TextBody
Huy chương 2

Họp nghiệm thu cơ sở Đề tài cấp Nhà nước - ĐTĐL.2012-T07

09/01/2017

Cuối tuần vừa qua, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã tổ chức họp Hội đồng khoa học công nghệ đánh giá nghiệm thu cấp cơ sở kết quả Đề tài khoa học công nghệ cấp Nhà nước “Nghiên cứu tính toán, thiết kế buồng hút, bể hút để cải tạo và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống các trạm bơm vừa và lớn” do TS. Đinh Anh Tuấn - Viện Bơm và Thiết Bị Thủy lợi chủ nhiệm.

Theo chủ nhiệm, hầu hết các trạm bơm vừa và lớn cho tưới tiêu thủy lợi ở Việt Nam (tập trung chủ yếu ở đồng bằng Bắc Bộ và Bắc khu bốn cũ) được thiết kế và xây dựng từ rất lâu khi mà các điều kiện kinh tế và giao lưu quốc tế còn hạn chế, chính vì vậy các trạm bơm vừa và lớn này đều có những vấn đề về thủy lực bể hút và buồng hút.

Việc nghiên cứu thành công tính toán, thiết kế buồng hút, bể hút để cải tạo và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống các trạm bơm vừa và lớn không những nâng cao hiệu quả hoạt động của các trạm bơm này mà còn là cơ sở để rút kinh nghiệm trong việc thiết kế trạm bơm mới; phát huy được hiệu quả của hơn 200 trạm bơm vừa và lớn đã được xây dựng ở khu vực đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ đã được xây dựng và vận hành khai thác nhiều năm nay.

Ngoài ra theo Chủ nhiệm, việc nghiên cứu này không chỉ mang lại ý nghĩa thiết thực cho việc nâng cao hiệu quả hoạt động cho các trạm bơm tưới tiêu của nông nghiệp mà còn là vấn đề thiết thực đối với các ngành kinh tế khác có dùng bơm như giao thông vận tải, năng lượng... và là cơ sở khoa học để cập nhật và hiệu chỉnh bổ sung trong lý thuyết thiết kế trạm bơm và máy bơm.

Với mục tiêu đề xuất được phương pháp tính toán, thiết kế, cải tạo buồn hút, bể hút nhằm nâng cao hiệu quả vận hành khai thác trạm bơm vừa và lớn hiện có, nhóm thực hiện đề tài đã triển khai các nội dung nghiên cứu như: Nghiên cứu, khảo sát hiện trạng bể hút, buồng hút của các loại trạm bơm vừa và lớn hiện lắp đặt tại Việt Nam; nghiên cứu thủy lực buồng hút và bể hút; nghiên cứu đề xuất cải tiến tính toán, thiết kế buồng hút, bể hút cho các trạm bơm vừa và lớn loại máy (6000 m3/h đến 10.000 m3/h; 11.000 m3/h đến 17.000 m3/h và 18.000 m3/h đến 36.000 m3/h ); nghiên cứu cải tạo trạm bơm Như Quỳnh.

Sau 04 năm triển khai nghiên cứu, đề tài đã đạt được các kết quả nghiên cứu chính như: (1) Cải tạo bộ dẫn dòng bể hút, buồng hút trạm bơm Như Quỳnh; mẫu cánh bơm, cánh hướng phù hợp với thủy lực bể hút, buồng hút trạm bơm Như Quỳnh; Biến tần điều chỉnh số vòng quay động cơ để  bơm được lưu lượng phù hợp với khi mực nước bể hút, buồng hút xuống thấp; (2) Bản vẽ thiết kế cải tạo trạm bơm Như Quỳnh; (3) Báo cáo đánh giá hiện trạng, cơ sở khoa học, đề xuất cải tiến tính toán, thiết kế buồng hút, bể hút phù hợp với các trạm bơm vừa và lớn.; (4) cung cấp số liệu đào tạo tiến sỹ chuyên ngành trạm bơm; (5) đã công bố 02 bài báo trên Tạp chí chuyên ngành.

Phát biểu kết luận tại buổi họp, Chủ tịch Hội đồng GS.TS. Trần Đình Hòa - Phó Giám đốc Viện cho rằng đề tài có ý nghĩa khoa học, ý nghĩa thực tiễn; đề tài cơ bản đạt đủ số lượng, chất lượng, chủng loại theo hợp đồng; phương pháp nghiên cứu có độ tin cậy cao. Chủ tịch Hội đồng đề nghị Chủ nhiệm chỉnh sửa báo cáo tổng hợp, bố cục và nội dung của báo cáo; chỉnh sửa đối tượng nghiên cứu, kỹ thuật sử dụng, kết luận của các chương, phần kết luận và kiến nghị; giới hạn lại phạm vi nghiên cứu; đánh giá khảo sát cần phân tích sâu hơn số liệu...

Chủ tịch Hội đồng yêu cầu Chủ nhiệm Đề tài chỉnh sửa và hoàn thiện các báo cáo theo các ý kiến góp ý của Hội đồng.

Đề tài nghiệm thu đạt yêu cầu.

Ý kiến góp ý: