ý kiến góp ý: