TextBody
Huy chương 2

Họp nghiệm thu cơ sở đề tài độc lập cấp Nhà nước mã số 2007G/29

01/11/2011

Ngày 27/10/2011, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã tổ chức nghiệm thu cơ sở đề tài độc lập cấp Nhà nước "Nghiên cứu ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ phòng chống hạn hán phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững ở các tỉnh miền núi phía Bắc" mã số 2007G/29 do PGS.TS. Đoàn Doãn Tuấn - Trung tâm Tư vấn Quản lý Thủy nông có sự tham gia của người dân (CPIM) làm chủ nhiệm

Các tỉnh miền Núi phía Bắc có diện tích chiếm tới 30,7% diện tích của cả nước, sản xuất chủ yếu là nông nghiệp. Tuy nhiên, do điều kiện tự nhiên, hệ thống cơ sở hạ tầng kém phát triển, trình độ kỹ thuật sản xuất còn thấp, việc đầu tư vào công trình thủy lợi, hồ chứa ít khả thi và hạn hán xảy ra hàng năm nên gây nhiều khó khăn cho nhân dân trong vùng. Vì vậy, việc nghiên cứu về giải pháp phòng chống hạn hán phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững cho miền núi trung du phía Bắc là cần thiết.

Nhóm thực hiện đề tài đã phân loại thành 2 vùng nghiên cứu và từ đó đưa ra các giải pháp: đối với vùng chưa có công trình thủy lợi tập trung vào các giải pháp công nghệ thu trữ nước mưa kết hợp canh tác tổng hợp, bảo vệ đất và giữ ẩm và đối với vùng có công trình thủy lợi nghiên cứu tập trung vào giải pháp quản lý vận hành nâng cao hiệu quả sử dụng tối ưu nguồn nước trong điều kiện hạn hán và đặc biệt tuyên truyền nâng cao nhận thức, năng lực cộng đồng sử dụng tiết kiệm nước, bảo vệ đất và phòng chống hạn hán.

Bằng cách tiếp cận, kế thừa có chọn lọc; điều tra khảo sát đánh giá; nghiên cứu tại hiện trường, nghiên cứu mô hình toán và sử dụng các bộ công cụ, phần mềm phân tích, bộ ứng dụng Delphi, MS.Visual Studio và một số phần mềm của FAO như CROPWAT, SMIS, nhóm nghiên cứu đã đạt được những kết quả như:

- Phân tích được tình hình sản xuất nông nghiệp cũng như ảnh hưởng của hạn hán đến sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân vùng miền núi phía Bắc

- Tổng quan và phân tích được điều kiện ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ thu trữ nước, bảo vệ đất và giữ ẩm cho vùng khô hạn. Đã xây dựng được mô hình trình diễn tại Phú Thọ.

-  Kết hợp giữa kiểm nghiệm lý thuyết với thực tế đưa ra được chế độ tưới thích hợp cho cây lúa, mía và bưởi. Đã phân tích được một số kỹ thuật tưới tiên tiến hiện nay và đưa ra ứng dụng kỹ thuật tưới cho cây mía, cây bưởi.

- Đã vận dụng phần mềm điều hành hệ thống Cấm Sơn vào trong hệ thống tưới Cầu Sơn - Cấm Sơn

- Đề tài được tuyên truyền trên kênh thông tin đại chúng - VTC16 trong Chương trình “Hướng nghiệp Nhà nông” với thời lượng 30 phút

- Thông qua đề tài đã đào tạo được 01 luận văn thạc sỹ, tổ chức được nhiều Hội nghị hội thảo, 07 bài báo và cho ra đời 02 cuốn sách “Kỹ thuật tưới cho thâm canh lúa” và “Kỹ thuật thâm canh và cấp nước cho cây bưởi” do NXB Nông nghiệp xuất bản.

Hội đồng nghiệm thu đã họp và có kết luận: nội dung, sản phẩm đạt mục tiêu của đề tài đề ra, đề tài đã đưa ra được các kết luận, kiến nghị có cơ sở khoa học cho việc phòng chống hạn hán phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững ở các tỉnh phía Bắc tuy nhiên chủ nhiệm cần bổ sung một số điểm như sau: bổ sung thêm về số liệu hạn hán năm 2009, 2010;  nêu rõ hơn về hiệu quả kinh tế của các mô hình trình diễn, bổ sung phân tích ưu, nhược điểm của mô hình và điều kiện, phạm vi áp dụng; xem lại tính liên kết giữa các giải pháp khoa học công nghệ của đề tài; bổ sung, phân tích sự khác nhau về hạn hán ở các vùng miền núi phía bắc để làm cơ sở để xuất giải pháp khoa học công nghệ...

Hội đồng đánh giá đề tài nghiệm thu đạt yêu cầu. Đề nghị chủ nhiệm đề tài hoàn chỉnh hồ sơ, sắp xếp, chỉnh sửa theo ý kiến kết luận của Hội đồng và làm các thủ tục cần thiết để nghiệm thu chính thức cấp Bộ.  

Ý kiến góp ý: