TextBody
Huy chương 2

Họp nghiệm thu cơ sở đề tài cấp Nhà nước mã số ĐTĐL.06T/2012

29/03/2016

Ngày 28/3, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã tổ chức Hội đồng khoa học công nghệ đánh giá nghiệm thu cấp cơ sở đề tài “Nghiên cứu ứng dụng vật liệu hỗn hợp để gia cố đê biển chịu được nước tràn qua do sóng, triều cường, bão và nước biển dâng”, mã số: ĐTĐL.06T/2012 do TS. Nguyễn Thanh Bằng chủ nhiệm.

TS. Nguyễn Thanh Bằng cho biết, Việt Nam có trên 3200km bờ biển trải dài từ Bắc vào Nam với hệ thống đê biển đã được hình thành và củng cố qua nhiều thời kỳ nhưng do phải làm việc trong điều kiện bất lợi như thường xuyên chịu nhiều tác động do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, nắng nóng, sóng, gió, thủy triều, các tác nhân xâm thực từ môi trường biển nên hiện tượng lún, sụt, nứt, thấm... dẫn đến phải thường xuyên nâng cấp, tu bổ để có thể đáp ứng được yêu cầu làm việc. Bên cạnh đó, công tác xây dựng, nâng cấp và tu bổ đê điều ở nước ta gặp nhiều khó khăn do đê nhiều, kỹ thuật chưa tốt, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật của thế giới còn gặp không ít khó khăn về kinh tế, kỹ thuật, điều kiện áp dụng; thêm vào đó hệ thống đê biển chủ yếu xây dựng bằng vật liệu địa phương trên nền đất yếu, kỹ thuật thi công hạn chế nên khó có thể ổn định và bền vững lâu dài.

Hiện nay, nhiều nước trên thế giới, trong đó có Hà Lan đã nghiên cứu thành công và sử dụng rất phổ biến vật liệu cát, đá và Bitum bảo vệ mái đê biển; vật liệu hỗn hợp Asphalt này có những tính năng ưu việt hơn đó là khả năng chống thấm tốt hơn, khả năng chống xâm thực trong môi trường nước biển tốt hơn nhiều, khả năng biến dạng và đàn hồi tốt, có thể thích ứng một cách mềm dẻo với những biến dạng, hạn chế được những lún sụt, xói lở cục bộ của đê biển, độ bền và tuổi thọ cao hơn nhiều so với vật liệu gia cố của chúng ta trước đây thường dùng là bê tông, bê tông cốt thép.

Ở nước ta việc nghiên cứu này là cần thiết để có luận cứ khoa học so sánh cả về ý nghĩa khoa học và thực tiễn về sử dụng loại vật liệu mới này với vật liệu truyền thống đang sử dụng, tiến tới ứng dụng những thành tựu khoa học đó vào điều kiện cụ thể ở nước ta nhằm đảm bảo ổn định và bền vững lâu dài cho đê biển. Chính vì vậy, Chủ nhiệm Đề tài đã nghiên cứu ứng dụng vật liệu hỗn hợp để gia cố đê biển chịu được nước tràn qua do sóng, triều cường, bão và nước biển dâng.

Sau 04 năm triển khai, nhóm thực hiện đề tài đã nghiên cứu, phân tích đánh giá được thực trạng đê biển, ưu nhược điểm, điều kiện áp dụng của công nghệ đã áp dụng của các giải pháp công nghệ đã áp dụng để bảo vệ đê biển trên thế giới và của Việt Nam; Đã xây dựng được 05 quy trình như quy trình công nghệ sản xuất vật liệu hỗn hợp gia cố lớp bảo vệ đê biển, quy trình công nghệ thiết kế các dạng lớp gia cố đê biển sử dụng vật liệu hỗn hợp, quy trình thi công lớp gia cố đê biển sử dụng vật liệu hỗn hợp, quy trình công nghệ kiểm tra chất lượng thi công vật liệu hỗn hợp, quy trình công nghệ quản lý, bảo dưỡng và sửa chữa đê biển sử dụng vật liệu hỗn hợp và xây dựng được bộ bản vẽ thiết kế gia cố đoạn đê thử nghiệm bằng vật liệu hỗn hợp; Đã ứng dụng vật liệu hỗn hợp asphalt chèn trong đá hộc tại mô hình thực tế tại đê biển Cồn Tròn - Hải Hậu; Đăng 07 bài báo trên các Tạp chí chuyên ngành và thông qua đề tài đã đào tạo được 03 thạc sỹ và 01 tiến sỹ.

Thay mặt Hội đồng, GS.TS. Trần Đình Hòa - Chủ tịch Hội đồng -  Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã đánh giá cao các kết quả đạt được của đề tài; Đề tài có khối lượng công việc lớn, có tính khoa học và thực tiễn cao; đề tài đầy đủ về số lượng, khối lượng, chủng loại các sản phẩm khoa học công nghệ; bố cục của đề tài hợp lý, logic; các tài liệu về công nghệ, quy trình thiết kế, thi công, duy tu, sản xuất... đầy đủ; phương pháp nghiên cứu phù hợp, có tính kế thừa, sử dụng nhiều phương pháp hiện đại trong thí nghiệm và tính toán, sử dụng tiêu chuẩn mới nhất của Việt Nam và thế giới; chủ nhiệm Đề tài đã tiến hành khảo sát thực địa tuyến đê biển ở Hà Lan sử dụng vật liệu Asphalt hỗn hợp nên các số liệu về điều tra, khảo sát có độ tin cậy cao. Bên cạnh đó, GS.TS cho rằng chủ nhiệm Đề tài cần chỉnh sửa thêm bố cục của báo cáo tổng kết để làm rõ hơn nữa các kết quả của Đề tài, bổ sung tài liệu trích dẫn, các giải pháp an toàn lao động và vệ sinh môi trường trước, trong và sau quá trình thi công, hiệu quả kinh tế của giải pháp; giới hạn phạm vi nghiên cứu, làm rõ khả năng ứng dụng của giải pháp kết cấu; cần có thêm các thí nghiệm về tuổi thọ của vật liệu

Chủ tịch Hội đồng yêu cầu chủ nhiệm Đề tài cần hoàn thiện, chỉnh sửa theo các ý kiến của Hội đồng.

Đề tài nghiệm thu đạt yêu cầu.

 

Ý kiến góp ý: