TextBody
Huy chương 2

Họp nghiệm thu chính thức đề tài nghiên cứu cấp cơ sở “Nghiên cứu tính toán dự báo sạt lở bờ sông trên cơ sở kết hợp mô hình hình thái MIKE21 và phần mềm tính toán ổn định GEOSLOPE”

10/01/2012

Ngày 07/01/2012, tại Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã diễn ra buổi họp nghiệm thu chính thức đề tài nghiên cứu cấp cơ sở "Nghiên cứu tính toán dự báo sạt lở bờ sông trên cơ sở kết hợp mô hình hình thái MIKE21 và phần mềm tính toán ổn định GEOSLOPE do TS. Đặng Hoàng Thanh làm chủ nhiệm

Tại buổi họp, Chủ nhiệm đề tài - TS. Đặng Hoàng Thanh đã báo cáo các kết quả đã thực hiện của đề tài trước Hội đồng

Trong những năm gần đây, tình hình diễn biến sạt lở lòng dẫn trên một số đoạn sông thuộc hệ thống sông Hồng - Thái Bình ngày càng có xu thế gia tăng. Sạt lở bờ sông diễn ra đã làm mất đi nhiều diện tích hoa màu, đe dọa trực tiếp đến sự ổn định của nhiều công trình công cộng, kho tàng trên bờ sông, thậm chí cả tính mạng của nhiều người dân. Chính vì vậy, việc nghiên cứu tính toán dự báo sạt lở bờ sông để đề ra được các giải pháp chống sạt lở bờ là cần thiết và cấp bách, đặc biệt là trong việc nghiên cứu áp dụng các công nghệ mới, hiện đại. Đề tài đã được chủ nhiệm tiếp cận theo hướng ứng dụng bộ công cụ mô hình MIKE21C kết hợp với phần mềm GEOSLOPE để tính toán diễn biến lòng dẫn.

Các kết quả thực hiện chính của đề tài đã thu được như (1) đã xây dựng được mô hình MIKE21C tính toán biến hình lòng dẫn đoạn sông mẫu: lập mô hình hình thái và lựa chọn các thông số của mô hình hình thái. Từ kết quả tính toán, tác giả đề xuất phương pháp tính toán sạt lở bờ sông bao gồm phạm vi, diễn biến lòng dẫn, mức độ sạt lở của các đoạn sông cụ thể bằng sơ đồ 6 bước (thiết lập mô hình MIKE21C, kiểm định mô hình MIKE21C, xây dựng các kịch bản tính toán dự báo, tính toán các kịch bản dự báo bằng mô hình MIKE21C; thiết lập và tính toán ổn định bờ sông bằng phần mềm GEOSLOP với các kịch bản, tổng hợp phân tích kết quả dự báo diễn biến sạt lở bờ sông); (2) Lựa chọn đoạn sông Đống trong hệ thống sông Hồng để nghiên cứu phục vụ bài toán dự báo sạt lở; (3) áp dụng phương pháp kết hợp 2 mô hình tính toán sạt lở bờ sông cho đoạn sông Đuống cụ thể từ km6 đến km28, mô phỏng chi tiết các công trình trên bãi thông qua hệ số nhám cũng như phân tích địa hình của bãi, đã hiệu chỉnh kiểm định mô hình với những số liệu thực đo để tìm ra được bộ thông số hợp lý với đoạn sông phục vụ công tác dự báo diễn biến xói bồi theo thời gian.

Các thành viên trong Hội đồng đã đánh giá rất cao các kết quả thực hiện cũng như là ý tưởng của nhóm thực hiện đề tài. Đây là một đề tài có ý nghĩa khoa học và tính thực tiễn rất cao.

Chủ nhiệm đề tài đã phát hiện ra những khiếm khuyết của các công cụ nghiên cứu được sử dụng phổ biến hiện nay và đã đề xuất một hướng nghiên cứu mới đó là kết hợp quá trình tính toán mô phỏng dòng chảy, vận chuyển bùn cát trên mô hình MIKE21C kết hợp với tính toán ổn định bờ sông trên mô hình GEOSLOPE. Cách tiếp cận này theo Hội đồng là rất mới, sáng tạo và chưa có bất kỳ một cơ quan, đơn vị nào nghiên cứu tương tự, việc kết hợp này đưa ra những kết quả tốt hơn, chính xác hơn so với các phương pháp nghiên cứu khác. Thông qua đề tài đã đào tạo được 01 thạc sỹ & 01 bài báo. Ý tưởng kết nối các phần mềm mô phỏng thủy lực, vận chuyển bùn cát (MIKE21C) với ổn định mái dốc (GEOSLOPE) là một gợi ý rất tốt tuy nhiên chủ nhiệm đề tài mới dừng ở phương pháp luận, chưa có áp dụng nghiên cứu sâu vào thực tế, chủ nhiệm đề tài nên bổ sung thêm các kết quả nghiên cứu trước đây. Sau khi nghiên cứu xong, chủ nhiệm đề tài nên có nghiên cứu sâu hơn nữa có tính đến yếu tố hợp tác quốc tế tận dụng việc đi tắt đón đầu để phát triển trong tương lai.

Hội đồng đánh giá đề tài đạt nghiệm thu loại xuất sắc.

Ý kiến góp ý: