Họp nghiệm thu cơ sở đề tài cấp Nhà nước mã số ĐTĐL.2011-G/67
08/09/2014Ngày 8/9/2014, tại Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã diễn ra buổi họp nghiệm thu cấp cơ sở Đề tài độc lập cấp Nhà nước "Nghiên cứu công nghệ phòng trừ sinh vật gây hại các công trình di sản văn hóa thế giới: Cố đô Huế, thánh địa Mỹ Sơn và Khu phố cổ Hội An", mã số ĐTĐL.2011-G/67 do TS. Nguyễn Quốc Huy - Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình chủ nhiệm.
Cố đô Huế, thánh địa Mỹ Sơn - Quảng Nam và khu phố cổ Hội An -Quảng Nam là những di sản mang giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nhân văn đại diện cho từng giai đoạn lịch sử Việt Nam, là 3 trong 10 di tích Quốc gia đặc biệt mới được xếp hạng tại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới. Tuy nhiên, trải qua nhiều năm, nhiều giai đoạn lịch sử, các di sản này đều đang đứng trước nguy cơ bị xuống cấp nhanh chóng do các điều kiện khí hậu khắc nghiệt, khí hậu nhiệt đới gió mùa, rất thuận lợi cho nhiều loài sinh vật gây hại phát triển. Chính vì vậy, Bộ Khoa học và Công nghệ đã giao cho Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình triển khai đề tài “Nghiên cứu công nghệ phòng trừ sinh vật gây hại các công trình di sản văn hóa thế giới: Cố đô Huế, thánh địa Mỹ Sơn và Khu phố cổ Hội An” nhằm mục tiêu xác định được các loài sinh vật gây hại chính và xây dựng được quy trình công nghệ thân thiện với môi trường để phòng trừ các loài gây hại chính trong 03 khu di sản văn hóa thế giới.
Sau 03 năm thực hiện, với sự hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ của lãnh đạo và cán bộ Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế, Ban quản lý Di tích và Du lịch Mỹ Sơn và Trung tâm Quản lý Bảo tồn di tích Hội An, các nhà khoa học tham gia đề tài thuộc Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trường Đại học Khoa học - Đại học Huế, trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, Cục Bảo vệ thực vật đã tiến hành nghiên cứu, phân tích, đánh giá và đạt được những kết quả chính sau:
Đã xác định được 96 loài sinh vật gây hại di tích, số lượng loài gây hại được phân theo các nhóm gây hại: nhóm động vật không xương sống phát hiện được 37 loại côn trùng (chiếm 38,5%), số loài động vật có xương sống gây hại trực tiếp hay gián tiếp đến di tích có tất cả 17 loài (chiếm 17,7%), nấm mốc có 11 chi (chiếm 11,5%), nấm mục có 10 loài chiếm (chiếm 10,4%) và thực vật có 21 loài (chiếm 21,9%); Số lượng loài phân bố không đồng đều ở 03 khu di tích, Cố đô Huế (82 loài, chiếm 85,4%), Hội An (54 loài, chiếm 56,3%), thánh địa Mỹ Sơn (50 loài, chiếm 52,1% tổng số loài); Số lượng loài sinh vật gây hại nghiêm trọng cho di tích cố đô Huế là 3 loài mối và 1 loài xén tóc nâu; thánh địa Mỹ Sơn là 6 loài thực vật, phố cổ Hội An là 4 loài mối và 1 loài xén tóc nâu; Sinh vật gây hại di tích có 02 nhóm cơ bản, nhóm gây hại lộ thiên chủ yếu là nấm và thực vật xâm hại không gian bên ngoài di tích và nhóm gây hại trong bóng tối là mối, mọt và nấm mục, xâm nhiễm vào bên trong các cấu kiện di tích,tạo ra sự hủy hoại ngầm di tích; Đã đưa ra các dẫn liệu sinh học, sinh thái học về các loài gây hại nghiêm trọng ở 03 di tích nghiên cứu, giải thích rõ nguyên nhân và sức phá hại di tích của các loài và đưa ra 03 mô hình xử lý và các tài liệu kỹ thuật phòng trừ cho từng đối tượng hay nhóm đối tượng gây hại di tích...
Thay mặt Hội đồng, chủ tịch Hội đồng GS.TSKH. Vũ Quang Côn đánh giá cao kết quả của Đề tài. Đề tài có hàm lượng khoa học cao, quy mô lớn, nghiên cứu trên các đối tượng là di sản thuộc di sản thế giới, báo cáo tổng hợp đầy đủ, trình bày có tính logic, sử dụng hệ thống các phương pháp nghiên cứu phù hợp, có tính khoa học, số liệu đưa ra khách quan, các kết quả nghiên cứu của Đề tài đã bám sát vào các mục tiêu, nội dung và các sản phẩm khoa học và công nghệ đã được đặt hàng, hình ảnh minh họa rõ nét, tài liệu tham khảo đầy đủ. Bên cạnh đó, nhóm thực hiện đề tài cần bổ sung hiệu quả công nghệ xử lý và hiệu quả kinh tế, nguyên tắc diệt sinh vật gây hại, phân loại các di sản bị hư hại, mô tả bằng hình ảnh các loài nấm mốc, chỉnh sửa một số thuật ngữ và ghi rõ nguồn ảnh và đề nghị phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ để tiến hành giai đoạn tiếp theo, đi vào ứng dụng thực tế.
Đề tài đạt yêu cầu nghiệm thu.
Ý kiến góp ý: