Họp nghiệm thu chính thức đề tài nghiên cứu cấp cơ sở “Nghiên cứu tập tính của loài mối Coptotermes formosanus Shiraki (1990) làm cơ sở khoa học cho việc sử dụng bả để phòng trừ”
16/01/2012Ngày 14/01/2012, tại Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã diễn ra buổi họp nghiệm thu chính thức đề tài nghiên cứu cấp cơ sở "Nghiên cứu tập tính của loài mối Coptotermes formosanus Shiraki (199) làm cơ sở khoa học cho việc sử dụng bả để phòng trừ chúng" do ThS. Nguyễn Thị My - Viện Phòng trừ Mối & Bảo vệ công trình làm chủ nhiệm đề tài.
Tại buổi họp, Chủ nhiệm đề tài - ThS. Nguyễn Thị My đã báo cáo các kết quả đã thực hiện của đề tài trước Hội đồng.
Mối được xếp vào các loài côn trùng gây hại lớn nhất, phong phú về chủng loại, phạm vi ảnh hưởng rộng. Mối phá hại thuộc loài Coptotermes formosanus có mặt ở hầu hết các công trình kiến trúc (nhà cửa, kho tàng, đình, chùa, khu di tích...). Các nghiên cứu về loài mối này ở Việt Nam đã từng có nhiều tác giả nghiên cứu nhưng chủ yếu chỉ dừng lại cung cấp hình dạng, cấu trúc tổ, khả năng sống, hình thức gây hại, các biện pháp phòng chống bằng việc phun hóa chất, phun thuốc trừ sâu, phun xăng dầu, phương pháp lây nhiễm... Chính vì vậy, việc tìm một phương pháp mới có hiệu quả, giảm thiểu tối đa sự ô nhiễm môi trường trong phòng trừ mối Coptotermes formosanus là cần thiết, nhóm thực hiện đề tài đã nghiên cứu về tập tính, số lượng cá thể, phạm vi hoạt động... của chúng để làm cơ sở khoa học cho việc sử dụng bả để phòng trừ.
Trong quá trình nghiên cứu, nhóm thực hiện đề tài đã đạt được kết quả như: đã xác định được 54% công trình bị mối Coptotermes formosanus hại trong số 136 công trình khảo sát tại khu vực Hà Nội, đã xác định được tập tính kếm ăn và trao đổi thức ăn trong đàn, đẳng cấp mối non, mối lính, mối trưởng thành, hoạt động kiếm ăn từ đó xác định bã mía là thức ăn phù hợp nhất làm nguyên liệu chính cho chất nền tạo bả và đã tạo ra bả H2 có khả năng diệt chết quần thể mối ở cả trong điều kiện phòng thí nghiệm và ngoài thực tế; đề xuất được quy trình chế tạo bả diệt mối Coptotermes formosanus vả thử nghiệm đạt hiệu quả cao ở mô hình 5000 cá thể và 10000 cá thể. Đề tài đã hoàn thành các sản phẩm gồm: 01 báo cáo khoa học, 01 báo cáo tóm tắt, 01 quy trình chế tạo bả; 01 loại bả diệt được tổ mối và bài báo khoa học. Đặc biệt, sản phẩm đề tài được công nhận tiến bộ kỹ thuật.
Các thành viên trong Hội đồng đánh giá cao các kết quả khoa học cũng như là khả năng ứng dụng của đề tài, đề tài mang ý nghĩa khoa học, ý nghĩa thực tiễn rất cao. Đề tài vừa mang tính chất cơ bản, vừa mang yếu tố kỹ thuật mới, đảm bảo đầy đủ chỉ tiêu sản phẩm đặt ra.
PGS.TS. Lê Mạnh Hùng - Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam - chủ tịch Hội đồng phát biểu: Tuy quy mô đề tài ở cấp cơ sở nhưng chủ nhiệm đề tài đã làm rất bài bản các quy trình, các quy trình được thể hiện một cách logic đưa đến kết quả rõ ràng. Hơn nữa bả diệt mối này được chủ nhiệm đề tài nghiên cứu chế tạo ra là sản phẩm đầu tiên chưa từng có một cơ quan, đơn vị nào nghiên cứu và chưa có một sản phẩm nào tương tự được bán ở ngoài thị trường. Đồng thời, chủ tịch Hội đồng yêu cầu chủ nhiệm đề tài xem lại khả năng ứng dụng của đề tài trên phạm vi rộng hơn không chỉ dừng lại ở nhà dân dụng và đề nghị chủ nhiệm đề tài triển khai nghiên cứu tiếp ở mức độ sâu hơn và cao hơn.
Cuối cùng Hội đồng yêu cầu chủ nhiệm đề tài chỉnh sửa, bổ sung báo cáo theo các ý kiến của Hội đồng. Hội đồng đánh giá đề tài nghiệm thu đạt loại xuất sắc.
Ý kiến góp ý: