Họp nghiệm thu chính thức đề tài Hợp tác quốc tế theo Nghị định thư
31/08/2011Ngày 30/8/2011 tại Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã diễn ra buổi họp nghiệm thu chính thức đề tài hợp tác quốc tế theo Nghị định thư "Nghiên cứu xây dựng hệ thống thông tin liên quan tới nước để phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn I" do PGS.TS. Võ Khắc Trí, Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam làm chủ nhiệm đề tài.
Đến dự nghiệm thu, ngoài các thành viên trong Hội đồng còn có đại diện lãnh đạo Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam và lãnh đạo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam - đơn vị chủ trì thực hiện đề tài cùng các thành viên tham gia thực hiện chính.
Tại cuộc họp, PGS.TS. Võ Khắc Trí đã thay mặt nhóm thực hiện báo cáo kết quả nhiệm vụ trước các thành viên Hội đồng
Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam nằm cuối hạ lưu vực sông Mê Kông, có diện tích tự nhiên vào khoảng 3,9 triệu ha. Đồng bằng sông Cửu Long được biết đến là vùng sản xuất nông nghiệp của Việt Nam, khí hậu có 2 mùa rõ rệt, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 5 đồng bằng bị tác động mạnh của thủy triều và mặn xâm nhập sâu trong nội đồng làm diện tích nhiễm mặn từ 1,2 đến 1,7 triệu ha, mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 11 bị ảnh hưởng nghiêm trọng của lũ lụt hàng năm với diện tích ngập từ 1,6 triệu đến 2 triệu ha. Lưu lượng dòng chảy mùa lũ trung bình hàng năm lớn, địa hình thấp nên ngập lũ theo hàng năm là những vấn đề khó tránh khỏi. Những mối lo ngại gia tăng do tác động của biến đổi khí hậu đã dẫn đến thay đổi diễn biến ngập lụt và xâm nhập mặn ở đây, nơi có hơn 700km bờ biển và các cửa sông mở thông với biển, bên cạnh đó các lo ngại về ảnh hưởng của sự gia tăng phát triển phía thượng lưu có thể làm thay đổi dòng chảy làm ảnh hưởng đến điều kiện sản xuất trên đồng bằng. Hơn nữa, việc duy trì sự phát triển ổn định và bền vững của đồng bằng sông Cửu Long để đảm bảo mục tiêu an ninh lương thực của Quốc gia và nâng cao cuộc sống của người dân là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam hiện nay. Do vậy việc nghiên cứu xây dựng một hệ thống thông tin cho đồng bằng sông Cửu Long là hết sức cần thiết đối với nhiều lĩnh vực hoạt động như bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội, giao thông vận tải, vấn đề môi trường, dự báo thời tiết, mưa lũ, hạn hán, theo dõi đề phòng các thảm họa thiên nhiên...,đặc biệt là trong bối cảnh về diễn biến khí hậu toàn cầu đang diễn ra.
Chính vì vậy, một dự án hợp tác quốc tế về Nghị định thư đã được ký kết giữa Chính phủ CHLB Đức và Chính phủ Việt Nam trong đó có sự hợp tác nghiên cứu xây dựng một hệ thống thông tin liên quan tới nước để phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long. Đây cũng là một trong những dự án mà có sự đóng góp rất lớn của nhiều chuyên gia quốc tế và trong nước của các Viện, Trường Đại học, các cơ quan ban ngành ở địa phương... như Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam, VIện Quy hoạch Thiết kế nông nghiệp phía Nam, Đài Khí Tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, Ủy Ban sông Mê Kông Việt Nam, Đại học Bách Khoa TP.HCM, Đại học Cần Thơ.
Các kết quả thực hiện nhiệm vụ Hợp tác quốc tế được thể hiện thông qua 4 hợp phần chính: Hợp phần 1 (WP 1000) - Quản lý dự án; Hợp phần 2 (WP 3000) - Thiết kế hệ thống thông tin; Hợp phần 3 (WP 4000) - Tài nguyên nước, các hiểm họa liên quan tới nước và hệ thống sông; Hợp phần 4 (WP 6000) - Tích hợp dữ liệu viễn thám và GIS, công cụ và phương pháp luận. Cụ thể như sau:
- Xây dựng trang web của dự án, thường xuyên được cập nhật và có thể upload hoặc download các thông tin, các ấn phẩm khoa học liên quan đến dự án.
- Xây dựng bản mẫu ban đầu của hệ thống thông tin WISDOM với việc quản lý bộ siêu dữ liệu theo tiêu chuẩn ISO19115 và các công cụ tiện ích phục vụ cho việc truy xuất, in ấn dữ liệu, bản đồ cho người sử dụng khi kết nối internet.
- Thu thập và chuẩn hóa được bộ dữ liệu khá đầy đủ phục vụ cho việc nghiên cứu liên quan tới nước ở đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là bộ ảnh vệ tinh có thể lấy từ nguồn tư liệu khổng lồ của Trung tâm không gian Đức DLR.
- Phân tích chuỗi thời gian phi tuyến và biến động của lưu lượng dọc theo nhánh chính của sông Mê Kông, từ đó phát hiện xu thế giảm của đỉnh lũ, nhưng gia tăng xu thế khả năng biến đổi lũ.
- Ứng dụng kết hợp của FSD và MFA sẽ được sử dụng để hỗ trợ các cân chỉnh của mô hình SWAT cho các lưu vực sông Mê Kông và để đánh giá hiệu quả của nó trong mô phỏng dòng chảy và động lực phù sa.
- Mô hình thủy động lực học được mở rộng với mô hình vận chuyển bùn cát để mô phỏng các động lực học bùn cát.
- Nghiên cứu tiềm năng của công nghệ GPS trong việc giám sát lũ, chuyển giao các phương pháp và thiết bị giám sát được lắp đặt trong khu vực nghiên cứu điển hình.
- Cải tiến kỹ thuật và độ chính xác mạng lưới trạm đo. Phát triển việc kiểm soát, truyền số liệu từ xa và thu thập số liệu về trung tâm. Chuyền giao công nghệ trạm đo tự động ở Việt Nam, mở rộng mạng lưới đo và dãy thông số đo.
- Phương pháp và thiết bị phân tích các chất gây ô nhiễm nước đặc trưng thuốc trừ sâu, chất dinh dưỡng, chất gây rối loạn nội tiết hóc môn và chất kháng sinh. Phương pháp xử lý để loại bỏ thuốc trừ sâu và chất gây rối loạn nội tiết có trong nuồn nước mặt.
- Bước đầu sử dụng công nghệ GIS và Viễn thám vào nghiên cứu các vấn đề liên quan tới nước trong khu vực.
- Tích hợp được hệ thông tin địa lý GIS, viễn thám và mô hình toán để phục vụ cho dự báo và cảnh báo thiên tai...
- Kết hợp được các ngành khoa học khác nhau trong vấn đề cảnh báo và giảm nhẹ thiên tai do lũ gây ra.
- Phát triển thành công bộ xử lý đầu tiên cho nhiều cảm biến vệ tinh khác nhau với các thuật toán độc lập.
- Phát triển các bộ xử lý hiện có để phân tích lập các bản đồ ngập, bản đồ thực phủ, bản đồ sử dụng đất... phục vụ cho công tác nghiên cứu và đánh giá tổn thương.
- Tăng cường và mở rộng được các mối quan hệ quốc tế trong các lĩnh vực hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ cho các cơ quan nghiên cứu và các địa phương trong vùng dự án.
- Hệ thống thông tin này giúp cho các nhà quy hoạch, người ra quyết định ở cấp trung ương và địa phương xây dựng những chiến lược phát triển bền vững, các cơ quan nghiên cứu, quy hoạch và đào tạo có được cơ sở dữ liệu đáng tin cậy phục vụ cho việc nghiên cứu và đào tạo.
- Ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực viễn thám, các phương pháp phân tích môi trường và xử lý chất thải.
- Đào tạo được một số lượng lớn các nghiên cứu sinh và thạc sỹ, các cán bộ nghiên cứu của Viện, trường Đại học và cán bộ địa phương.
Sau khi nghe chủ nhiệm đề tài PGS.TS. Võ Khắc Trí trình bày các kết quả thực hiện nhiệm vụ và trả lời các câu hỏi của Hội đồng. Hội đồng đã họp và đã có kết luận: đây là một đề tài có giá trị đào tạo rất lớn và là một đề tài khó, có liên quan đến một số Viện Nghiên cứu, Trường Đại học và một số cơ quan ban ngành của địa phương, vì vậy trong giai đoạn 2 tới đây của dự án WISDOM chủ nhiệm đề tài cần chủ động hơn nữa trong quá trình thực hiện dự án; đề tài mới chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu, chủ nhiệm đề tài cần tập trung đầu tư đưa vào ứng dụng.
Đề tài đạt nghiệm thu chính thức.
Ý kiến góp ý: