Họp nghiệm thu cơ sở đề tài cấp Bộ “Nghiên cứu cơ chế chính sách quản lý chất thải góp phần bảo vệ môi trường nông thôn”
16/05/2013Ngày 15/5/2013, tại Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã tổ chức họp nghiệm thu cơ sở đề tài cấp Bộ "Nghiên cứu cơ chế chính sách quản lý chất thải góp phần bảo vệ môi trường nông thôn" do PGS.TS. Vũ Thị Thanh Hương - Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường làm chủ nhiệm đề tài.
Hiện nay ở các vùng nông thôn Việt Nam tình hình ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cộng đồng và phát triển bền vững. Chính vì thế công tác quản lý môi trường nói chung và quản lý chất thải nông thôn nói riêng đã trở thành mối quan tâm lớn của các cấp các ngành. Trước tình hình này đã có nhiều cơ quan nghiên cứu, các tổ chức trong và ngoài nước và một số địa phương nghiên cứu về công tác quản lý chất thải. Tuy nhiên các kết quả nghiên cứu trước đây chủ yếu tập trung vào các giải pháp công nghệ, kỹ thuật xử lý chất thải, một số nghiên cứu đã đề cập đến vấn đề nâng cao nhận thức, huy động sự tham gia của cộng đồng, song các mô hình đều không bền vững và khó có khả năng nhân rộng. Các đầu tư cho hoạt động quản lý chất thải ở nông thôn trong thời gian qua tuy chưa được nhiều song lại kém hiệu quả và gây lãng phí. Phần lớn các văn bản hướng dẫn, tiêu chuẩn kỹ thuật, chính sách hỗ trợ đã ban hành về quản lý chất thải đều tập trung cho đô thị, khu công nghiệp, cho các dịch vụ công ích thuộc Nhà nước quản lý. Nhiều địa phương không sử dụng hết kinh phí sự nghiệp môi trường trong khi kinh phí đầu tư cho hoạt động quản lý chất thải ở nông thôn chưa được thỏa đáng. Do vậy, việc nghiên cứu cơ chế chính sách quản lý chất thải góp phần bảo vệ môi trường nông thôn là rất cấp thiết, là cơ sở đề xuất các chính sách cần được ban hành trong quản lý chất thải nông thôn.
Mục tiêu của đề tài: Đánh giá được tác động của các cơ chế, chính sách hiện hành đến công tác quản lý chất thải và tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn; Xây dựng được các cơ chế chính sách cần được ban hành trong quản lý chất thải góp phần bảo vệ môi trường nông thôn.
Các kết quả đạt được của Đề tài: (1) Đánh giá được tổng quan trong và ngoài nước về các chính sách quản lý chất thải, rút ra được những bài học kinh nghiệm của các nước trong ban hành và thực thi các chính sách quản lý chất thải có thể áp dụng cho nông thôn Việt Nam. (2) Đánh giá được tác động của các chính sách hiện hành đến công tác quản lý chất thải nông thôn thông qua kết quả điều tra tại 9 tỉnh đại diện cho 3 vùng: miền núi, đồng bằng sông Hồng và đồng bằng Tây Nam Bộ, rút ra được sự khác nhau về điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội, những khó khăn tồn tại trong công tác quản lý chất thải. (3) Trên cơ sở khảo sát đánh giá các mô hình thực tế, đề tài đã đề xuất các mô hình quản lý có thể áp dụng cho nông thôn bao gồm: mô hình quản lý chất thải liên xã phù hợp với miền núi và vùng ngập lũ đồng bằng Tây Nam Bộ; mô hình quản lý chất thải cho 1 xã có thể áp dụng cho cả 3 vùng; mô hình quản lý chất thải cho 1 thôn, xã có thể áp dụng cho miền núi và vùng đồng bằng sông Hồng. (4) Triển khai thí điểm 3 mô hình quản lý chất thải cấp xã để rút ra những bài học kinh nghiệm và làm cơ sở đề xuất các chính sách quản lý chất thải nông thôn. (5) Đã xây dựng được căn cứ khoa học và đề xuất nội dung một số chính sách cần được ban hành liên quan đến quản lý chất thải nông thôn.
Hội đồng đã đánh giá cao các kết quả của Đề tài. Đề tài có giá trị khoa học, thực tiễn. Cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu khoa học của đề tài có độ chính xác và đáng tin cậy. Nội dung nghiên cứu của Đề tài hoàn toàn phù hợp, đáp ứng với mục tiêu; các mô hình đề tài đề xuất có giá trị thực tiễn cao, có khả năng nhân rộng, ứng dụng vào thực tiễn đem lại hiệu quả kinh tế. Đề tài có 01 bài viết đăng trên Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và đã có đóng góp cho công tác đào tạo.
Hội đồng đề nghị Chủ nhiệm đề tài bổ sung báo cáo theo ý kiến góp ý của các phản biện và thành viên trong Hội đồng. Đề tài nghiệm thu đạt loại khá.
Ý kiến góp ý: